Ngày Quốc tế Phòng chống Lao động Trẻ em (12/6):

Lang thang mưu sinh

Lang thang mưu sinh
TP - Không được cha mẹ chăm sóc bảo ban, không được cắp sách đến trường, nhiều em nhỏ đang phải xa nhà, đi lang thang kiếm miếng cơm manh áo sống qua ngày.

Có muôn ngàn lý do đưa các em thiếu nhi đổ xô đến các thành phố lớn kiếm việc làm như: vì nhà nghèo, gia đình tan vỡ, không đủ điều kiện cho các em ăn học, vì mồ côi cha mẹ...

Dạo quanh các đường phố, quán ăn Hà Nội, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các em nhỏ (khoảng từ 8 - 14 tuổi) cắp giỏ bán kẹo, bán đĩa nhạc, hay lê la xin khách đánh giầy, mua báo. Dù trời mưa hay nắng, công việc của các em vẫn đều đặn diễn ra.

Theo điều tra gần nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế, có khoảng 218 triệu lao động trẻ em toàn thế giới, 73 triệu lao động trẻ em dưới 10 tuổi, trong đó có hai triệu em tại các nước phát triển và số còn lại thuộc các quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi.

Riêng ở Việt Nam, theo thống kê của Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em, năm 2005 – 2006 có khoảng hơn 869 nghìn trẻ em không được đến trường. Phần lớn các em tập trung ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi khó khăn, trong đó, nữ nhiều hơn nam.

Công ước số 138 của Tổ chức Lao động Quốc tế quy định, tuổi tối thiểu được làm việc trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được dưới 15 tuổi.

Còn ở nước ta, Bộ luật Lao động cũng quy định cấm nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc (những trường hợp ngoại lệ có quy định riêng).

Em Nguyễn Văn Huy (quê Thanh Hóa) lang thang ở Hà Nội đã lâu. Em thường có mặt tại các phố thuộc quận Hai Bà Trưng- nơi có nhiều quán cà phê vỉa hè để tìm khách mua giúp đĩa nhạc, đĩa phim.

Huy cho biết, sáng chưa mở mắt đã phải rời khỏi căn phòng lụp xụp cùng lũ bạn đồng hương. Đến chiều muộn mới về. Hôm nào không may mắn, bán chậm hàng thì tối khuya mới về. Chỉ mới 15 tuổi, nhưng Huy đã ra Hà Nội kiếm sống được ba năm.

Huy tâm sự, quê em nhiều bạn đi làm sớm lắm, từ 10 tuổi đã đi rồi. Gia đình em nghèo quá, em tính ra ngoài này kiếm sống cùng mấy đứa ở quê, chứ cứ trông vào mảnh ruộng làm thuê cho người ta thì chả đủ ăn.

Huy cho biết, hàng ngày, em nhập đĩa nhạc phim rẻ từ các đại lý rồi đi phố bán cho khách, bao giờ đến vụ thu hoạch thì về quê giúp bố mẹ, rồi lại ra đây  đi làm. Mỗi ngày lãi được ba, bốn chục nghìn, cũng gọi là đủ ăn, đủ lo cho bản thân.

Địa bàn của Tuấn Nghĩa (14 tuổi, Bình Lục, Hà Nam) là khu phố Cát Linh, Nguyễn Thái Học, nơi buổi tối có nhiều quán nước vỉa hè đông khách. Tối nào Nghĩa cũng đi rao bán kẹo cao su, thuốc lá. Hôm nào khá thì được gần trăm ngàn đồng, còn không thì chỉ hai, ba chục nghìn.

“Bố mẹ em mất khi em mới ba tuổi. Em ở với bà ngoại. Bà già rồi, không còn minh mẫn nữa, nên em đi làm nuôi bà. Em làm được hơn một năm, cũng quen rồi. Bình thường không sao, nhưng hôm nào gặp khách khó tính, hoặc say bia rượu, bị người ta chửi, thậm chí còn đánh nữa” - Nghĩa ngậm ngùi.

Trẻ em là tương lai của đất nước, nhưng trong hàng triệu trẻ em Việt Nam còn có hàng ngàn em nhỏ đang phải lao động nặng nhọc, vất vả, không được học hành.

MỚI - NÓNG