Lên đỉnh Pù Giàng, làm đường cho dân

Lên công trường “bốn nhất” xứ Thanh

Lên công trường “bốn nhất” xứ Thanh
Kỷ lục 4 nhất đó thuộc về những Đoàn viên tình nguyện xứ Thanh, lập tại công trường làm 108 km đường của 4 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa

Vượt qua hơn 100 km với đủ các loại đường, sau gần 5 tiếng đồng hồ chúng tôi mới lên được UBND huyện miền núi khó khăn bậc nhất của Thanh Hóa: huyện Lang Chánh.

“Từ đây lên công trường chỉ còn 8 cây nữa thôi” - Cô Bí thư Huyện đoàn trẻ trung, Hoàng Thị Hồng trấn an. Chiếc xe phải ì ạch bò, không dưới chục lần anh em chúng tôi phải hò nhau hai - ba để lấy đà đẩy nó vượt qua các vũng lầy, một vài con suối đang mùa nước lũ để tới được đầu tuyến…

Theo kế hoạch làm đường giao thông liên bản tại các xã đặc biệt khó khăn của Tỉnh Đoàn Thanh Hóa (được UBND tỉnh phê duyệt), năm 2003, TNTN Thanh Hóa làm được 93km, năm 2004 - 114 km đường tại các xã diện 135 và biên giới trong những điều kiện cực kỳ khó khăn.

Tuổi trẻ Thanh Hóa quyết tâm hoàn thành xuất sắc công trường tình nguyện. Tấm băng rôn nền đỏ, chữ trắng trưng trên ngọn núi giáp ranh giữa bản Mè và bản Giàng - xã Yên Khương đang phấp phới bay.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thế là cũng đến rồi. “Từ đây lên công trường còn khoảng 3 cây nữa” - Ai đó vừa thở hổn hển vừa thông báo.

Đúng là bây giờ mới thấy hết ý nghĩa của mấy chữ gọn nhẹ, giầy ba-ta, gậy Trường Sơn mà anh Đỗ Minh Tuấn, Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa nhắc nhở lúc lên đường.

Quãng đường chỉ chừng 3 cây số nhưng nhiều đoạn dốc đứng, chạy xuyên qua đỉnh đồi, vòng vèo qua thác nước, chúng tôi phải đi mất hơn 1 tiếng.

Lên công trường “bốn nhất” xứ Thanh ảnh 1
Bí thư Tỉnh Đoàn Đỗ Minh Tuấn gắn huy hiệu Đoàn cho đoàn viên vừa được kết nạp ngay tại công trường

Lần này thì đến thật. Biết trước có đoàn công tác của Tỉnh Đoàn lên, gần 700 bạn trẻ đã đứng đợi sẵn ở lán tạm của công trường. Không khí như nóng lên hừng hực với cờ hiệu, băng rôn, với cuốc, xẻng, xà beng, với màu áo xanh.

Sau sự biểu dương sức trẻ với đại công trường tình nguyện là lễ kết nạp đoàn viên cho 20 thanh niên ngay tại công trường; 20 bạn khác được nhận thẻ đoàn viên.

Cô bé dân tộc Thái Lò Thị Lựu (bản Pốc - xã Yên Thắng), năm nay vừa tròn 16 tuổi, là một trong những tình nguyện viên trẻ nhất của công trường, sau khi được Bí thư Tỉnh Đoàn Đỗ Minh Tuấn gắn huy hiệu Đoàn, bỗng dưng bật khóc.

Mấy bạn gái bên cạnh cũng rưng rưng. Chàng trai đứng hàng đầu, có khuôn mặt hiền hậu, Lò Văn Cảnh (sinh năm 1990) cũng không kìm được nước mắt…

Buổi lễ diễn ra nhanh gọn, xúc động. Sau đó, tất cả lại tỏa về các tuyến đường của công trường được xem là khó nhất này. Đoạn đường dài 5 km, nối liền hai xã Yên Khương và Lâm Phú chạy theo sườn gần 10 ngọn núi.

Đỉnh cao nhất của tuyến là Pù Giàng, cao ngang núi Chí Linh vua Lê dấy nghĩa, tức là khoảng gần 1.000 m so với mực nước biển. Pù Giàng, theo tiếng Thái, nghĩa là đỉnh cao trọc trời.

Gần 700 TNTN của Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn, 3 Xã Đoàn (Yên Khương, Yên Thắng và Lâm Phú), bộ đội biên phòng, công an… chia thành 2 đội, “đánh” từ hai đầu “chiến tuyến” và hẹn gặp nhau giữa đỉnh Pù Giàng.

Chỉ trong 5 ngày, hàng chục ngàn m3 đất, đá đã được TNTN đào xới, san phẳng; con đường độc đạo, chiến lược giáp biên giới Việt - Lào, trị giá hàng trăm triệu đồng cơ bản đã hoàn thành.

Khi thông tuyến, bà con dân tộc Thái hai xã đặc biệt khó khăn diện 135 Yên Khương và Lâm Phú không còn phải đi vòng 40 km đường mòn để gặp nhau, giao lưu, mua bán, trao đổi các sản vật cho nhau như trước đây nữa mà chỉ cần theo con đường tình nguyện này (dài 5 km, rộng từ 2,5 đến 4 m), mất vài tiếng đồng hồ… Anh Lò Văn Từm - Trưởng bản Giàng, mồ hôi nhễ nhại, thì thầm vào tai tôi: “Bản mình sướng nhất rồi”…   

Công trường “bốn nhất”

Đó chỉ là một trong hai mươi sáu tuyến đường, với tổng chiều dài 108 km mà tuổi trẻ xứ Thanh quyết tâm hoàn thành trong dịp hè 2005.

Đây được xem là công trường lớn nhất của tuổi trẻ xứ Thanh từ trước đến nay, thậm chí so với các công trường về đường giao thông nông thôn toàn quốc của TNTN, công trường này còn có “bốn nhất”.

Khó nhất. Điều này dễ dàng nhận thấy. 108 km đường được triển khai tại 4 huyện Quan Hóa, Bá Thước, Như Xuân, Lang Chánh.

Hầu hết các tuyến đường đều nằm ở độ cao từ 500m so với mực nước biển trở lên; hay nói cách khác, các tuyến đường đều vắt qua các sườn đồi, sườn núi hiểm trở. Theo một tính toán, trung bình để lấy được 1 m3 đá tại các công trình này, chi phí cao gấp 3 lần ở khu vực đồng bằng!

Giá trị nhất. Nếu tính cả 3 năm (2003, 2004 và 2005), 305 km đường giao thông nông thôn mà TNTN xứ Thanh thực hiện trị giá lên tới 40 tỷ đồng. Trong đó, phần kinh phí từ ngân sách Nhà nước chiếm chưa đến 4 tỷ (trong số này có gần 1 tỷ đồng dùng để nổ mìn lấy đá)!

Theo ước tính, khoảng 1 triệu đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp được hưởng lợi từ công trình này; kinh tế - xã hội 11 huyện miền núi xứ Thanh và vùng biên giới Việt - Lào đã và đang được cải thiện đáng kể.

Huy động sức trẻ lớn nhất. Có thể nói, với dự án này, các cấp bộ Đoàn xứ Thanh đã trả lời được câu hỏi làm nhiều cấp, ngành trăn trở: Làm sao để tập hợp thanh niên trong một tổ chức đoàn kết, thống nhất, vì cuộc sống cộng đồng?

Năm 2003, lần đầu tiên dự án làm đường giao thông liên bản các xã đặc biệt khó khăn và biên giới Việt - Lào được phê duyệt.

Mặc dù công tác chuẩn bị chưa được chu đáo (do thời gian gấp gáp và thiếu kinh nghiệm) nhưng tổ chức Đoàn các cấp trong tỉnh đã vận động được gần 2.000 lượt ĐVTN tham gia với tinh thần tình nguyện ăn cơm nhà, vác tù và…

Năm 2004, trên 5.000 lượt ĐVTN đã tham gia trực tiếp thực hiện các công việc tại công trường với khoảng 100.000 ngày công. Năm nay, theo dự tính, có khoảng 6.000 lượt ĐVTN tham gia, đóng góp trên 120.000 ngày công; làm lợi trên 13 tỷ đồng.

Tiến độ nhanh nhất. Với tổng chiều dài 108 km, tuổi trẻ xứ Thanh quyết tâm hoàn thành trước mùa mưa lũ. Hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người dân tộc Thái và Mường) sẽ đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống; tiến tới xóa đói, giảm nghèo…

Mệt nhưng niềm vui cứ rạng ngời trên khuôn mặt đã sạm đi vì nắng gió của các chàng trai, cô gái dân tộc Thái, Mường mặc áo xanh tình nguyện, trên công trường “bốn nhất” của tuổi trẻ xứ Thanh. Có ai đó rỉ vào tai tôi: “ết tang hớ hâu” (làm đường cho mình mà!); “Mai nhưng rất phui, ún ạ” (mệt nhưng mà vui, anh à!)…  

MỚI - NÓNG