Liên kết để thành công

 Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư T.Ư Đoàn (áo trắng) trao giải thưởng Lương Định Của 2014 đợt I cho 90 nhà nông trẻ. Ảnh: Bảo Lâm
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư T.Ư Đoàn (áo trắng) trao giải thưởng Lương Định Của 2014 đợt I cho 90 nhà nông trẻ. Ảnh: Bảo Lâm
TP - Sáng 26/9, 150 thanh niên nông thôn tiêu biểu nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2014 đã có cuộc trao đổi thú vị với GS Nguyễn Lân Hùng xung quanh chủ đề “Đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp”.

Cũng tại diễn đàn này, T.Ư Đoàn đã trao giải thưởng Lương Định Của đợt 1 cho 90 nhà nông trẻ.

Chia sẻ tâm tư, các đại biểu cho biết vấn đề khó nhất đối với thanh niên nông thôn khởi nghiệp đó là vốn và khoa học kỹ thuật. Trong đó khó nhất vẫn là nguồn vốn vay, còn khoa học kỹ thuật có thể khắc phục qua việc học hỏi qua sách, báo, ti vi. Anh Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Thanh niên Nông thôn T.Ư Đoàn cho biết, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm sẽ ưu tiên cho những nhà nông trẻ đạt giải thưởng Lương Định Của vay vốn để phát triển mô hình.

Một vấn đề được các đại biểu bàn luận sôi nổi là làm thế nào để tạo ra sản phẩm nông nghiệp giá thành thấp nhưng chất lượng có sức cạnh tranh trên thị trường. Hầu Đức Hiếu, sinh năm 1986 ở Sơn Dương (Tuyên Quang) chủ trang trại chăn nuôi với doanh thu bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/năm đặt vấn đề về việc phát triển chăn nuôi theo hướng nào để có sức cạnh tranh trên thị trường?

Giải đáp vấn đề này, GS Nguyễn Lân Hùng dẫn chứng một loạt những mô hình chăn nuôi điển hình như mô hình nuôi gà lai, gà 9 cựa có giá 3 triệu đồng/con, mô hình nuôi vịt trời của anh Tô Quang Dần ở Bắc Giang. GS Hùng lý giải: “Việc chọn giống nuôi là yếu tố then chốt quyết định thành công. Bạn cần nghiên cứu chọn giống nuôi mà thị trường đang cần chứ không phải nuôi những thứ mình đang có”.

Anh Nguyễn Hữu Dũng, sinh năm 1987, chủ doanh nghiệp sản xuất củi trấu, củi rơm rạ ở Lương Tài (Bắc Ninh) cho rằng, những nhà nông trẻ muốn thành công và vươn ra thị trường quốc tế cần phải thay đổi tư duy làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với nhau. “Hiện tại, hầu hết chúng ta đang sản xuất theo kiểu manh mún, mạnh ai nấy làm, thậm chí còn ngại chia sẻ thông tin, sợ người khác hơn mình.

Đó là lối tư duy lạc hậu, nếu làm cá nhân nhỏ lẻ chúng ta sẽ không đủ sức mạnh để cạnh tranh. Chúng ta cần đoàn kết, liên kết với nhau, hỗ trợ nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp “chiến đấu” với các thị trường khác”, anh Dũng nói.

Tán thành ý kiến của anh Dũng, GS Nguyễn Lân Hùng định hướng các nhà nông trẻ hãy là những nhân tố tích cực đổi mới tư duy sản xuất và nhân rộng ra cộng đồng.

MỚI - NÓNG