Lớn lên sau hải trình đất nước và tình yêu

Hành trình mang đến nhiều trải nghiệm cho các thành viên. Ảnh: Xuân Tùng
Hành trình mang đến nhiều trải nghiệm cho các thành viên. Ảnh: Xuân Tùng
TP - 10 ngày trên biển đến với Trường Sa, nhà giàn DK, các thành viên "Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm 2014 đã có những trải nghiệm để trưởng thành. Những tình cảm và trải nghiệm nơi đảo xa kết lại, gom thành sức mạnh để mỗi thành viên nỗ lực cống hiến nhiều hơn.

Học kỳ trên biển

Đối với nhiều thành viên, hành trình là chuyến xa khơi đầu tiên gắn với những trải nghiệm về tính kỷ luật, tinh thần đồng đội như những người lính thực thụ. Ngay từ ngày đầu hành trình, các thành viên đã làm quen với những hiệu lệnh thông báo từ ban chỉ huy tàu về thời gian thức dậy, ăn cơm đến các hoạt động sinh hoạt tập thể của trung đội, hay toàn tàu.

Đối với Mỹ Hạnh (SN 1987, Kỹ sư công trình ngầm), Phó Bí thư Đoàn thanh niên Cty CP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON, hải trình giúp cô vượt qua nỗi sợ sóng nước. Hạnh chia sẻ: “Mỗi lần đi biển mình đều rất lo lắng, nhưng được bố cũng là quân y từng công tác ngoài biển đảo, động viên rất nhiều. Đến giờ mình đã được đến Trường Sa, nơi mà bao nhiêu bạn trẻ khao khát được tới”.

Những ngày lênh đênh sinh hoạt trên biển, các thành viên hiểu hơn sự hiếu khách, tình đồng bào của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, giá trị của những chai nước ngọt. Mặc dù điều kiện còn thiếu thốn, nhưng cán bộ chiến sĩ vẫn dành cho những người từ đất liền ra thăm những giọt nước ngọt mát lành, ưu tiên điện sinh hoạt cho hội trường.

Các thành viên đều rất ấn tượng với những chậu nước ngọt và chiếc khăn đặt nơi cầu tàu, hay cổng vào đảo để những người từ trong đất liền rửa tay; Hình ảnh nâng niu những cốc nước ngọt được chắt chiu trong những cơn mưa được đưa ra mời khách…

Mỹ Hạnh kể: “Lên nhiều đảo mình đã rửa tay bằng nước biển, rồi lên lau tay vào khăn của đảo chuẩn bị. Có lần đứng trên boong tàu tắm mưa, mọi người đều nghĩ đến niềm vui của cán bộ chiến sĩ trên đảo khi đón những giọt nước hiếm hoi từ cơn mưa”. Tất cả các thành viên khác cũng đều mang theo nước uống cho bản thân, thậm chí nhiều người còn dành tặng những chai nước ngọt cho chiến sĩ trên đảo.

Đặc biệt, trong hành trình lên thăm đảo, nhà giàn, các thành viên còn tìm hiểu được những câu chuyện tình yêu cảm động và trở thành cầu nối giữa những người lính đảo với người yêu nơi quê nhà. Được một chiến sĩ trên đảo Phan Vinh gửi quà về cho người yêu ở Quảng Bình, Mỹ Hạnh chia sẻ: “Địa chỉ được bạn ấy để bên trong gói quà bọc bằng túi nilong cũ. Khi mình mở lấy địa chỉ, thì thấy có một quyển sách cũ, một cây bút và mấy nhánh hoa khô. Cứ tưởng những chuyện như thế này chỉ có thời của bố mình khi viết thư về đến mấy tháng mới đến tay người nhận”.

Lớn lên sau hải trình đất nước và tình yêu ảnh 1

Nhiều thành viên trở thành cầu nối đất liền và hải đảo

 Cô lặng đi vì xúc động trước tình cảm giản dị của anh lính đảo. Hạnh có những dòng viết mộc mạc: “Chẳng có anh chiến sĩ nào hẹn thề, nhưng có vài anh nhờ gửi quà cho bạn gái, nên tự nhiên dâng trào cảm xúc. Tặng các chiến sĩ Trường Sa, và tặng những ai yêu chiến sĩ Trường Sa: “Em đến thăm Anh Trường Sa tháng sáu/Nắng hồng vị biển đổ hoàng hôn/Gặp rồi xa trong những cái ôm vội vã/ Vững vàng nhé anh trước bão gió phong ba/Chân cứng đá mềm nơi biển khơi đầu sóng/Đất liền có em hậu phương vững tấm lòng/Vẫn ngóng chờ anh trong niềm tin ngày sum họp/Cùng tình yêu anh, yêu biển, yêu Trường Sa”. Rất nhiều những tấm ảnh, quà là vỏ ốc… đã được cán bộ, chiến sĩ gửi các thành viên mang về tặng người thân trong đất liền.

  

Lớn lên cùng đất nước

Những ngày gắn bó với hành trình đến Trường Sa, nhà giàn DK đã giúp các thành viên hiểu rõ hơn giá trị của những điều gần gũi, dung dị trong cuộc sống và thiêng liêng, lớn lao hơn là tình yêu quê hương, đất nước. Đó là hình ảnh của rặng dừa, mái chùa cong cong, đàn gà vịt…

Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (ĐH Sư phạm TPHCM) chia sẻ: “Lên nhiều đảo thấy những cây dừa và được nói chuyện với những người đồng hương, mình cảm giác như đang ở nhà. Từ những người xa lạ, mình và những người chiến sĩ thấy có gì thật gần gũi, thân thiết”.

Không chỉ có những bức ảnh, những món quà của biển đảo, các thành viên còn mang theo về tinh thần kiên cường, lạc quan của những lính tại Trường Sa, nhà giàn DK. Rất nhiều lá thư được các thành viên viết trong hành trình đến Trường Sa tự gửi cho bản thân và cho người thân, bạn bè nơi đất liền về thông điệp biết lắng nghe, nỗ lực và sống tích cực hơn nữa.

Tuổi trẻ của tôi thật ý nghĩa với hành trình lớn lao mang theo tâm nguyện của biết bao sinh viên trên khắp cả nước. Và tôi biết mình phải cùng với mọi người, sống tích cực và say mê hơn, cống hiến nhiều hơn trong khả năng của mình để xây dựng đất nước ngày càng đẹp tươi, vững mạnh”.

Trần Diễm Ai Vi

Trong những dòng nhật ký cá nhân của Hành trình, Trần Diễm Ái Vi (ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM) viết: “Tổ quốc đang bão giông từ biển... Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo. Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn... Tuổi trẻ của tôi thật ý nghĩa với hành trình lớn lao mang theo tâm nguyện của biết bao sinh viên trên khắp cả nước. Và tôi biết mình phải cùng với mọi người, sống tích cực và say mê hơn, cống hiến nhiều hơn trong khả năng của mình để xây dựng đất nước ngày càng đẹp tươi, vững mạnh”.

Giờ đây, khi trở lại với nhịp sống nơi đất liền, nhiều thành viên như Mỹ Hạnh, Nguyễn Ngọc Đức… đang nỗ lực truyền tiếp nhiệt huyết tuổi trẻ của những người lính đảo. Là bí thư Đoàn phường Tân Lập (Thái Nguyên) Nguyễn Ngọc Đức cho biết: “Với những trải nghiệm, tình yêu biển đảo, mình sẽ cùng với các cấp bộ đoàn và các đoàn thể tiếp tục tuyên truyền nhiều hơn về biển đảo giúp cho đoàn viên thanh niên hiểu hơn về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, để hưởng ứng nhiều hơn các hoạt động về biển đảo”.

Mỹ Hạnh cũng đã có những bài viết tuyên truyền trong Cty, đăng tải hình ảnh trên trang Facebook cá nhân. “Cùng với những đồng nghiệp là thành viên trong Hành trình, mình đã xây dựng ý tưởng và xin ý kiến lãnh đạo đồng thời kết nối với những đối tác khác tạo điều kiện việc làm cho các chiến sĩ trở về từ Trường Sa. Là đơn vị thi công cơ giới, xây dựng Cty mình có nhà máy, những người lính xuất ngũ có thể học làm kỹ thuật viên trên các công trường, nhà máy, hoặc lái máy, lái xe…”, Hạnh nói.

Những thành viên cũng có những khoảng lặng tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nguyễn Ngọc Đức (Thái Nguyên) ấn tượng khi dự lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma năm 1988: “Dưới cơn mưa lất phất và trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, các thành viên trong đoàn xúc động rơi nước mắt. Mọi người lặng lẽ thả hoa cúc tươi, những nén hương thơm, hạc giấy và cầu nguyện cho anh linh liệt sỹ”.


MỚI - NÓNG