Lang thang trên... bầu trời

Lang thang trên... bầu trời
Ăn cũng nhìn lên trời, ngủ mơ về bầu trời, tán gẫu với nhau cũng đề tài... trời. Đó là niềm đam mê của những thành viên CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM.

Đêm Hội Thiên văn năm nay diễn ra vào ngày 4/4 tại trường THPT Lê Hồng Phong - TP.HCM do câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) phối hợp với Tổ Vật lý trường THPT Lê Hồng Phong tổ chức. Tham gia đêm hội có hơn 100 bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh thành, cùng chung một niềm đam mê thiên văn, thích ngắm  bầu trời đầy sao.

Để giúp đỡ những người chưa biết gì về thiên văn, Tuấn Duy - thành viên câu lạc bộ HAAC đã mở đầu bài giới thiệu về bầu trời đêm, các chòm sao và những vật thể sẽ quan sát bằng kính thiên văn.

"Bầu trời đêm với muôn vàn tinh tú luôn khiến chúng ta say mê. Từ lâu rồi những đốm sáng trên bầu trời luôn chứa đựng nhiều bí ẩn của vũ trụ và cả khát vọng muốn khám phá của con người. Bạn hãy cùng tôi lang thang trên bầu trời cùng với những chòm sao...".

Thời tiết đêm 4/4 khá lý tưởng cho việc khám phá bầu trời. Bên ngoài sân, gần 10 kính thiên văn được đặt hướng lên các chòm sao, các nhóm chia nhau quan sát mặt trăng, sao thổ...

Phương Huỳnh - sinh viên khoa Pháp trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thành viên câu lạc bộ HAAC hướng dẫn cho một nhóm học sinh về chòm sao Orion: "Đây là chòm sao của mùa đông. Phía dưới 3 sao thắt lưng thẳng hàng của chòm là 3 đốm sáng nhỏ thẳng hàng tạo thành thanh kiếm của chàng Orion, thẳng theo hướng thanh kiếm là gần như chính xác hướng Nam".

Đêm nào cũng nhìn lên trời, liệu có... chán? Vương Hoàng Huấn - sinh viên năm bốn ĐH Bách khoa TP.HCM, thành viên sáng lập câu lạc bộ HAAC nói: "Nhìn lên bầu trời chỉ thấy sao sáng nhưng mình muốn biết chi tiết của ngôi sao đó như thế nào, hình dạng ra sao, di chuyển về hướng nào... Mỗi lần phát hiện điều mới lạ đều cảm thấy hứng thú". 

Huấn kể tiếp, những ngày còn là học sinh ở quê, mỗi tối sau khi học bài, Huấn thường ra nhìn lên bầu trời đầy sao thấy và tưởng tượng ra trên những ngôi sao đó có gì, hình dạng nó như thế nào. Và cứ thế, niềm đam mê nhìn bầu trời - ngắm những vì sao đêm cứ lớn dần lên.

Đến khi tham gia một số diễn đàn trên mạng, Huấn biết tại TP.HCM có nhiều người cùng sở thích với mình, thế là Huấn lân la làm quen, trao đổi những thông tin về mặt trăng, ngôi sao, cách chọn phương hướng...

Sau đêm ngắm bầu trời, các thành viên sáng lập câu lạc bộ HAAC ngồi lại với nhau để bàn bạc làm kính thiên văn. Những câu hỏi được các thành viên đặt ra dựa trên một hình chụp bầu trời với rất nhiều vì sao...

Đây là một hoạt động thường xuyên của câu lạc bộ nhằm giúp mọi người có cơ hội tiếp cận thực tế về kính thiên văn cũng như giúp hỗ trợ thêm kiến thức về các ngôi sao, mặt trăng.

Hiện câu lạc bộ chia làm 3 nhóm chuyên sâu: nhóm thích ngắm bầu trời, quan sát chi tiết các ngôi sao; nhóm đam mê kỹ thuật chế tạo, chuyên làm kính thiên văn, chế bộ điều khiển tự động, tên lửa nước và nhóm chuyên về các học thuyết vũ trụ, nghiên cứu các "lỗ đen".

Đam mê kết nối tình yêu

Lang thang trên... bầu trời ảnh 1
Thành viên CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM đang thực hành kỹ thuật tên lửa nước - Ảnh: T.L (Thanh Niên).

Thời gian mới thành lập câu lạc bộ, chưa có kính thiên văn, nhóm được một anh bạn ở Hội Thiên văn Việt Nam tặng một kính thiên văn do Trung Quốc sản xuất.

Lúc đầu kính thiên văn này xem rất rõ, nhưng dần dần bị mờ. Các thành viên sau đó phải bỏ tiền ra mua kính, rồi thấy tốn kém quá nên các bạn đề nghị tự nghiên cứu chế tạo. Kết quả sau 6 tháng mày mò, những kính thiên văn do nhóm tự chế đã hình thành với giá rẻ và chất lượng tốt.

Có kính thiên văn, câu lạc bộ cũng thường xuyên tổ chức cho các thành viên đi ngắm trăng, sao ở những nơi xa thành phố. Cau lạc bộ có một nhóm bạn biết tiếng Anh, thường vào các trang web của NASA, Hội Thiên văn thế giới tìm thông tin về những ngày xảy ra mưa sao băng, nhật - nguyệt thực... rồi thông báo cho thành viên ở các tỉnh qua trang web; đồng thời tổ chức đi ngắm trăng, mưa sao băng.

Mỗi lần đi, nhóm thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ đồ ăn thức uống, mang theo mùng màn để ngủ lại, canh đến gần sáng để xem sao băng.

Đây là câu lạc bộ sở thích nên các thành viên đối xử với nhau rất chân thành, hồn nhiên. Họ hướng dẫn, trao đổi kiến thức với nhau rất tận tình. Qua những chuyến đi, một số bạn đã nảy sinh tình cảm đôi lứa với nhau.

Nguyễn Anh Tuấn - Huỳnh Phương Loan là một cặp đôi như thế. Tuấn học trường ĐH Bách khoa, Loan học trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cả hai quen nhau tình cờ trên mạng, cảm thấy hợp nhau ở niềm đam mê nghiên cứu bầu trời.

Họ cùng với một số bạn ráp lại thành lập câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư và sau hơn 2 năm làm việc cùng nhau, họ đã quyết định đi đến hôn nhân. Giờ đây, nhà của hai bạn cũng là nơi để cho các thành viên câu lạc bộ họp mặt vào buổi sáng chủ nhật tuần thứ ba mỗi tháng.

Theo Thiên Long
Thanh Niên

MỚI - NÓNG