Lính trẻ “ba lẻ một” dưới chân núi Tản

Lính trẻ “ba lẻ một” dưới chân núi Tản
TP - Nắng nóng hầm hập. Mồ hôi thấm đẫm những bờ vai áo lính. Không ngơi tay giải lao, những người lính ở Sư đoàn 301 hối hả tay cuốc tay xẻng, quyết đào xong con mương cuối cùng cho bản người Mường ở xã Vân Hòa.
Lính trẻ “ba lẻ một” dưới chân núi Tản ảnh 1
Lính “ba lẻ một” đằm dưới nắng lửa, làm đường giúp dân xã Vân Hòa

Vân Hòa là địa bàn vùng sâu xa nhất của huyện Ba Vì (Hà Tây). Các chiến sĩ 301 đến đây  trong đợt công tác dân vận 2006.

Mấy chị trong bản bưng những bát chè xanh tiếp sức cho từng chiến sĩ.

Các anh đã về đây gần nửa tháng, đúng vào những ngày nắng hè oi nhất, nhưng đã góp hàng ngàn công lao động, đào vét 2.500 mét mương thoát nước, sửa hơn 3.000 mét đường liên thôn, sửa sang toàn bộ trạm xá, trường học, nghĩa trang liệt sỹ, quyên góp hỗ trợ các gia đình chính sách hàng chục triệu đồng…

Tối đến, bản làng bỗng nhộn nhịp tiếng cười, đây đó vang xa câu hát nam nữ giao lưu với bộ đội. Những buổi chiếu phim, nói chuyện lịch sử, kể chuyện pháp luật, giao lưu bóng đá, bóng chuyền… như đang làm sống dậy vùng sơn cước dưới chân núi Tản Viên.

Chỉ cách Hà Nội vài chục cây số, nhưng xã Vân Hòa vẫn có tới hơn 300 hộ nghèo. Đi giúp dân thoát nghèo – thử thách mà ngay cả những người chỉ huy “ba lẻ một” cũng không thể nhớ hết những lần về với bản làng vùng sâu xa của tỉnh Hà Tây. Lần này hành quân về xã Vân Hòa, nơi có tới hơn 80% là người Mường sinh sống, là địa bàn khó khăn nhất của Hà Tây, lính “ba lẻ một” đã dành cho dân bản nhiều tình cảm đặc biệt.

Chỉ trong buổi sáng 4/7, đã có tới 110 cụ già được chính các y, bác sỹ của“ba lẻ một” khám, cấp thuốc miễn phí. Biết tin bộ đội sẽ khám bệnh, dân bản mừng lắm, có người không ốm cũng dìu dắt nhau ra trạm y tế xin thuốc, khám cái bụng, cái răng… Sốt rét vẫn là căn bệnh quái ác hành hạ người Vân Hòa.

Tuy mấy năm nay bản không còn nhà sàn, nhưng tập tục sinh sống quen với trâu bò, gia súc, vẫn quẩn quanh chưa dứt. Nhiều gia đình có 6-7 người nhưng chỉ có 1-2 cái màn, nhiều hộ từng được bộ đội cho màn thì lại không quen dùng, cứ thế trần mình để muỗi  tung hoành… Các anh về khơi từng rãnh nước, dạy trẻ cách đánh răng, bảo người lớn nhốt lại con lợn rông, khuyên chị em dùng nước sạch, khuyên mọi người đừng mời thầy cúng khi đau ốm. Cứ thế, nhà nhà làm theo lời bộ đội.

Cụ Bùi Thị Khệt - Vợ liệt sỹ - đã ở tuổi 85, ốm lay lắt nhiều tháng nay, nghe nói bộ đội về bản như tỉnh hẳn. Cháu nội dìu bà ra tận trụ sở ủy ban xã, cùng bộ đội vào viếng nghĩa trang liệt sỹ. Gói quà nhỏ của bộ đội vừa mang tặng tận tay khiến bà càng vui: “Đường sữa ngon của bộ đội biếu đấy, chưa ăn đã khỏe rồi. Bộ đội giàu tình cảm vẫn nhớ đến già này, già không thấy ốm nữa…”.

Nhà bác Nhận được bộ đội góp tiền cho mượn 2 triệu đồng để sửa sang cái chuồng, mua con heo nái; nhà chị Hán cũng được “vay vốn” tậu con bò… “Tao cũng được bộ đội cho vay, bộ đội nói là bao giờ làm ăn khấm khá thì mới “đòi” lại tiền, tao sẽ bảo con cháu cố làm ăn khỏi phụ lòng bộ đội” – Cụ Phùng cười sung sướng.

“Còn nhiều vùng địa bàn khó khăn, bộ đội cũng không thể ở lại đây mãi, mỗi người lính là một nhà tuyên truyền. Chúng tôi bảo dân bản cách giữ gìn vệ sinh, phương pháp chăn nuôi, giữ mương nước… Có vậy, mới là thành công, lính “ba lẻ một” mới có niềm vui mà yên tâm lên đường tiếp tục về những vùng xa khó khăn phía trước” - Chiến sỹ trẻ Chu Văn Xô nói. 

MỚI - NÓNG