Lời tỏ tình bị vùi xuống đáy sông

Lời tỏ tình bị vùi xuống đáy sông
TP - Mỗi chiều nhớ mẹ, tôi phóng xe về quê nhưng đi theo con đường quốc lộ mới. Tôi sợ đi trên con đê ấy, sợ nhìn ra dòng sông Đuống vì nó đã làm tôi tổn thương nhiều quá...
Lời tỏ tình bị vùi xuống đáy sông ảnh 1
Trong cơn thịnh nộ, sông Đuống đã cướp đi chàng trai, vĩnh viễn chia cắt một mối tình. Ảnh: Phạm Yên

Làng Kinh Bắc quê tôi cách doanh trại quân đội chẳng bao xa. Bộ đội thường vào làng tôi giúp đỡ những gia đình khó khăn. Các anh về, cùng những chiếc ba lô màu xanh bạc treo tạm bờ rào, xắn tay áo lên, khi thì đào mương, trồng sắn, trồng ngô, khơi rãnh…

Bộ đội mà biết làm đủ việc và trông cũng thật lam lũ, ai cũng nước da sạm nắng, nhưng nụ cười thì tươi tắn, hiền khô.

Một hôm, cả trường tôi đi lao động tập thể đào đất đắp chân đê. Hôm ấy có nhiều bộ đội cùng về giúp dân. Những mủng đất chuyển nhanh trên tay các anh thật khoẻ khắn, khiến tụi con gái chúng tôi cũng bị cuốn vào không khí lao động mặc cho bùn lấm bết vạt áo trắng.

Nắng gắt quá. Một người lính dáng thư sinh, mồ hôi thấm đẫm cả lưng áo xanh, đang gắng xốc lại sọt đất vọt lên trên. Sọt quá nặng, anh hụt chân rồi bất ngờ gục xuống. Đồng đội anh nhào tới, gọi tên “Toàn! Toàn! Sao không?...”.

Ai đó ào qua gạt tôi ra và cõng anh vào lán. Bọn học sinh chúng tôi xúm xít chạy theo. Gương mặt anh nhỏ gầy, khẽ đanh lại, mím chặt rồi mỉm cười gượng: “Các bạn đừng lo, lát nữa tôi lại ra làm việc ngay thôi mà…”. Đôi  mắt của anh khoảnh khắc ấy cho tới tận bây giờ tôi vẫn không thể quên, đẹp và thương lắm.

Rồi thi thoảng tụi con gái chúng tôi chộp hôm nghỉ học tìm vào doanh trại chơi, nhưng cũng hiếm họa lắm mới được vào thăm các anh vì đó là khu vực quân sự.

Anh Toàn cũng tìm đến nhà tôi, chắc anh mến tôi lắm nên lần nào anh cũng có quà, khi thì cây bút kim, lúc là cuốn sổ nhỏ có in hình cầu thủ bóng đá hoặc con ốc biển hình thù kỳ lạ. Trái tim thiếu nữ của tôi lần đầu tiên biết rung lên vì đôi mắt đẹp của chàng lính thư sinh ấy.

Năm ấy, lũ mạn ngược tràn về cuộn xiết, dòng Đuống hiền hòa bỗng hung tợn khủng khiếp, cuốn phăng cả vườn tre ven đê. Người người lo chống lũ. Trường tôi cũng tạm nghỉ ít ngày, tất cả được huy động sẵn sàng ứng cứu đê làng.

Tôi và anh gặp nhau trên đoạn đê gần doanh trại (thực ra là tôi đã hẹn anh ra đó). Nhìn dòng sông, mắt anh thật buồn (chắc chỉ có tôi mới thấy mắt anh buồn) và bảo rằng quê anh vùng biển Hải Hậu (Nam Định).

Tôi trêu: “Con trai vùng biển mà như cậu ấm vậy. Chắc anh chẳng bơi được qua dòng sông này…”. Anh nhìn tôi, cái nhìn thật sâu có chút ngạc nhiên. Tôi nghĩ mình đã đùa quá lời không đúng lúc. Kéo anh ra sát bờ sông, giọng tôi nũng nịu, nịnh đỡ: “Anh này, chắc anh thấy con gái Kinh Bắc bạo miệng quá phải không, đừng giận em nhé...”.

Người lính ấy lại nhìn ra dòng sông đang cuộn chảy đỏ ngầu, nói nhẹ nhàng mà sâu sắc: “Con gái Kinh Bắc thật giống con sông này, lúc thì hiền hòa, lúc thì cứ như là…”. Tôi gí tay vào tóc anh: “Cứ như là hổ chứ gì! Anh liệu đấy!”. Hai đứa phá lên cười. Tôi thấy thoải mái, chẳng còn chút nào nỗi lo mùa lũ.

Tôi không ngờ đó là buổi chiều cuối cùng gặp anh.

Đầu giờ tối hôm ấy, làng tôi trống báo động rung lên động trời. Tin báo có đê vỡ. Nhiều gia đình chưa kịp ăn tối, nhà nhà cuống quýt dồn trâu bò, vác đồ xiểng đi về phía đồi cao tránh lũ. Những người lính vác theo cuốc xẻng lao nhanh ngược về phía con đê. Các anh sẽ ở lại chống đỡ con nước nguy hiểm. Tôi lo lắng cho những người lính, lo cho anh.

Trong dòng người lính, một dáng người bé nhỏ thoát ra, đúng là anh rồi. Khoảng 7 giây anh và tôi dừng lại. Hình như anh định nói gì thêm. Có lẽ nếu anh nói gì thêm thì chắc là lời của tình cảm thiêng liêng.

Anh cứ nói đi. Nhưng không, anh rắn rỏi vụt đi. Chắc anh sợ làm tổn thương tôi? Tôi thét lên gọi anh rồi trao vội cho anh lá thư viết từ hôm trước. Trời ơi, anh sẽ hòa vào dòng nước xiết, và… Tôi gắng không dám nghĩ tới điều khủng khiếp đó nhưng đầu óc đã không bứt nổi.

Một tuần sau, làng hết ngập. Tôi chạy tới doanh trại của anh. Sao thế này? Không tin được nữa. Mọi người nói rằng Toàn đã hy sinh. Tôi tuyệt vọng gục khóc.

Tôi khóc mãi, khóc nhiều ngày nữa. Tôi căm hờn dòng Đuống. Nó cuốn mất Toàn của tôi và cuốn cả lá thư tôi thầm nói lời yêu anh…

Mấy năm rồi, tôi đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm và dạy văn tại một trường phổ thông ở Hà Nội, vẫn không yêu ai.

Mỗi chiều nhớ mẹ, tôi phóng xe về quê nhưng đi theo con đường quốc lộ mới. Tôi sợ đi trên con đê ấy, sợ nhìn ra dòng sông Đuống vì nó đã làm tôi tổn thương nhiều quá.

MỚI - NÓNG