Lên xe hoa ở tuổi sinh viên

Lên xe hoa ở tuổi sinh viên
Mùa cưới, giảng đường đại học (ĐH) thi thoảng vẫn “rục rịch” những tin sốt dẻo về đôi này, cặp nọ vu quy. Không ít cô dâu ngày ở giảng đường, chiều tối về lo toan vai trò "nội tướng".

P. Thanh, một cô dâu đang học khoa du lịch - ĐH Văn Hiến, khẳng định: “Pháp luật đâu cấm tôi lấy chồng, và tôi cảm thấy đủ điều kiện về cả điều kiện lẫn tinh thần thì việc lấy chồng đâu có gì phải phàn nàn?”

Chồng Thanh là trợ lý giám đốc một công ty quảng cáo, có thể bao bọc cô dâu bé nhỏ từ A đến Z cho nàng học xong ĐH, và còn động viên nàng học thêm trường thứ hai nữa. 

Thanh thường tự hào với mọi người: “Cứ nhìn ông xã tớ mà thấy tự hào, thời bây giờ ít ông nào vì sự nghiệp của vợ tới mức đó”.

H. Miên, sinh viên khoa Văn, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, có người yêu là bộ đội, cơ quan chia nhà chia đất cho những cặp vợ chồng chưa có nhà.

Vài năm mới chia một lần, không ai dám chắc khi cô ra trường có còn tiếp tục mối tình hay không, đành vội đăng ký kết hôn để cơ hội có luôn cái nhà. H. Miên vẫn ở Ký túc xá như thường, để tiện việc đi lại vì nhà quá xa. 

Bạn bè có người biết cô “ván đã đóng thuyền”, có người không. Thời gian cuối tuần không còn trống để cô giáo văn tương lai đọc sách, mà về nhà cách đó vài chục cây, nơi người chồng đang nóng lòng chờ.

T. Trinh, cô hoa khôi khoa Nga - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn bỏ ngang giảng đường để cùng xây mộng với một ông thầy giảng dạy trong khoa, tuổi gần gấp đôi cô.

Bỏ con đường đang đi để theo con đường khác, ngắn hơn và giàu hơn: Học quản lý khách sạn để trong thời gian nhanh nhất làm bà chủ giúp chồng quán xuyến công việc kinh doanh, Trinh được chồng cưng như trứng mỏng. Nhưng cuộc hôn nhân ấy, theo như bè bạn Trinh nói thì: “Nó có tình yêu thật sự với thầy hay không thì… chỉ có trời mới biết” (?!)

Không như các cặp đã có một người ổn định, có khả năng bao bọc cho người kia như trên, “sinh viên vợ” T.Thảo có “sinh viên chồng” là K. Nam. Cùng học lớp luật kinh tế, năm thứ ba, hai người kịch liệt phản đối lối “sống thử” vô trách nhiệm của một số sinh viên hiện nay. 

Sau thời gian yêu nhau tới mức không thể không xa rời, vợ chồng sinh viên kéo nguyên một đám bạn, về quê đám cưới. Chỉ là mấy mâm cơm mặn mà tình nghĩa, coi như công bố làng xóm, anh em, bạn bè. Sau đám cưới lại trở lên thành phố tiếp tục học hành. 

Thảo cho biết: “Như thế vừa duy trì tốt tình yêu, vừa đỡ chi phí sinh hoạt ở nơi đắt đỏ này. Bọn tớ vẫn quyết tâm… đi đến nơi, về đến chốn, sau này ra trường xin việc ổn định, mới sinh em bé”.

Hiện, vợ chồng sinh viên này vẫn vừa đi học, vừa đi làm thêm tích cực cùng xây dựng tổ ấm nhà trọ của mình.

Vợ chồng sinh viên T.T. Thanh và H. Phương - Học viện Hàng không lại khác: Vì lỡ “dính” khi sống thử, phải về quê cưới. Bữa tuyên bố đám cưới với bạn bè là bữa nhậu ở một quán… thịt chó bình dân mà bạn bè hay ghé! Phương vẫn lên giảng đường đều đặn, còn Thanh, tới tháng thứ năm phải xin bảo lưu một năm để dưỡng sinh em bé.

Lời ru thêm buồn

Chuyên viên tâm lý Trần Tuấn (trung tâm tư vấn tâm lý giáo dục tình yêu – hôn nhân – gia đình 148 Điện Biên Phủ, TP. HCM): Nhiều bất cập khi “nội tướng” là sinh viên

Các bạn trẻ nói chung đều gặp ít nhiều bất cập khi lập gia đình, đơn giản vì trước đó bạn độc thân, ngay sau đó là thành viên trong 1 gia đình.

Khi bạn còn là sinh viên, bất cập sẽ càng nhiều, bởi vẫn còn đi học, bạn rất khó để có thể tự lo toan cho mình chứ chưa nói gì tới chuyện lo toan thêm những việc của một “nội tướng”.

Làm sao để có thể yên tâm học hành, nhất là vượt qua các kỳ thi với kết quả tốt mà vẫn êm ấm gia đình; Làm sao có thể hoà đồng với bè bạn (sinh viên thường có nhiều chương trình sinh hoạt tập thể) mà cá nhân mình vẫn lo toan thu vén nhà cửa.

Hay thực tế hơn, khi đã lập gia đình, về nhà chồng “gánh nặng” học hành với các khoản chi tiêu của các nữ sinh viên sẽ chuyển qua vai chồng, sẽ khác nhiều sự gánh vác của bố mẹ…

Khi bạn không độc lập về kinh tế, bạn sẽ khó làm chủ được thời gian, hoạt động cuộc sống chính mình.

Để vượt qua những khó khăn ấy, không cách nào khác ngoài sự cảm thông, nhường nhịn và nỗ lực từ cả hai phía. Và dù cuộc sống sinh viên có lãng mạn, vui vẻ cách nào, bạn cũng không nên lãng mạn hoá cuộc sống gia đình vốn nhiều lo toan, vất vả.

Đó là hai cuộc sống khác xa nhau mà bạn phải trang đủ kiến thức hôn  nhân gia đình đủ dầy trước khi quyết định hôn nhân.

Đời sống sinh viên và những sinh hoạt gia đình thường không dễ dung hoà như những người mới bước chân vào cuộc nhầm tưởng. P. Thanh không biết có phải vì yêu và hãnh diện quá về ông xã như cô nói không mà bất cứ câu chuyện nào với bạn bè, “ông xã tao” cũng được tham gia vào câu chuyện.

Dù câu chuyện ấy có diễn ra ở giảng đường, hay ghế đá sân trường cũng đều… thoải mái như chuyện ở nhà. Kể cả những chuyện tế nhị, kín đáo, bạn bè nghe phát ngượng, góp ý, cô cười xuề xoà: “Chuyện thường ngày ấy mà, trước sau gì cũng biết!”.

H. Miên ở ký túc xá, tuần nào về nhà hơi trễ một chút, anh chồng cũng tỏ ý không vui dù không nói ra. Miên thanh minh thế nào cũng rất khó để củng cố niềm tin. Thỉnh thoảng, anh chồng lại đảo qua ký túc, một phần thăm vợ, phần nữa để kiểm tra. Anh sợ trong môi trường sinh viên có những mối quan hệ đe doạ hạnh phúc gia đình.

Miên tâm sự: “Những lúc phòng giao lưu, với những bạn trai khác tôi không thể thoải mái được, dù không hề có ý định trêu ghẹo sai trái gì. Nhìn mọi người vô tư vui vẻ cũng muốn hoà mình vào nhưng rất khó, dù cả phòng sàn sàn tuổi nhau”.

Cặp vợ chồng sinh viên Thảo và Nam, dù cuộc hôn nhân hoàn toàn có chuẩn bị tinh thần “chấp nhận khổ cực để được sống bên nhau”, nhưng những mối lo cơm áo gạo tiền không ít lần làm lung lay hạnh phúc. 

Không đơn giản như suy nghĩ, hai người về chung nhà sẽ đỡ phí sinh hoạt của cuộc sống trọ học, nhu cầu cuộc sống tăng lên khiến họ luôn trong phen chật vật.

Đã thế, anh chồng chưa qua tuổi tự do, lại chưa có con nên trách nhiệm về gia đình rất mờ nhạt. Không ít lúc Nam quen thói ham vui nhậu nhẹt với bạn bè, Thảo ngồi ở nhà bó gối chờ cơm hoặc nằm dài đọc mấy tờ báo giải trí một cách mệt mỏi. 

Thảo chia sẻ: “Vì cuộc sống bây giờ chưa cho phép xây dựng một cuộc sống gia đình toàn vẹn. Thôi cũng đành quen thế, nghĩ chấp nhận cho bớt nặng nề. Mai mốt ra trường, có công việc ổn định, có thêm một đứa con, mọi chuyện sẽ khác”. Một gia đình trọn ven vẫn nằm trong… mơ ước của Thảo.

Vợ chồng sinh viên T.T.Thanh và H.Phương rắc rối hơn rất nhiều khi họ còn phải lo cho một cậu nhóc hai tháng. "Sinh viên chồng" lên chức sinh viên... bố, suốt ngày vắt chân lên cổ để vừa lo học lo thi tốt nghiệp, vừa lo kiếm thêm tiền. 

Trong khi đó, tập cho mình thói quen chịu khó làm việc và chịu khó tiết kiệm đến mức tối đa để mua sữa bột cho em bé, "sinh viên mẹ" bận bịu với tã lót, bình sữa.

Sách vở đóng thùng nhét xuống gậm giường phải bọc nilon lại vì sợ… em bé tè dầm lên. Thỉnh thoảng hục hặc nhau lại cãi vã, chỉ khi đứa bé giật mình khóc ré lên, hai vợ chồng sinh viên mới im lặng và… hoà hoãn bất đắc dĩ. Đôi lúc, sực nhớ tới lũ bạn gái cùng lớp sắp ra trường, Thanh lại nuối tiếc…

Nếu theo luật pháp quy định con gái mười tám, con trai hai mươi tuổi có quyền lập gia đình thì đúng là những cô dâu – sinh viên này làm… đúng luật. 

Không thể gọi là lấy chồng sớm, khi đa số họ đều vượt qua ngưỡng cửa tuổi hai mươi. Nhưng nếu xét tới góc độ sự nghiệp đang dang dở, chưa tốt nghiệp ĐH đã phải thu vén làm “nội tướng” trong gia đình thì quả sớm vì sự vội vã chưa chín. Trái chín ép, liệu có thể ngọt ngào?

Theo Thu Hương
VietNamNet

MỚI - NÓNG