Lập nghiệp từ… lòng hồ sông Đà

Thả tặng cá giống cho thanh niên xã Tân Mai. Ảnh: LƯU TRINH
Thả tặng cá giống cho thanh niên xã Tân Mai. Ảnh: LƯU TRINH
TP - Với mô hình chuyển giao nuôi cá trắm dưới lòng hồ thủy điện sông Đà, đội Trí thức khoa học trẻ tình nguyện tỉnh Hòa Bình đã giúp hàng chục bạn trẻ, cũng như người dân ở đây làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

“Vỡ” ra nhiều điều

Những ngày tháng 8 trời mưa tầm tã, đội Trí thức trẻ tình nguyện tỉnh Hòa Bình không quản ngại, vượt đường đèo núi về xã Tân Mai tập huấn cho các bạn trẻ kỹ thuật chăm nuôi cá lồng dưới lòng hồ sông Đà. Buổi tập huấn diễn ra tại hội trường xã Tân Mai. Dưới hội trường, những trai làng, gái bản giản dị chân xỏ dép tổ ong chăm chú dõi theo từng chỉ dẫn từ người tập huấn. Phó trưởng Ban Thanh niên Nông thôn T.Ư Đoàn Vũ Minh Thảo cũng có mặt tại buổi tập huấn, tiếp lửa cho các bạn trẻ nơi đây lập nghiệp, làm giàu ngay tại quê hương.

Gia đình anh Đinh Quang Thái (SN 1988, dân tộc Mường, ở xóm Suối Lốn, xã Tân Mai, huyện Mai Châu) thuộc diện khó khăn, anh Thái phải bôn ba làm thuê đủ thứ nghề, từng xuống Hà Nội kiếm kế mưu sinh nhưng đều thất bại. Trở về quê, anh vay vốn đầu tư nuôi cá lồng lòng hồ sông Đà nhưng vì không có kỹ thuật nên gặp không ít rủi ro. Anh nuôi cá lồng được 2 năm nhưng làm theo cảm tính, vụ được vụ mất. “Tham gia lớp học này tôi mới biết các loại thức ăn, cách cho cá ăn thế nào đảm bảo trọng lượng cũng như kỹ thuật chăm sóc để cá khỏi bị bệnh. Tôi còn được các anh ấy tặng cá giống, hy vọng vụ tới năng suất cao hơn”, anh Thái chia sẻ.

Anh Đinh Văn Anh (SN 1983, dân tộc Mường, xóm Suối Lốn, xã Tân Mai) nuôi cá lồng được 4 năm, với quy mô 2 lồng. Do không có kỹ thuật chăm nuôi nên hiệu quả thấp, thu nhập 1 năm mỗi lồng được hơn 8 triệu đồng. Sau khi được đội Trí thức trẻ tình nguyện tỉnh Hòa Bình truyền dạy kỹ thuật nuôi, anh Đinh Văn Anh đã “vỡ” ra nhiều điều, hạn chế được những rủi ro khi nuôi. Anh hy vọng sẽ cải thiện thu nhập từ nghề nuôi cá lồng. 

Đồng hành cùng phát triển

Anh Trần Hùng Cường, công tác tại Chi cục Thủy sản Hòa Bình, thành viên Câu lạc bộ Trí thức khoa học trẻ tình nguyện tỉnh Hòa Bình là người trực tiếp đứng lớp tập huấn. “Nói là tập huấn nhưng với các bạn trẻ nơi đây trình độ còn thấp, chúng tôi tổ chức theo kiểu trao đổi kinh nghiệm gần gũi để các bạn dễ tiếp thu. Tôi cũng là người trực tiếp nuôi cá lồng nên rất hiểu những băn khoăn, khó khăn gặp phải trong công việc này từ kỹ thuật, vốn cho đến tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm”, anh Cường nói. 

Anh Cường cho biết thêm, Tân Mai là một xã đặc biệt khó khăn, nhưng lại có diện tích nuôi trồng thủy sản phù hợp để phát triển  kinh tế. Hiện cá sông Đà có thị trường rất lớn ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, chủ yếu là cá trắm cỏ, trắm đen, lăng và rô phi. Tại tỉnh Hòa Bình hiện có khoảng 4.600 lồng cá, chưa kể của các doanh nghiệp và người dân.

“Ngoài buổi tập huấn này và tặng cá giống, chúng tôi cam kết với các bạn trẻ sẽ đồng hành từ khâu chăm nuôi cho đến tiêu thụ sản phẩm. Các bạn không cần lo đầu ra của sản phẩm. Chúng tôi cũng định hướng đoàn viên, thanh niên, cần phát triển mô hình nuôi cá lồng lòng hồ theo hướng bền vững bằng cách thành lập hợp tác xã, hay tổ thủy sản, chứ nuôi nhỏ lẻ cá nhân rất manh mún”, anh Cường chia sẻ. 

Mô hình nuôi cá trắm dưới lòng hồ thủy điện sông Đà huy động được 650 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa. Đội tình nguyện đã tổ chức được 2 lớp tập huấn chuyển giao kiến thức nuôi cá lồng lòng hồ; hỗ trợ cá giống cho 20 hộ dân chịu ảnh hưởng bởi đợt lũ năm 2017 và 13 hộ thanh niên nuôi trồng thủy sản tại lòng hồ.

MỚI - NÓNG