Làng Sinh viên: Nhà hàng, karaoke tùm lum!

Làng Sinh viên: Nhà hàng, karaoke tùm lum!
TP - Trong khi phòng đọc, thư viện, phòng tự học của SV chưa có, việc xuất hiện một “tổ hợp ăn chơi” khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu làng SV Hacinco Hà Nội có còn đúng là.. làng sinh viên? 

Làng Sinh viên Hacinco Hà Nội là dự án về nhà ở cho SV thuê đầu tiên tại Việt Nam, nơi tập trung của hơn 2.000 sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Thủ đô.

Thế nhưng, trong khi phòng đọc, thư viện, phòng tự học của SV chưa có thì việc xuất hiện một “tổ hợp ăn chơi” (gồm nhà hàng, quán bar, khách sạn…) nằm ngay giữa làng đã làm cho nhiều người đặt câu hỏi: Liệu làng SV Hacinco có còn đúng như cái tên gọi của nó nữa không? 

Nhiều sinh viên ở đây cho biết: Vào đầu năm học, thuê được một suất trọ trong làng sinh viên Hacinco này là rất khó. Bởi số phòng cho sinh viên thuê ở đây có hạn.

Vậy nhưng qua tìm hiểu của PV Tiền phong, hiện nay những khối nhà đã đưa vào sử dụng của làng sinh viên Hacinco không đơn thuần chỉ để dành cho sinh viên thuê, mà đều được bố trí kinh doanh theo kiểu đa ngành nghề, đa dịch vụ.

Chẳng hạn, khu nhà A (7 tầng), trước đây khu tầng 1 được bố trí làm cửa hàng bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cho sinh viên, nay lại cho công ty Honda Việt Nam thuê làm nơi kinh doanh và sửa chữa xe máy. Các tầng trên một nửa được cho thuê làm văn phòng, nửa còn lại thì dành cho sinh viên thuê.

Khu nhà B (11 tầng), từ tầng 4 trở xuống được sử dụng làm khách sạn mang tên là Khách sạn Thể thao, phục vụ khách trong và ngoài nước, các tầng còn lại đều được làm văn phòng.

Các khu nhà C, D, E là nơi tập trung nhiều sinh viên thuê ở nhất, thế nhưng xen lẫn là những căn hộ cho các gia đình bên ngoài thuê ở. Riêng khu nhà E, một nửa diện tích còn cho khoa Quan hệ Quốc tế (ĐH Quốc gia, Hà Nội) thuê làm phòng học, giảng đường. Như vậy, số diện tích cho sinh viên thuê ở làng Hacinco đã bị thu hẹp rất nhiều.

Điều đáng nói, trong một môi trường mang đầy tính sư phạm như thế này, nằm ngay giữa làng Hacinco, ngoài một khách sạn, còn xuất hiện một nhà hàng mang tên Pharaon. Được biết, tòa nhà 4 tầng nay đặt nhà hàng này, trước đây vốn là tòa nhà điều hành 4 làng sinh viên Hacinco.

Tháng 3/2005, Cty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (đơn vị chủ đầu tư và quản lý việc kinh doanh làng sinh viên Hacinco), đã ký hợp đồng cho Cty Việt Hàn thuê lại tòa nhà này.

Sau đó, nó đã được tân trang, cải tạo thành một nhà hàng để mở câu lạc bộ với hàng loạt phòng karaoke, quán bar... Nhà hàng này hoạt động với phương thức “ngày đóng cửa im lìm, tối đến đỏ đèn thâu đêm”, gây nên sự tò mò của rất nhiều sinh viên.

Tối đến, thay vì học bài, nhiều sinh viên ở các khu nhà đối diện thường ra hành lang chỉ trỏ và bàn tán về những vị khách ra vào nhà hàng này. Qua tìm hiểu, nhiều sinh viên ở đây cho rằng, trong khi thư viện, phòng tự học của sinh viên trong làng chưa có, đến mùa thi họ phải đi học nhờ, học “chui” ở các giảng đường, ký túc xá của những trường lân cận thì việc tồn tại nhà hàng, khách sạn trong làng là không hợp lý.

“Nó mở ra đâu phải để phục vụ cho sinh viên trong làng mà là những vị khách nước ngoài, những người nhiều tiền, lắm của bên ngoài vào thôi. Sinh viên bọn em làm gì có tiền mà vào đấy” - Thu Trang, một sinh viên sống ở khu nhà D phàn nàn.

Trao đổi với PV Tiền phong, bà Lê Thị Mai Phương, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Cty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội) lý giải: Việc Cty cho một số đơn vị thuê làm văn phòng, kinh doanh là để có nguồn kinh phí hoạt động, bởi hiện Cty vẫn đang phải bù lỗ do giá cho thuê phòng đối với sinh viên quá thấp so với số vốn mà Cty đã bỏ ra đầu tư.

“Hơn nữa, do số căn hộ lớn, trong khi đó sinh viên thuê ở không hết nên Cty cũng cho một số đơn vị bên ngoài thuê làm văn phòng, hộ gia đình thuê ở, nhưng số này không nhiều” - Bà Phương nói.

Trước câu hỏi của PV về việc sự tồn tại nhà hàng, khách sạn ngay giữa làng sinh viên có hợp lý không? Bà Phương cho rằng, xuất hiện nhà hàng, khách sạn hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc học tập của sinh viên trong làng!?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.