Lên chức ông ngoại vẫn làm bí thư Đoàn xã

Lên chức ông ngoại vẫn làm bí thư Đoàn xã
TP - Tâm sự của những bí thư Đoàn xã tuổi U35-40 khiến chúng tôi bất ngờ. Bí thư Đoàn xã làm hơn hai nhiệm kỳ (10 năm) không còn là chuyện hiếm.
Lên chức ông ngoại vẫn làm bí thư Đoàn xã ảnh 1

Chị Trần Thị Nga 39 tuổi – Bí thư Đoàn thị trấn Vân Đình (ứng Hòa, Hà Tây) phản ánh nhiều bức xúc trong công tác cán bộ Đoàn tại cơ sở ảnh: Tuấn Minh

Đáng suy nghĩ hơn khi còn có cả những cán bộ Đoàn lên chức ông ngoại vẫn làm bí thư Đoàn xã! Tại Đại hội Đoàn các cấp khởi đầu vào tháng 9 tới, vấn đề này được giải quyết ra sao? Kế hoạch trẻ hóa đội ngũ cán bộ Đoàn  đang đứng trước những thử thách nào?

Tâm sự người trong cuộc

Câu chuyện về anh Nguyễn Văn Hậu-Bí thư Đoàn xã Đại Hùng (ứng Hoà-Hà Tây) lên đến chức “ông ngoại” vẫn làm bí thư Đoàn xã còn nguyên tính thời sự về công tác cán bộ của Đoàn không chỉ tại Hà Tây.

19 năm làm cán bộ Đoàn, trong đó 12 năm làm bí thư Đoàn xã, anh Hậu trở thành một trong những người có thâm niên làm cán bộ Đoàn cơ sở lâu nhất tỉnh Hà Tây.

Ngay cả khi cô con gái lớn của anh lên xe hoa và sinh con đầu lòng đưa anh lên chức ông ngoại, anh vẫn giữ vị trí bí thư Đoàn xã! Và cho đến năm 2004, khi bước sang tuổi 45, anh mới chính thức bàn giao nhiệm vụ bí thư Đoàn xã để nhận công việc mới tại UBMTTQ xã Đại Hùng.

Nụ cười trên môi anh Lê Văn Khoản-Bí thư Đoàn xã Phương Tú (Ứng Hoà, Hà Tây) vụt tắt khi chúng tôi hỏi sang vấn đề bố trí cán bộ Đoàn cấp xã.

Sang tuổi 37, người anh Khoản nhỏ thó, nước da sạm nắng do công việc đồng áng vất vả. Làm cán bộ Đoàn từ năm 1990 với hơn 6 năm làm bí thư Đoàn xã Phương Tú, nhưng anh Khoản vẫn không biết sau khi làm bí thư Đoàn xã sẽ được bố trí việc gì.

Kế hoạch luân chuyển chưa biết bao giờ mới thành hiện thực vì cho mãi đến kỳ đại hội Đảng gần đây nhất, cấp ủy vẫn nhùng nhằng không quyết cho anh đi đâu, về đâu.

“Với Đoàn, mình vẫn hăng hái, nhưng trong lòng thì rất buồn. Nhiều khi mình cũng thấy ngại với Phó Bí thư Đoàn xã vì bạn ấy cũng đã làm Phó đến 6 năm rồi mà vẫn không “lên” được hoặc chuyển đi nơi khác vì một phần là mình vẫn “ngồi” đấy quá lâu. Cứ đà này mình làm Bí thư Đoàn xã một vài năm nữa thì sẽ sinh hoạt đoàn cùng với cô con gái lớn”- Anh Khoản cười.

Chị Trần Thị Nga-Bí thư Đoàn thị trấn Vân Đình (ứng Hoà, Hà Tây) cho biết: Nếu không được bố trí nhiệm vụ mới thì chị cũng vẫn có thể được bầu tiếp tục làm bí thư Đoàn thị trấn ở nhiệm kỳ tới, mặc dù đã bước sang tuổi 39, độ tuổi với phụ nữ nông thôn không còn khỏe và sôi nổi.

Tham gia công tác Đoàn từ năm 1989 và làm bí thư Đoàn thị trấn Vân Đình từ năm 1994 đến nay, dù có tiếng là người duyên dáng, đảm đang nhưng nhiều lúc chị cũng thấy “oải” vì khối lượng công việc ngày càng nhiều, phải đi đêm về hôm tổ chức các hoạt động.

Độ tuổi bình quân của Ban Chấp hành các cấp: Cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) bình quân dưới 28 tuổi; cấp huyện bình quân dưới 30 tuổi; cấp tỉnh bình quân dưới 32 tuổi; cấp Trung ương bình quân dưới 35 tuổi.

Các chức vụ chủ chốt như bí thư, phó bí thư từ Đoàn cơ sở trở lên không quá 2 nhiệm kỳ. Cấp Đoàn cơ sở khuyến khích việc tổ chức đại hội đoàn viên; nếu có trên 150 đoàn viên thì tiến hành đại hội đại biểu.

Ngay vị trí cán bộ Hội Phụ nữ thị trấn mà cấp ủy “ướm” cho chị mới đây cũng còn phải chờ thêm ít nhất 2 năm nữa mới có người về hưu.

Anh Hậu, anh Khoản, chị Nga chỉ là 3 trong tổng số gần hai mươi bí thư Đoàn xã tuổi từ 35 trở lên trong huyện ứng Hoà. Về Hà Tây chúng tôi còn được biết đến Bí thư Đoàn xã Hồng Quang (ứng Hoà) 42 tuổi, Bí thư Đoàn xã Sơn Hà (Phú Xuyên) 40 tuổi, Bí thư Đoàn xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) 43 tuổi.

Tỉnh Đoàn Hà Tây cho biết: Trong 322 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh có 28% Bí thư Đoàn xã tuổi từ 30-35; 22% bí thư Đoàn xã tuổi từ 35 trở lên. Tại nhiều tỉnh, thành khác, nhất là vùng sâu, vùng xa, tình trạng bí thư Đoàn xã tuổi cao, bí “đầu ra” khá phổ biến.

Trẻ hóa cán bộ Đoàn: Cách nào?

Anh Đặng Đăng Khoa-Phó Bí thư Huyện Đoàn ứng Hoà - cho biết: Bản thân tổ chức Đoàn luôn muốn trẻ hóa đội ngũ cán bộ Đoàn. Tuy nhiên, thực tế đang gặp nhiều khó khăn, thẩm quyền quyết định lại phụ thuộc rất lớn vào cấp ủy tại cơ sở từ khâu quy hoạch, cho ý kiến phương án nhân sự, quyết định luân chuyển cán bộ.

Chị Nguyễn Thị Hà-Phó ban Tổ chức TƯ Đoàn - khẳng định: Chịu trách nhiệm chính giải quyết vấn đề này là cấp ủy và Đoàn cấp trên trực tiếp, cụ thể là Đảng bộ xã và Huyện Đoàn. Huyện Đoàn cần chủ động làm việc với các cơ quan chức năng tại cơ sở để kịp thời tháo gỡ vấn đề này.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 BCHTƯ Đoàn khóa VIII về công tác cán bộ Đoàn trong thời kỳ mới đã nêu rõ tiêu chuẩn bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn: “...Tuổi không quá 30 (trừ những trường hợp cụ thể)”.

Bí thư Đoàn xã còn chịu sự điều chỉnh của Nghị định 121/2003/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với công chức xã, phường.

Thực tế, bên cạnh nhiều bí thư Đoàn xã năng nổ, hăng hái với phong trào tại cơ sở thì cũng còn một bộ phận cán bộ Đoàn xã nặng sức ì, lười học tập; làm việc công thì ít mà dồn thời gian cho kinh tế riêng thì nhiều.

Cá biệt còn có tâm lý không muốn nhường “ghế” vì muốn giữ “suất công chức”. Phó ban Tổ chức TƯ Đoàn Nguyễn Thị Hà khẳng định: Việc giải quyết chính sách cho bí thư Đoàn xã phải vừa căn cứ vào các quy định của Nhà nước, của Đoàn vừa phải phản ánh đúng quá trình cống hiến của bí thư Đoàn xã, cần hết sức tránh việc gây thiệt thòi cho cán bộ Đoàn cơ sở.

Trong trường hợp cụ thể, nếu tuổi tuy hơi cao nhưng vẫn được tín nhiệm của ĐVTN, được cấp ủy ủng hộ thì vẫn có thể giữ vị trí bí thư Đoàn xã. Quyền quyết định cao nhất cho vị trí này phụ thuộc vào tín nhiệm của ĐVTN đối với người được bầu làm bí thư Đoàn xã tại Đại hội.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.