Phần I: 20 năm thắp lửa

Lịch sử Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam

Chủ tịch Danh dự Quỹ qua các thời kỳ (từ trái qua): 1. Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ 1993-1996; 2. Thủ tướng Phan Văn Khải từ 1997-2006; 3. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ 2007 đến nay.
Chủ tịch Danh dự Quỹ qua các thời kỳ (từ trái qua): 1. Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ 1993-1996; 2. Thủ tướng Phan Văn Khải từ 1997-2006; 3. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ 2007 đến nay.
TP - Để ghi nhận và vinh danh những cống hiến to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam, đồng thời động viên thúc đẩy hơn nữa phong trào hành động cách mạng và cống hiến của tuổi trẻ, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam chính thức ra đời vào năm 1993. Quỹ do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch danh dự, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm Chủ tịch Hội đồng điều hành.  

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, tuổi trẻ nước ta từ thế hệ này đến thế hệ khác luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong thời đại ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu, sự tổ chức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thanh niên Việt Nam đã đứng lên cùng với toàn thể dân tộc làm nên một giai đoạn lịch sử hào hùng với cuộc cách mạng Tháng Tám lịch sử, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, lần lượt đánh bại đế quốc Pháp và Mỹ, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trên đất nước ta. 

Khi Tổ quốc gọi tên mình, thế hệ trẻ Việt Nam là lực lượng đi đầu xung phong ra trận với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhiều phong trào đã trở thành những ngọn đuốc soi đường cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam xung kích, tình nguyện, xả thân cống hiến vì đất nước, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tinh thần xung kích, tình nguyện ấy tiếp tục được trao truyền, tiếp nối trong công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước và đổi mới, hội nhập.

Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, vai trò xung kích, tinh thần tình nguyện, sáng tạo của thanh niên tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Trong quá trình đó, phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ dưới sự dẫn dắt và lãnh đạo của Đoàn đã trở thành một đặc trưng, là phương thức hữu hiệu để Đoàn thực hiện chức năng “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, thu hút thanh niên rèn luyện, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Lịch sử Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam ảnh 1 Buổi làm việc của Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Danh dự Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam với Hội đồng Điều hành.

Để ghi nhận và vinh danh những cống hiến to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam, đồng thời động viên thúc đẩy hơn nữa phong trào hành động cách mạng và cống hiến của tuổi trẻ, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam chính thức ra đời vào năm 1993. Quỹ do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch danh dự, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm Chủ tịch Hội đồng điều hành.  

Trước năm 1993, T.Ư Đoàn có gần 10 quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên trên các mặt học tập, văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao, trực thuộc Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên VN, Hội đồng Đội T.Ư, Báo Nhi Đồng, Báo TNTP, Báo Tiền Phong, Báo Thanh Niên... Nhằm thống nhất các quỹ đó trong một quy mô lớn hơn, theo đề xuất của Nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh-Tổng biên tập Báo Nhi Đồng và Nhà báo Vũ Quang Vinh-Phó tổng biên tập Báo Nhi Đồng lúc đó-Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã đồng ý hợp nhất các quỹ thành Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam. Năm 1992, trong dịp Thủ tướng Võ Văn Kiệt tới thăm Báo Nhi Đồng (tại trụ sở 12 Hồ Xuân Hương-Hà Nội), Ban Biên tập Báo Nhi Đồng đã trình bày nguyện vọng mời Thủ tướng làm Chủ tịch Danh dự Quỹ và được chấp thuận. Vì vậy, ngày 25/4/1993, thay mặt Ban chấp hành T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đồng chí Hồ Đức Việt (lúc đó là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn) ký ban hành Quyết định về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam trực thuộc T.Ư Đoàn. Hội đồng điều hành là cơ quan trực tiếp điều phối thống nhất mọi hoạt động của Quỹ có các nhiệm chủ yếu như: Huy động mọi tiềm năng tài lực, vật lực của tất cả các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các tài năng trẻ; Phát hiện, cổ vũ và tổ chức việc hỗ trợ về tinh thần, vật chất thích hợp với các đối tượng thanh, thiếu niên và nhi đồng, nhằm khuyến khích tài năng trẻ, đặc biệt là tài năng trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua hoạt động thực tiễn, kiến nghị với Nhà nước những chính sách bồi dưỡng, đào tạo nhân tài của đất nước từ lứa tuổi thiếu niên.

Lịch sử Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam ảnh 2 Chủ tịch Hội đồng điều hành Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam qua các thời kỳ: 1. Từ 1993-1996: Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Hồ Đức Việt.

Lịch sử Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam ảnh 3 2. Từ 1996-2002: Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Vũ Trọng Kim.

Lịch sử Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam ảnh 4 3. Từ 2002-2007: Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Hoàng Bình Quân.

Lịch sử Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam ảnh 5 4. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đào Ngọc Dung.

Lịch sử Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam ảnh 6 5. Từ 2007-2011: Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng.

Lịch sử Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam ảnh 7 6. Từ 2011 đến nay: Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh

Cũng theo quyết định thành lập của Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại ngân hàng, được sử dụng con dấu riêng để giao dịch công tác. Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội, khi cần thiết có thể mở các chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Mọi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam phải tuân thủ và thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Quỹ.

Ban Bí thư T.Ư Đoàn giao Báo Nhi Đồng là cơ quan thường trực Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh là Giám đốc và Nhà báo Vũ Quang Vinh là Phó giám đốc Quỹ. Từ đó đến năm 2014, hầu hết mọi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam đều do cơ quan thường trực Quỹ là Báo Nhi Đồng tổ chức thực hiện. Trụ sở chính của Quỹ đặt tại 12 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Lễ ra mắt Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam được tổ chức ngày 30/4/1993 tại hội trường 15B Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Thủ tướng Võ Văn Kiệt tới dự và phát biểu chào mừng. 

Trong giai đoạn đầu khi mới thành lập (từ năm 1993-1996), Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam do Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch danh dự. Ngay từ giai đoạn đầu mới ra đời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đặt nhiều kỳ vọng vào hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam.  

“Tương lai của một nước Việt Nam giàu mạnh, no ấm và hạnh phúc phụ thuộc rất nhiều vào sự trưởng thành của những mầm non tài năng. Chúng ta cần chăm chút kỹ càng cho các mầm non đó phát triển, đơm hoa, kết trái. Với suy nghĩ đó, tôi mong muốn và tin tưởng rằng Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ và tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân dưới các hình thức khác nhau, kể cả nhận đỡ đầu một số em chăm ngoan, học giỏi nhưng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Các em, gia đình các em và cả xã hội sẽ luôn ghi nhớ công lao và biết ơn sự giúp đỡ”. 

Trích thư Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Hội đồng Điều hành, các nhà tài trợ Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam, tháng 11/1996

Tháng 11/1996, trong lá thư gửi Hội đồng Điều hành, các nhà tài trợ Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu: “Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học. Nhiều tài năng trẻ Việt Nam đã giành được thành tích cao tại các cuộc thi tài khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, cũng còn không ít các em, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, thiếu điều kiện học hành, trau dồi và phát triển tài năng”.

Theo Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tại thời điểm đó, sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ các tài năng trẻ ở nước ta đã được khơi lên rộng rãi trong xã hội và có hiệu quả thiết thực. “Với sự cố gắng của mình, Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam đã tích cực giúp được nhiều em vượt qua khó khăn có điều kiện học tập, lao động và phát huy tài năng. Qua 4 năm hoạt động, Quỹ đã xây dựng được mạng lưới ở hầu hết các địa phương trong cả nước, đã cấp học bổng và trao phần thưởng cho nhiều tài năng trẻ. Tôi biểu dương những việc làm tốt đẹp của Quỹ và tinh thần làm việc vì sự nghiệp trồng người đáng quý của Hội đồng Điều hành Quỹ”, Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết. 

Đóng góp của Quỹ vào sự nghiệp phát triển tài năng trẻ chỉ được phát huy khi có sự ủng hộ về tinh thần và vật chất của đông đảo quần chúng nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp. Ngay từ khi thành lập, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá cao và bày tỏ lòng biết ơn tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã dành cho Quỹ những khoản tài trợ quý báu.

40 tỷ đồng và 5.000 người trẻ

Trong hơn 20 năm qua, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp nhiều nguồn lực, kịp thời trao tặng, hỗ trợ học sinh, sinh viên tài năng, có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi. Từ 1993 đến nay, Quỹ trao tặng gần 4.000 suất học bổng, quà tặng trị giá 20 tỷ đồng. Từ năm 2012 - 2014, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam và Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) hợp tác triển khai Chương trình Học bổng “PVEP – Người đi tìm lửa”, nhằm lựa chọn và trao học bổng cho sinh viên đại học khối kỹ thuật (các trường tạo nguồn lao động đầu vào cho PVEP). 

Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi (PVEP đảm bảo kinh phí trao tặng, Quỹ lựa chọn, tổ chức trao). Theo đó, 3 năm qua, chương trình này đã trao học bổng cho 393 sinh viên (kinh phí tổ chức và trao học bổng khoảng 3 tỷ đồng). Chương trình Đồng hành, hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam và Công ty CP Devyt (doanh nghiệp trực thuộc T.Ư Đoàn) cùng phối hợp tổ chức thực hiện, nhằm đẩy mạnh hoạt động và tăng cường nguồn thu cho Quỹ, tạo nhiều cơ hội để thế hệ trẻ Việt Nam phát huy tài năng. Kinh phí huy động từ 2014 đến nay của chương trình Đồng hành, hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam 500 triệu đồng.

Lịch sử Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam ảnh 8 Giám đốc điều hành Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam qua các thời kỳ: 1. Từ 1993-1997: Nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh, Tổng biên tập Báo Nhi Đồng.
Lịch sử Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam ảnh 9 2. Từ 1997-2009: Nhà báo Vũ Quang Vinh, Tổng biên tập Báo Nhi Đồng.
Lịch sử Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam ảnh 10 3. Từ 2009-2014: Tiến sỹ Trần Quang Đạo, Tổng biên tập Báo Nhi Đồng.
Lịch sử Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam ảnh 11 4. Từ 2014 đến nay: Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong.
Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ cũng tham gia vận động tài trợ, tổ chức thành công Giải Bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc; Giải bóng đá sinh viên toàn quốc. Bên cạnh đó, còn có  các hoạt động hỗ trợ kinh phí, quà tặng như: Tuyên dương và trao thưởng cho học sinh giỏi đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế hằng năm; Xây tượng đài anh Kim Đồng ở Cao Bằng; Tổ chức Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc; Trao thưởng cho học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế và khu vực; Tham gia cùng Báo Thể thao Việt Nam bình chọn và trao thưởng Vận động viên tiêu biểu toàn quốc; Tổ chức Giải Pencatsilat toàn quốc; Tổ chức Cuộc thi Tiếng hát Sinh viên toàn quốc; Cuộc thi Tin học trẻ không chuyên toàn quốc; Giải Võ thuật cổ truyền toàn quốc; Giải thưởng Mãi mãi tuổi 20. Kinh phí tổ chức, trao tặng cho các hoạt động này khoảng 15 tỷ đồng.

Hơn 20 năm qua, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân. Quỹ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động phát hiện, tôn vinh, trao thưởng, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho hàng ngàn thanh thiếu niên có năng khiếu, có tài năng, tiếp sức cho các em có thêm điều kiện học hành. Nhiều em trong số này đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học tốt, phát huy được năng khiếu, tài năng của mình, góp sức mình vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Hai mươi năm qua, tổng số nguồn lực vận động, tổ chức và trao tặng giải thưởng, học bổng, quà lên khoảng hơn 40 tỷ đồng, với 5.000 học sinh, sinh viên, tài năng trẻ được thụ hưởng.

Ngoài những hoạt động kể trên, Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu được trao hằng năm, là hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ được xã hội đánh giá cao.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.