Lo tìm người kế nhiệm

Lo tìm người kế nhiệm
TP - “Tôi năm nay 40 tuổi, là bí thư đoàn xã cao tuổi nhất của huyện với hai nhiệm kỳ mà chưa tìm được người kế nhiệm. Chuyện đầu ra không còn là vấn đề nữa mà đầu vào khiến chúng tôi lo lắng hơn cả" - Bí thư Đoàn Xã Hùng Cường (Hưng Yên) Phạm Văn Thanh nói.
Lo tìm người kế nhiệm ảnh 1
Anh Võ Văn Thưởng (ngoài cùng bìa phải) trò chuyện với bí thư đoàn xã, thôn của huyện Kim Động. Ảnh: P.H

Tại cuộc gặp gỡ của Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn với các bí thư đoàn xã, thôn sáng qua, 5/8 ở huyện Kim Động (Hưng Yên), góp ý cho các chương trình, phong trào của Đoàn và hiến kế để xây dựng Đoàn vững mạnh, Bí thư Đoàn Xã Hùng Cường Phạm Văn Thanh giãi bày:

"Đã nhiều lần, chúng tôi đề xuất, lựa chọn người thay thế nhưng đều gặp khó khăn vì họ không lo được công tác thanh niên và những nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

Đồng tình với ý kiến trên, anh Trần Danh Phép, Bí thư Đoàn Xã Ngọc Thanh bổ sung: Tôi 35 tuổi, 16 năm làm bí thư chi đoàn, đoàn xã. Rất nhiều lần xin chuyển công tác nhưng luôn được giữ lại làm công tác Đoàn bằng lời nhận xét của cấp ủy: “Phong trào Đoàn vẫn tốt. Cậu cứ ở lại đó, từ từ hãy chuyển. Cậu đi thì lấy ai làm thay”.

Anh Phép cho biết, khi cán bộ Đoàn không có trình độ thì tiếng nói của chi đoàn với chi bộ không được coi trọng. Vì thế, ở nhiều nơi khó triển khai các hoạt động của Đoàn.

Đoàn Trần Nghĩa, bí thư chi đoàn một thôn của xã Phú Cường lo lắng: “Khi cán bộ đoàn cơ sở yếu, phong trào ở nơi sát thanh niên nhất đi xuống thì đoàn còn lại gì?

Trong lúc chưa có cơ chế đào tạo cán bộ đoàn cấp xã; cán bộ chi đoàn không được hưởng bất cứ chế độ nào thì, ở nhiều nơi của Kim Động, bí thư đoàn xã phải lôi kéo những ông chủ trang trại, công an viên trẻ nhiệt tình với thanh niên làm công tác đoàn.

Hỗ trợ phải tập trung, thiết thực

Sức mạnh của sự cộng hưởng

Anh Võ Văn Thưởng đề nghị tổ chức đoàn ở Kim Động nói riêng và cả nước nói chung là khi triển khai bất cứ chương trình nào cũng phải nhận được sự ủng hộ của ba phía: Thanh niên hưởng ứng, cấp ủy tán thành và phụ huynh, xã hội đồng tình.

“Tôi đề nghị các chương trình triển khai, hỗ trợ trong toàn đoàn phải tập trung, tránh dàn trải. Chẳng hạn như năm nay, đầu tư mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên cụ thể ở một địa phương, năm sau lại chuyển vốn cho địa phương khác làm, khi mô hình kinh tế ấy đã phát huy hiệu quả trên thực tế. Khi ấy, thanh niên sẽ tìm đến đoàn. Đoàn sẽ mạnh khi mỗi tế bào của nó (là chi đoàn) sống khỏe” - Anh Đoàn Trần Nghĩa đề nghị.

Theo Bí thư Đoàn xã Đồng Thanh, Tạ Đình Điềm, để thực hiện chủ đề công tác của năm, đoàn xã cần có sự tham gia của đoàn cấp trên tháo gỡ khó khăn trong việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp Thanh niên dễ dàng được vay vốn, tập huấn về khoa học kỹ thuật cho Thanh niên.

Anh Điềm đề nghị, cần tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn với những khoản vay lớn hơn so với các chương trình đoàn nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mới đáp ứng được nhu cầu đầu tư.

Lắng nghe những ý kiến, chia sẻ khó khăn với cán bộ đoàn cấp thôn, xã, anh Võ Văn Thưởng nói, còn hai mảng mà T.Ư Đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các chương trình, hỗ trợ với thanh niên là ở nông thôn và khu công nghiệp, chế xuất. Những ý kiến đóng góp nói trên sẽ gợi mở sự chuyển hướng trong công tác chỉ đạo, phối hợp để đẩy mạnh hoạt động đoàn cấp thôn, xã.

MỚI - NÓNG