Lắng nghe người trẻ

Lắng nghe người trẻ
Trước khi hội nghị thượng đỉnh G8 khai mạc, 2 “hội nghị thượng đỉnh” J8 và C8 với 100% các đại biểu là trẻ em đã diễn ra với mục đích gây tác động lên nghị trình của hội nghị G8.
Lắng nghe người trẻ ảnh 1
Trẻ em phương Tây luôn được khuyến khích phát biểu ý kiến riêng

Tại J8 và C8, các em trong độ tuổi từ 11 - 18 sẽ bàn tới một loạt vấn đề: bệnh dịch, giáo dục, sự nghèo đói, chiến tranh...

Sự kiện này cho thấy thế giới rất tôn trọng và luôn sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng thấu hiểu tiếng nói của các em nhỏ. Chợt nhớ, tại Pháp hằng năm luôn có một cuộc họp quốc hội của trẻ em.

Tại đây, những học sinh trung học Pháp bàn tới nhiều vấn đề, chẳng hạn như cải cách giáo dục. Các em sẽ nói lên suy nghĩ, nguyện vọng của mình để từ đó Nhà nước xem xét và có những cải cách phù hợp.

Trông người lại ngẫm đến ta, ở VN lâu nay dường như vẫn tồn tại một tâm lý: trẻ em là con nít, biết gì đến chuyện người lớn mà tham gia! Chúng ta có những tổ chức xã hội của thiếu nhi, thiếu niên, có những đại hội, những diễn đàn để các em nói lên tiếng nói của mình.

Nhưng thật ra những tiếng nói đó còn rất mờ nhạt, thậm chí chỉ là hình thức (nghĩa là do người lớn chỉ đường trước, trẻ em cứ thế mà “diễn”). Những tiếng nói riêng, những cái gọi là bản ngã của các em thật sự chưa nhiều.

Gần đây cuộc thi “Một ngày làm Tổng lãnh sự Canada” đã thu hút rất nhiều bạn học sinh trung học tham gia. Người viết tin rằng dù chỉ được một ngày tập sự làm Tổng lãnh sự Canada, nhưng bạn học sinh lớp 11 của Trường Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) đã lớn thêm rất nhiều. Vậy tại sao chúng ta không mở rộng các cuộc thi tương tự?         

MỚI - NÓNG