Lớp ca Huế 9x

Lớp ca Huế 9x
TP - Không phải rock, hiphop hay nhạc thị trường ảo não, các bạn trẻ đang độ tuổi teen này lại tìm học những giai điệu truyền thống, dân gian của ca Huế.
Lớp ca Huế 9x ảnh 1
Một buổi học ca Huế của các bạn trẻ

Lớp diễn viên sân khấu ca kịch, trường Trung học Nghệ thuật Huế gồm phần lớn các bạn đang độ tuổi 9X.

Các bạn trẻ đến với ca Huế từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có bạn do truyền thống gia đình, nhiều bạn vì sự yêu thích và nặng lòng với xứ Huế cũng như ngôn ngữ, giai điệu của ca Huế.

Những bài Nam ai, Nam bình, Lý mười thương... được ngân lên từ những chất giọng còn non tơ khiến nhiều người phải ngỡ ngàng, thích thú.

Lớp ca Huế chỉ toàn nữ, học cả ngày, buổi sáng học hát, buổi chiều học kỹ năng diễn xuất đi đứng, bưng rượu như một ca nương ngày xưa biểu diễn trong cung đình nhà Nguyễn.

Trương Thị Linh, lớp trưởng tâm sự: “Để hát ca Huế cần thể hiện sự hoà nhập của tâm hồn vào ngôn từ, giai điệu của bài. Tụi mình thường rất lúng túng trước những bài đòi hỏi vốn sống hay sự am hiểu chất Huế, hồn Huế như các bài Quả phụ, Lý năm canh hay những câu như: “Chiều chiều trước bến Văn Lâu - Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm...”.

Lớp ca Huế còn có nhiều bạn đến từ Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh nhưng lại hát ca Huế, truyền cảm đến mức các bạn gốc Huế cũng phải ngạc nhiên. “Những bạn đó tuy không phải người Huế nhưng lại đến từ vùng quê có truyền thống văn hoá và vốn dân gian đậm đà, chất giọng lại nặng nên rất phù hợp với ca Huế”, một bạn trong lớp lý giải.

Linh, lớp trưởng lớp ca Huế: “Tụi mình đến với ca Huế vì nặng lòng với Huế, với những giai điệu quê hương của ca Huế. Mình từng chứng kiến nhiều người xa Huế, sau khi nghe ca Huế đã không cầm được nước mắt”.

Học ca Huế, đến với những giai điệu trầm lắng nặng tình quê hương khiến các bạn trẻ 9X trở nên lắng đọng, nữ tính hơn. Khi đã học được phần lớn các điệu ca, lý, hò vè, nhiều bạn có thể tham gia biểu diễn ở các thuyền rồng du lịch trên sông Hương hay các nhà hàng, khách sạn, giúp các bạn trang trải việc học tập, và là cơ hội rèn luyện, tiếp xúc với nghề.

Tại Festival nghề truyền thống Huế 2009, nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống PGS.TS Nguyễn Thụy Loan, khi trò chuyện với các bạn trẻ học ca Huế, trăn trở, ca Huế cũng như ca trù (hát ả đào) của miền Bắc ngày càng phai nhạt nét truyền thống và đang dần rơi vào quên lãng do không còn phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Những biến tướng của các loại hình âm nhạc này càng khiến dư luận và xã hội có nhiều định kiến.

Tuy nhiên, nghệ nhân Minh Mẫn, một trong hai nghệ nhân ca Huế bậc thầy cuối cùng, tâm sự: “Người ca Huế đúng nghĩa phải thấm đẫm hồn Huế, tính cách Huế. Các bạn sinh viên học ca Huế mặc dù còn rất trẻ nhưng đã có tâm hồn, tình yêu Huế và khao khát giữ gìn những giá trị truyền thống của quê hương, điều đó rất đáng trân trọng”.

MỚI - NÓNG