Lời bóng gió chia tình

Lời bóng gió chia tình
TP - Trong cuộc sống thường nhật, đôi khi những lời nói vô tình, thiếu suy nghĩ, hoặc bóng gió của vợ hay chồng, của nàng dâu hay mẹ chồng, cũng là mối đe dọa đến hạnh phúc gia đình, làm cho mái ấm bị rạn vỡ.

Là giáo viên thể dục của một trường cấp hai tại Hà Nội, Cường có một hình thể đẹp, khỏe mạnh. Ngoài giờ lên lớp, anh vẫn đều đặn đi tập thể hình mỗi chiều. Nửa năm nay, anh bỏ tập, thay bằng việc đi bộ. Gần như cả nhà anh đều đi bộ mỗi tối. Bố mẹ anh đi bộ cùng nhóm các cụ cao tuổi. Vợ chồng anh thì đêm đêm thong dong bên nhau.

Tối đến, vợ chồng anh để cậu con trai sáu tuổi ở nhà học bài, nhờ đứa em họ là sinh viên đại học sư phạm đang ở nhờ nhà mình kèm cặp. Vợ chồng anh gia nhập “hội đi bộ” cùng các cặp vợ chồng trẻ trong khu phố. Trong “hội đi bộ” có một phụ nữ đang nuôi con nhỏ tên Trúc, chồng đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc, cô có cửa hàng cây cảnh ở Bưởi.

Gần đây, vợ chồng Cường xảy ra chiến tranh lạnh, nguyên nhân được cho là... từ bà chủ cây cảnh Trúc. Cường gặp chuyên gia tư vấn tâm lý gia đình An Việt Sơn, tâm sự chuyện gia đình anh không có gì to tát cũng thành to chuyện.

Chuyện xảy ra trước tết Kỷ Sửu vài ngày. Vợ anh đi làm ở công ty về muộn, bất chợt thấy trong nhà mình có một chậu hoa đỗ quyên rất đẹp. Cô ngắm nghía một hồi lâu, có vẻ rất thích: “Anh mua chậu hoa này ở đâu, bao nhiêu tiền hả anh?”. -“Mua đâu mà mua, của cái Trúc “hội đi bộ” cho vợ chồng mình đấy”. Nghe vậy, vợ Cường không nói gì thêm, lẳng lặng đi ra sau bếp.

Sau tết mấy hôm, vợ Cường chợt hỏi chồng: “Sao “hội đi bộ” có sáu cặp vợ chồng mà cái Trúc chỉ tặng cây cảnh mỗi nhà mình nhỉ?”. -“Sao em biết cô ấy chỉ tặng mỗi nhà mình?” - Cường hỏi. -“Em hỏi hết mọi người rồi, nó tặng có mỗi anh thôi”. Sau chút nghĩ ngợi, Cường nói: “Em đi điều tra cái việc không đâu đấy à?”. -“Rõ là có tật giật mình. Hôm kia vợ mệt không đi bộ, anh về muộn nói là đi uống bia hơi, nhưng “hội đi bộ” lại nói anh vào nhà cái Trúc.

Đêm hôm anh vào đó làm gì, trong khi chồng người ta đang ở nước ngoài? Mà tại sao anh lại phải nói dối?”- vợ Cường không giữ được bình tĩnh. “Em im đi cho anh nhờ, “hội đi bộ” nó bơm đểu cho cũng nghe”.  “Bơm đểu. Không có lửa làm sao có khói? Làm sao nó lại tặng chậu cảnh mỗi mình anh?”- Vợ Cường vừa nói xong, thì đi tới bê chậu đỗ quyên mang ra ném ngoài cửa, cạnh nơi để rác. Cường lúc ấy cũng không giữ được bình tĩnh: “Cô bị làm sao thế, muốn thằng này đi với người khác chứ gì?”.

Chuyện có thế, nhưng trở nên căng thẳng khi ngay ngày hôm sau bà mẹ vợ bỗng đến nhà xin gặp bố mẹ Cường để... nói chuyện người lớn. Ra về bà mẹ vợ còn quay lại dặn anh: “Hạnh phúc nó ở trong tay con, con đừng tự đánh mất nó”.

Cường cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn thương, giận vợ những ngày sau đó anh chuyển lên tầng trên ngủ. Bố mẹ anh thấy chuyện chẳng có gì lớn mà bà thông gia đã qua “nói chuyện” thì cảm thấy xấu hổ. Sau khi hỏi cặn kẽ con trai đầu đuôi sự việc ông bà liền mắng cô con dâu, cho rằng cô ghen bóng ghen gió, chuyện bé xé ra to.

Mẹ Cường chì chiết: “Chừng nào cô nhìn thấy thằng Cường ngủ với con người ta thì hãy về tâu bên nhà chưa muộn mà!”. Phía vợ anh, nghĩ mẹ chồng bênh vực và phe phía với con trai nên càng ấm ức. Không biết trút giận vào ai, tới bữa thấy con mình lười ăn, cô quát tháo ầm ĩ: “Ăn đi, nhanh lên, cái đồ hư hỏng”.

Mẹ chồng nghe con dâu lớn tiếng với cháu mình, cũng đứng ngồi không yên: “Nó còn bé, có điều gì còn chưa biết thì cô phải dạy nó. Còn nếu nó hư hỏng là do cô không biết dạy đấy…Tức gì thì nói thẳng ra, đừng có ăn nói bóng gió”.

Bố Cường nghe mẹ con cứ “đấu khẩu” nhau, thấy không chịu nổi, ông quát: “Vợ chồng cô nếu cảm thấy không ở được với bà ấy thì tốt nhất ra ở riêng đi. Còn bà, cứ hay chạnh chọe với con dâu thì đừng có xui con trai cưới nó về”.

Bà mẹ nghe chồng mình nói thế lại càng tỏ vẻ khó chịu: “Thế ông thấy tôi nói đúng, hay dâu cưng của ông đúng?”. “Loạn rồi” - ông bố nói rồi bỏ đi... Gia đình Cường lục đục, cô em họ dưới quê lên Hà Nội học đại học đang ở nhờ, cảm thấy không khí nặng nề, mệt mỏi đã xin ra ngoài đi thuê nhà trọ. 

“Khẩu chiến” cùng nàng dâu

Vợ chồng Phú tuy còn trẻ, đều chưa đến tuổi 40, nhưng cuộc sống khá giả, có ô tô con, nhà bốn tầng nằm ở khu đô thị mới Mỹ Đình. Phú đang là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn, chuyên về thiết kế, thi công các công trình xây dựng. Nhi - vợ anh làm ở một Viện khoa học.

Họ yêu nhau từ hồi hai vợ chồng cùng chân ướt chân ráo vào làm việc ở Viện. Chỉ hơn một năm sau, họ cưới nhau. Thời gian trôi đi, công việc của vợ luôn tiến triển, nhưng chồng thì… không ngóc đầu lên được. Sau hai chuyến ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh thạc sỹ và luận án tiến sĩ, trở về Nhi khuyên chồng mở công ty.

Nhờ vài công trình xây dựng mà công ty Phú nhận thầu, cuộc sống họ trở nên khá giả. Vợ chồng bắt đầu cho đập căn nhà cũ mà bố mẹ chồng mua từ những năm 1970, xây lên bốn tầng. Căn nhà khang trang, tầng một họ dành riêng một phòng khách, một phòng cho bố mẹ đẻ của Phú. Cũng từ ngày có ngôi nhà mới rộng rãi, các thành viên trong gia đình đều có phòng riêng, lẽ ra ít va chạm thì không hiểu sao lại hay có những cuộc cãi vã to tiếng.

Chuyện bắt đầu từ một hôm mẹ Phú trách móc cô con dâu không về quê vợ chồng bà ở Nam Định để dự đám cưới người anh con bác ruột. “Vợ chồng con là con một, ở Hà Nội đã thân cô thế cô, nếu không coi trọng anh em họ hàng, mai này ốm đau nằm một chỗ thì ai ngó ngàng tới? Con bận việc cơ quan tới mức nào? Mà có phải bắt xe ngoài đâu cơ chứ, ô tô nhà đón rước tận nơi?”.

Sẽ chẳng có việc gì xảy ra, nếu như cô con dâu tỏ ra mình thiếu sót, đằng này Nhi lớn giọng: “Sao mẹ phải lo xa thế, ốm đau không có người nhà chăm nom thì đã có Ôsin bệnh viện. Chồng con về là được, bác ấy đòi hỏi gì nữa chứ?”. Cô nói thêm: “Vợ chồng con mừng cưới ba triệu, ở quê ai được thế mà còn trách móc”. - “Cô là tiến sĩ mà ăn nói như thế đấy hả?”.

Mẹ Phú ấm ức mãi, mấy ngày sau vẫn nói với con trai: “Vợ con ăn nói như thế là thiếu tế nhị, thiếu hiểu biết, là láo. Bác con muốn vợ con về là cho thêm vui, cho thêm tình cảm, chứ cần ba triệu bạc của nó à?!”.

Nàng dâu nghe được cố cãi lại: “Mẹ cứ nói cái kiểu chê tiền, vậy tụi con không có tiền thì lấy đâu xây cái nhà này, và mở công ty”. -“Cô đã nói vậy thì cô dỡ nhà đi nơi khác mà ở, để lại đất cho vợ chồng tôi. Tôi chỉ cần bán đi một nửa, là tha hồ mà xây nhà, đâu cần tới tiền của vợ chồng cô. Tiến sĩ mà cô ăn nói thế đấy”. Những lần như thế, Phú chỉ biết đi ra đi vào, chỉ tay vào mặt vợ : “Cô có im đi không!”.

Bao năm gia đình yên ấm, nay trong nhà có những lúc căng như dây đàn, đã làm cho Phú nhiều đêm mất ngủ. Mâu thuẫn của mẹ anh và vợ mình đã lan sang gần như cả nhà. Bố Phú từ ngày thấy cô con dâu hay cãi lại vợ mình, cho rằng có học mà xử sự như thế là kém. Ông tỏ thái độ coi thường con dâu và ít hỏi han, nói chuyện với Nhi.

Phú thì trước mặt mẹ mình không dám nói những lời ngọt ngào, yêu thương vợ như trước. Hai cô con gái tuy còn nhỏ tuổi, và không ai nói xấu nhau hay tiêm nhiễm để chúng đứng về phía nào, nhưng trong các bữa ăn nếu có cả bà nội lẫn mẹ ngồi cùng mâm cơm là chúng thường im lặng.

Phú buồn là từ những lời nói thiếu suy nghĩ của vợ, giờ đây mẹ anh luôn có ấn tượng xấu về con dâu. Bà còn nói với Phú: “Việc đưa đón hai cháu đi học con cứ để bố mẹ lo, kể cả việc giáo dục chúng như thế nào để trở thành một người tốt”. -“Sao mẹ cứ phải căng thẳng, làm lớn chuyện với vợ con mãi làm gì để cả nhà mất vui?” - Phú nhẹ nhàng nói.

“Đấy, con lại bênh vợ. Con cứ chiều vợ là mẹ không thích đâu. Tại sao bao năm nay, cứ mồng hai tết là con lấy ô tô chở vợ con về quê vợ ăn tết tới mồng sáu mới lên, để hai ông bà già này thui thủi với nhau thì được? Nhưng lâu lâu dưới quê bố mẹ mới có hiếu hỉ mà con lại không kéo được vợ con về, là sao? Tại con quá chiều vợ!”- mẹ Phú lý lẽ. “Con phải dạy vợ con đi, đừng nghĩ vợ mình tiến sĩ rồi thì không cần phải

học nữa. Hôm kia, con đi vắng, vợ con còn nói với mẹ là mấy năm để con Bống, con Bông ở nhà cạnh bà nên ảnh hưởng nhiều tính cách của bà nội đấy. Mẹ hỏi con, ai nuôi con Bống, con Bông để vợ con đi làm tiến sĩ bên Đức, mà giờ vợ con về lại nói với mẹ như thế hả?”.     

Phú tâm sự với chuyên gia tư vấn tấm lý An Việt Sơn: “Thật sự tôi đang rất khó hòa giải, trong nhà mẹ tôi, vợ tôi cứ cố nói ra những lời thật “đau”, tìm cách “trả miếng” nhau, rồi cố chấp những lời nói ấy, khiến gia đình ngày càng ngột ngạt”.

Chuyên gia tư vấn An Việt Sơn khuyên Phú nên cùng bố mẹ, và vợ ngồi lại với nhau, thẳng thắn nói chuyện. Tự mỗi người nhận thấy cái sai, lỡ lời của mình để nói lại, xí xóa cho nhau, làm hòa với nhau, chắc chắn sẽ đi đến tôn trọng nhau. Muốn cuộc sống gia đình hạnh phúc, nhiều khi các thành viên trong gia đình phải có lòng độ lượng, bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt đời thường, và hơn hết phải biết yêu thương nhau.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.