Lao động trẻ lên 'sàn'

Lao động trẻ lên 'sàn'
Cứ vào dịp đầu tháng, những lao động chưa có việc làm ở Đà Nẵng lại râm ran trao đổi thông tin "Bữa nào sàn giao dịch hoạt động?". Mới nghe còn chưa hiểu, tưởng những lao động này không có việc nên đi chơi... chứng khoán. Nhưng không phải vậy, cũng là "sàn" nhưng đó chính là "sàn giao dịch việc làm".

Tại bãi giữ xe, tôi đã kịp làm quen với Vân, cô sinh viên vừa tốt nghiệp cao đẳng kế toán, đang mang một tập hồ sơ xin việc để lên "sàn".

Vân cười: "Mình tới đây lần đầu. Mấy đứa bạn mình đều xin được việc nhờ lên "sàn"- đa số là việc tốt, nên tụi nó giới thiệu.

Lần này mình rắp tâm tìm cho bằng được việc, nên mới mang đầy đủ hồ sơ.

Mấy người bạn đã “huấn luyện” rồi, nghe nói ở sàn có doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp nên mình chuẩn bị kỹ lắm!".

Rồi trong lúc chờ đợi, Vân vui miệng kể luôn chuyện mình vừa bị một trung tâm dịch vụ việc làm lừa, hẹn sẽ có việc làm ngay, nhưng khi đến nơi thì doanh nghiệp bảo đã tuyển đủ người rồi, vậy mà khi đến lấy lại tiền cọc, trung tâm này nhất quyết không chịu trả lại cho Vân.

Theo chân cô bạn này vào bên trong Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng (21 Phan Chu Trinh), không khỏi bất ngờ trước cảnh tượng trước mắt. Như một sàn giao dịch chứng khoán, kẻ đứng người ngồi đông nghịt.

Tất cả đều chú tâm vào bảng điện tử trước mắt, xem danh mục việc cần người, số lượng tuyển dụng. Thôi thì đủ việc, từ tuyển nhân viên bán hàng thị trường, phục vụ, lễ tân, tạp vụ... rồi cả kế toán trưởng, kiến trúc sư, trưởng phòng kinh doanh khu vực...

Ngay bên cạnh là một hệ thống máy tính chừng 20 chiếc, đang trong tình trạng kết nối internet để những lao động có thể truy cập tìm hiểu mọi thông tin về lao động, việc làm trong và ngoài nước, cũng như những vấn đề mới nhất về lĩnh vực này.

Cách đó không xa là dãy bàn tư vấn, với những nhân viên tư vấn sẵn sàng đáp ứng mọi thắc mắc của người đến tuyển dụng lao động.

Có hẳn một bộ phận tuyển chọn hồ sơ. Những chiếc bàn trống được kê song song cho người lao động có thể vừa tham khảo các thông tin, vừa viết hồ sơ xin việc.

Có phòng riêng hẳn hoi dành cho doanh nghiệp đến tuyển dụng, phỏng vấn các ứng viên đạt tiêu chuẩn. Giữa nhà tuyển dụng và người lao động đã có sự gặp gỡ nhất định, và hiệu quả tuyển dụng vì vậy cũng tăng cao.

Trong phiên giao dịch ngày hôm ấy, có đến hơn 2.500 lao động mà nhà tuyển dụng cần tìm, trong đó có hơn 1.600 lao động sẽ được dự tuyển phỏng vấn tại chỗ, những con số không hề nhỏ...

Lần đầu tiên, được chứng kiến cảnh lao động được đưa lên "sàn", tôi thật sự bất ngờ vì hiệu ứng mạnh mẽ của mô hình này.

Hơn 7.000 lao động đã có việc làm

Theo ông Nguyễn Pháo - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP), ban đầu hình thức này được gọi là "phiên chợ việc làm hằng tháng", nhưng dần dà về sau, từ kết quả và mô hình hoạt động, đã trở thành một "sàn giao dịch" việc làm thực sự.

Kết nối các nhà tuyển dụng, tạo dựng website để người tuyển dụng và người lao động đều được tiếp cận, liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường lao động... là những việc làm thiết thực của trung tâm khi triển khai hình thức giao dịch việc làm này.

Lao động trẻ lên 'sàn' ảnh 1
Đăng ký và xin tư vấn tại sàn giao dịch việc làm - Ảnh: D.Hiền

Hiệu quả của mô hình này khiến những người hình thành nên nó cũng hết sức ngạc nhiên và phấn khởi. Qua 1 năm triển khai (từ tháng 5.2006), "sàn giao dịch" việc làm đã tạo nên được tiếng vang lớn không chỉ tại Đà Nẵng mà trên cả nước.

Trong 1 năm, sàn giao dịch việc làm TP Đà Nẵng đã giới thiệu hơn 12.700 lao động cho các doanh nghiệp, và hơn 7.000 lao động (trong đó 2.000 người có trình độ đại học - cao đẳng) đã có việc làm.

Điều đáng nói là mô hình "sàn giao dịch" này miễn phí cho các lao động đến tìm việc tại đây, khiến cho hiệu ứng từ mô hình có sức lan tỏa lớn. Với cách làm hết sức khoa học, hiện đại, "sàn giao dịch" việc làm đã kết nối được người sử dụng lao động và người lao động.

Và tên gọi "sàn giao dịch việc làm" đã trở thành "thương hiệu riêng" của người tìm việc và người tuyển dụng tại Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đại Đồng - Vụ trưởng Vụ Lao động - Việc làm (Bộ LĐTB&XH) cho biết, mô hình "sàn giao dịch việc làm" sắp đến sẽ tiếp tục được triển khai trên cả nước.

Và con số này sẽ dần nâng lên từ 30 - 40 tỉnh, thành áp dụng mô hình này. Và lao động cả nước, sẽ được lên "sàn" - nơi trao đổi một thứ hàng hóa đặc biệt - đó là sức lao động. 

Theo Diệu Hiền
Thanh Niên

MỚI - NÓNG