Kế hoạch của T.Ư Đoàn cử cán bộ đi đào tạo thực tế ở cơ sở:

Lăn vào thực tiễn để rèn luyện, trưởng thành

Lăn vào thực tiễn để rèn luyện, trưởng thành
TP - Lần đầu tiên, Ban chấp hành T.Ư Đoàn ra kế hoạch và thực hiện việc đào tạo cán bộ trẻ là ủy viên BCH, Ban thường vụ T.Ư Đoàn tại địa phương.
Lăn vào thực tiễn để rèn luyện, trưởng thành ảnh 1

Việc đào tạo này diễn ra trong bao lâu, nội dung công việc của cán bộ trẻ là gì? Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với anh Dương Văn An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đoàn.

Trẻ nhưng phải đủ năng lực giải quyết những vấn đề thực tiễn  

Xuất phát từ những yêu cầu nào để T.Ư Đoàn thực hiện kế hoạch cử cán bộ đi đào tạo thực tế ở cơ sở, thưa anh?

Trước hết, xuất phát từ yêu cầu của việc đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong tình hình mới. Cán bộ Trung ương Đoàn được đào tạo cơ bản, có khả năng nghiên cứu, tham mưu, chỉ đạo tốt.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ trương trẻ hóa đội ngũ cán bộ Đoàn của cơ quan Trung ương Đoàn có những đồng chí chưa qua thực tế ở cơ sở nên giỏi về lý luận nhưng thiếu về kinh nghiệm thực tiễn.

Ngày nay, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi vận động và phát triển nhanh, thực tiễn ở cơ sở rất phong phú và đa dạng. Do vậy việc cử cán bộ trẻ đi đào tạo ở cơ sở sẽ giúp cho các đồng chí ấy có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn để tham mưu, chỉ đạo tốt hơn.

Vì sao phải quy định độ tuổi cán bộ đi đào tạo tại cơ sở là sinh từ năm 1976 trở lại?

Nói như đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn trong cuộc gặp gỡ với đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: “Cán bộ Đoàn như con gái, chỉ có một thời.

Cái tuổi nó “đuổi” mình đi, muốn ở lại cũng không được”. Do vậy không thể đưa cán bộ khoảng 35, 37 tuổi đi cơ sở, vì đi về cũng không còn nhiều thời gian phục vụ cho Đoàn.

Trong Ban Thường vụ, BCH Trung ương Đoàn, cán bộ sinh từ năm 1976 trở lại thuộc nhóm cán bộ trẻ, người trẻ nhất sinh năm 1979.

Việc cử cán bộ đi đào tạo, dù là đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ hay đào tạo thực tiễn đều có mối liên hệ chặt chẽ với bố trí, sử dụng, quy hoạch đội ngũ cán bộ.

Song, không nên hiểu việc đưa cán bộ trẻ đi đào tạo thực tế ở cơ sở đồng nghĩa với việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo Đoàn nhiệm kỳ tới, mà phải coi đây là phương thức đào tạo, cơ sở quan trọng để thực hiện công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan T.Ư Đoàn.

Mục đích và yêu cầu mà Ban Bí thư T.Ư Đoàn đặt ra là những cán bộ trẻ chưa qua thực tế ở cơ sở đều được cử đi đào tạo thực tế ở cơ sở nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ vừa giỏi về tầm định hướng, tham mưu, chỉ đạo ở cấp Trung ương vừa sát với cơ sở, giải quyết được những vấn đề thực tiễn.

Không có chuyện nể nang, xuê xoa

Anh có thể cho biết những nội dung công việc mà Ban Bí thư giao cho các đồng chí ủy viên BCH, Ban Thường vụ trong thời gian đào tạo tại cơ sở?

Mỗi đồng chí khi về cơ sở phải là một cán bộ cơ sở thực sự, không được xem mình là cán bộ “ở trên” cử về, là “người quan sát”; phải  “lăn” vào thực tiễn để làm việc, rèn luyện, học hỏi…

Cán bộ đó phải chấp hành sự phân công nhiệm vụ của Ban thường vụ, Ban chấp hành Đoàn ở cơ sở. Đồng thời phải đảm nhiệm một chuyên đề công tác cụ thể do Ban Bí thư Trung ương Đoàn hoặc lãnh đạo Ban giao tuỳ theo tính chất công việc của cán bộ đưa đi đào tạo và thực tiễn ở nơi đến.

Nếu như cán bộ Trung ương về cơ sở để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, vậy có tính đến việc đưa cán bộ ở cấp dưới lên cấp trên để học hỏi ở tầm vĩ mô, chiến lược?

Việc này Ban Thường vụ T.Ư Đoàn cũng đã tính đến, xem đây là việc phải làm trong công tác luân chuyển cán bộ Đoàn. Ví dụ như luân chuyển một đồng chí Phó ban T.Ư Đoàn về làm Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, đồng thời đồng chí Phó Bí thư Tỉnh Đoàn lên làm Phó ban T.Ư Đoàn.

Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy đây là việc làm rất hay. Chắc chắn những cán bộ được luân chuyển, đặc biệt là từ cơ sở lên sẽ học hỏi được nhiều bài học giá trị từ cấp trung ương và các tỉnh, thành phố khác, sau này trở về địa phương sẽ phát huy rất tốt.

Tuy nhiên, đây là việc khó bởi theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng, cấp ủy địa phương lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ của mình. Để thực hiện được cần phải có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa Ban Bí thư T.Ư Đoàn và cấp ủy ở các địa phương.

Liệu có diễn ra tình trạng “vì nể” mà khi cán bộ của Trung ương đưa về cơ sở, cơ sở chỉ phân công các công việc “nhẹ nhàng”, hoặc khi nhận xét, đánh giá thì chỉ một chiều, chỉ khen mà không chê?

Tôi thấy cơ sở rất thẳng thắn. Một số hoạt động hoặc trong hội họp, khi cơ sở đã phê bình, góp ý với Trung ương rất mạnh mẽ. Cán bộ Trung ương mới về cơ sở có thể có tình trạng “dĩ hòa, vi quý”, nhưng đi đào tạo từ 2 – 3 năm thì tôi nghĩ sẽ không có chuyện đó.

Mặt khác, đợt đưa cán bộ đi cơ sở lần này được chuẩn bị rất bài bản, có kế hoạch cụ thể, thời gian dài hơn, có cơ chế theo dõi, giám sát, đánh giá phù hợp. Đồng thời cũng có chế độ, chính sách và các điều kiện khác để cán bộ yên tâm công tác ở cơ sở.

Về bản thân các đồng chí được cử đi đào tạo thực tế ở cơ sở, cũng sẽ thấy ý nghĩa của quá trình đào tạo. Nếu chấp nhận việc “nhẹ nhàng” sẽ đồng nghĩa với học tập chẳng được gì nhiều.

Tôi nghĩ, trong trường hợp cơ sở giao ít việc hoặc việc nhẹ nhàng, tự thân các đồng chí ấy sẽ xung phong nhận việc, kể cả công việc khó khăn vì chính môi trường đó sẽ giúp các đồng chí ấy nhanh chóng trưởng thành.

Việc lựa chọn địa phương để cán bộ trẻ về đào tạo tại cơ sở sẽ căn cứ vào kế hoạch cử cán bộ trẻ đi đào tạo, khả năng của cán bộ và điều kiện thực tế của địa phương,

T.Ư Đoàn sẽ làm việc với cấp ủy, Ban thường vụ Đoàn một số tỉnh, thành phố để thống nhất việc đưa cán bộ trẻ về cơ sở. Tuỳ theo từng vị trí công tác và điều kiện cụ thể sẽ có những đồng chí giữ chức vụ phó bí thư hoặc tham gia ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ hoặc làm cán bộ của các tỉnh, thành Đoàn đó.

Không phải cứ cán bộ trẻ T.Ư về thì nhất định giữ chức vụ ở cấp dưới.

 Phương Hiếu

(thực hiện)

MỚI - NÓNG