Lời con trẻ chạm vào trái tim

Nhóm tác giả phim “Giấc mơ bị khóa kín” tại Liên hoan phim do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức
Nhóm tác giả phim “Giấc mơ bị khóa kín” tại Liên hoan phim do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức
TPO - “Giấc mơ khóa kín” và “Xin hãy hiểu con” là hai phim ngắn của học sinh THPT được Hà Nội lựa chọn trao giải Nhất liên hoan phim thành phố và cử đi dự liên hoan phim quốc gia sắp tới. Cả hai phim đều đề cao vai trò gia đình, người bố, người mẹ trong việc nuôi dạy con.

Đừng chỉ biết ép con học

Xin hãy hiểu con của nhóm học sinh lớp 9 Hoàng Hương Thảo, Đào Hải Minh và Dương Thùy Linh, Trường THCS Thăng Long khiến người xem như bắt gặp chính mình trong đó. Trong phim, nhân vật chính là cô bé học sinh ở độ tuổi 12-13 cảm thấy bất lực, hụt hẫng khi không được bố mẹ thấu hiểu. Hàng ngày, việc của cô là học thật nhiều, cả ngày lẫn đêm thì bố mẹ mới vừa lòng. 

Mỗi khi kết quả học tập không như ý muốn hoặc không vừa ý bố mẹ cô chỉ biết la hét, chửi mắng mà không cần biết đến cảm xúc của con. Sau mỗi giờ học ở trường, cô bé rất muốn giúp đỡ mẹ việc nhà nhưng bà mẹ đều gạt đi. Trong một lần xung đột với mẹ, chán chường, cùng quẫn cô đã xách ba lô ra khỏi nhà. Lang thang vô định, cô sững lại trước một gia đình khác gồm bố mẹ, con cái đang vui đùa quây quần vui vẻ bên nhau, điều mà gia đình cô chưa bao giờ có được. Phim kết thúc bằng hình ảnh giọt nước mắt muộn màng của bà mẹ khi đi tìm con và hiểu ra mình phải có cách ứng xử khác với con.

Phim chỉ dài 3 phút, bối cảnh được quay tại chính nhà một thành viên trong nhóm. Máy quay nghiệp dư nhưng khuôn hình đẹp, nhân vật trong phim có sự trải nghiệm, đọc lời thoại khiến người xem rung động. Phim được đánh giá, chạm trái tim những người làm cha, làm mẹ.

Dương Thùy Linh cho hay, nhóm lựa chọn đề tài gia đình chỉ biết ép con học vì đây chính là vấn đề các bạn thường gặp phải hiện nay. Cũng là học sinh, nhiều bạn đến trường tâm sự, phải học cả ngày ở trường mệt mỏi, tan trường mẹ lại đợi sẵn để đưa đến học ở nhà cô giáo. Tối đến nhiều bạn còn phải học với gia sư rồi mới ôn bài cũ. Vì thế, chỉ riêng việc học cũng ngốn hết hầu hết thời gian cả ngày lẫn đêm của các bạn. Đặc biệt, trước mỗi kỳ thi, các bạn luôn rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và thiếu ngủ.

Theo Linh, nhân vật cô bé trong phim cũng như các bạn ở tuổi của em luôn mong muốn có cuộc sống được cân bằng. “Điều quan trọng nhất bố mẹ phải thấu hiểu mong muốn của con, chia sẻ việc nhà với con, qua đó thủ thỉ chuyện trò xem cả ngày ở trường con gặp chuyện gì buồn vui cũng là cách con cảm thấy mình được sống, được chia sẻ”, Linh nói.

Đào Hải Minh cho rằng, câu chuyện không của cá nhân các thành viên trong nhóm vì cả ba may mắn có bố mẹ khá hiểu con. Nhưng để viết xong kịch bản, nhóm phải bàn bạc nhiều ngày và viết đi viết lại nhiều lần mới được duyệt. Lần đầu làm phim nên các thành viên vừa học cách quay, cách dàn dựng, viết lời bình, chỉnh sửa mất gần một tháng mới hoàn thành.

Hãy biết khuyến khích con

Trong khi đó ở khía cạnh khác, “Giấc mơ bị khóa kín” của nhóm học sinh cùng trường Nguyễn Như Bình, Đào Tâm Anh và Nguyễn Thùy Cát Bi lại đề cao vai trò người mẹ trong việc đồng hành với giấc mơ của con trai. Phim được lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của một học sinh của trường rất đam mê bóng rổ nhưng trong một lần chơi bóng bị ngã gãy tay. 

Trên câu chuyện đó, nhóm viết tiếp hành trình chinh phục đam mê của cậu học sinh bằng con đường khác. Phim được ban giám khảo đánh giá xử lý tình huống xuất sắc khi đẩy tình huống lên cao trào là khi chàng trai bị bác sĩ kết luận cậu chấn thương nặng không thể chơi tiếp bóng rổ. Để chứng minh lời bác sĩ là sai, cậu ngày đêm kiên trì tập luyện nhưng cuối cùng cậu nhận ra lời bác sĩ đã đúng.

Thất vọng, chán nản cậu đã xé tất cả bằng khen, sách vở học tập trong phòng. Chứng kiến điều đó, mẹ cậu rất buồn. Đêm đó, mẹ ngồi viết một bức thư gửi con trai. Nội dung kể về hành trình mẹ đồng hành với cậu từ những ngày đầu tiên cậu chập chững học bộ môn này, những buổi tập mẹ ngồi đợi, mẹ và cậu chia sẻ những niềm vui khi chiến thắng…

Trong thư, mẹ chàng trai bày tỏ sự tiếc nuối khi niềm yêu thích của con gặp trở ngại đồng thời khuyến khích con tìm một cách khác để thực hiện nó. Cuối cùng sau nhiều đêm suy nghĩ, cậu đã trở thành người hướng dẫn kỹ thuật cho các em nhỏ có chung đam mê bộ môn với mình để hàng ngày được ra sân.

Nguyễn Như Bình chia sẻ, nhóm mất một tuần để lên ý tưởng. Thêm một tuần để hoàn thiện kịch bản. Các thành viên gặp nhau ở niềm yêu thích làm phim nhưng đây lại là tác phẩm đầu tay. Vì thế, để biết quay, dựng, nhóm phải đi học kỹ thuật 2-3 ngày. Sau đó, các thành viên tự quay, dựng, viết lời bình, tìm nhân vật đóng phim.

“Cái khó nhất là phim phải có đủ nội dung, chuyển tải được thông điệp nhưng chỉ ngắn 3 phút”, Bình nói. Theo Bình, gần một tháng mới hoàn thành nhưng nhưng cả nhóm khá mãn nguyện vì phim chuyển tải được thông điệp: “Không có đường cùng, quan trọng là biết chọn lựa con đường khác để đi”.

Theo Linh, nhân vật cô bé trong phim Xin hãy hiểu con cũng như các bạn ở tuổi của em luôn mong muốn có cuộc sống được cân bằng. “Điều quan trọng nhất bố mẹ phải thấu hiểu mong muốn của con, chia sẻ việc nhà với con, qua đó thủ thỉ chuyện trò xem cả ngày ở trường con gặp chuyện gì buồn vui cũng là cách con cảm thấy mình được sống, được chia sẻ”, Linh nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.