Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:

Lớp trẻ phải bảo vệ đất nước, nếu không sẽ có tội với tiền nhân

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng sách cho cán bộ đoàn thanh niên tại Đại hội Hội LHTNVN tỉnh Bình Dương
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng sách cho cán bộ đoàn thanh niên tại Đại hội Hội LHTNVN tỉnh Bình Dương
TP - Nhân dịp năm mới 2020, PV báo Tiền Phong có cuộc phỏng vấn nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông cũng từng công tác suốt nhiều năm với vai trò “tướng lĩnh” Đoàn.

Theo nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tổ chức Đoàn nhằm xây dựng, củng cố niềm tin, bản lĩnh chính trị cho đoàn viên, thanh niên, xây dựng thế hệ thanh niên có hoài bão, lý tưởng, khát vọng và trách nhiệm để xứng đáng làm chủ đất nước. 

PV: Theo ông, cần làm gì để nâng cao lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc của giới trẻ, thanh niên Việt Nam hiện nay?

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Có thể nói, tinh thần, ý chí bảo vệ Tổ quốc luôn thường trực trong mỗi con người Việt Nam, tinh thần ấy càng được khơi dậy mạnh mẽ khi đất nước gặp chiến tranh, bị đe dọa bởi các thế lực thù địch. Trong giai đoạn hiện nay, chiến tranh bom đạn đã qua đi, nhưng những nguy cơ đe dọa nền hòa bình, độc lập dân tộc và lãnh thổ đất nước vẫn luôn hiện hữu. Âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, trong đó đối tượng hướng tới là thanh niên.

Để cổ vũ, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, trước hết phải tuyên truyền giáo dục. Đất nước có được ngày hôm nay là nhờ những hi sinh cống hiến của  lớp người đi trước, họ đã ngã xuống để Tổ quốc trường tồn. Giáo dục bằng nhiều cách, nhân các ngày lễ lớn, các hoạt động về nguồn, đền ơn đáp nghĩa… Nhưng cái quan trọng bậc nhất là phải hành động. Thanh niên phải học tập, lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ và xây dựng đất nước.

Từng có thời gian dài tham gia công tác Đoàn, điều gì để lại ấn tượng khiến ông luôn nhớ mãi?

Tôi có hơn 20 năm công tác Đoàn, có nhiều ấn tượng và kỷ niệm để nhớ mãi. Một trong những ấn tượng đó là, tôi có may mắn và vinh dự được phục vụ, chứng kiến 2 lần  Đại hội Đoàn ở miền Nam, trong thời kỳ khói lửa. Đại hội Đoàn toàn miền Nam lần thứ nhất vào đầu năm 1965. Lúc đó, chiến trường miền Nam rất ác liệt, đế quốc Mỹ đang chuyển từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Rồi đến Đại hội Đoàn miền Nam lần thứ 2 vào năm 1973. Lúc bấy giờ, Mỹ - Ngụy đã suy yếu, hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Thế và lực của cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Một ấn tượng cũng sâu sắc trong thời kháng chiến, đó là ai cũng có một thời tuổi trẻ hết sức hào hùng, tuổi trẻ của cả nước hướng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuổi trẻ đó luôn không sợ tù đày, gian khổ, có thể hy sinh cho sự nghiệp cách mạng mà vẫn ngẩng cao đầu và cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn luôn tự hào về tuổi trẻ .

Theo ông, để việc tuyên truyền mang lại hiệu quả cao, đội ngũ cán bộ Đoàn trực tiếp làm nhiệm vụ và công tác viên cần phải lưu ý điều gì?

Cán bộ Đoàn trước hết phải là người bạn gần gũi, thân thiết của thanh niên, nắm bắt được tâm tư, tình cảm, vui buồn của họ. Từ đó, giúp đỡ, hướng dẫn họ mới có hiệu quả. Đặc biệt, đối với những thanh niên chậm tiến, người cán bộ Đoàn phải khổ công, kiên trì nhiều hơn. Mặt khác, người cán bộ Đoàn phải luôn gương mẫu trong gia đình, ngoài xã hội, phải ăn ở, cư xử, học tập và làm việc đúng mực, được mọi người tin yêu. Khi đã được thanh niên tin yêu thì mọi việc sẽ thuận lợi.

Theo ông, làm thế nào để giúp đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần sáng tạo?

Người trẻ vốn dĩ đã có ít nhiều tinh thần tìm tòi, sáng tạo. Vì vậy, nếu được Nhà nước, gia đình, bạn bè… hỗ trợ tác động vào thì sức sáng tạo sẽ được chắp cánh.

Cần tổ chức các hoạt động vận động đoàn viên, thanh niên đề xuất ý tưởng sáng tạo;tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh thiếu niên nghiên cứu khoa học; các cuộc thi, giải thưởng phát huy khả năng sáng tạo của thanh niên; các hoạt động thúc đẩy thanh niên tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ trong lao động, sản xuất. Cần đưa thanh niên vào các hoạt động thực tiễn, sinh động để bạn trẻ được trải nghiệm, cống hiến và trưởng thành.

Lớp trẻ phải bảo vệ đất nước, nếu không sẽ có tội với tiền nhân ảnh 1 Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ với PV báo Tiền Phong

Hiện nay, một bộ phận không nhỏ giới trẻ mờ nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, lối sống không lành mạnh, thờ ơ thiếu trách nhiệm, không có hoài bão và khát vọng vươn lên. Ông có lời khuyên nào cho thế hệ trẻ hôm nay?

Đúng là như vậy. Thế nhưng, trách nhiệm của những người đi trước là phải gần gũi, giúp đỡ để họ trưởng thành. Tuyệt đối không định kiến, xa lánh. Tôi muốn nhắn gửi đến thanh niên là, lớp cha anh trước đây đã đổ biết bao xương máu, hi sinh để giành lấy độc lập tự do cho đất nước, lớp trẻ hôm nay có trách nhiệm phải bảo vệ và xây dựng đất nước, nếu không sẽ có tội với tiền nhân. Tôi có niềm tin thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tiến lên những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại. Tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng chắc chắn chúng ta sẽ về đến đích. Tuổi trẻ phải có lý tưởng, mục đích. Lý tưởng của thanh niên nói gọn là lý tưởng của Đảng; xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai cùng với bạn bè năm châu theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương và Trung ương từng một thời làm công tác Đoàn, theo ông đó có phải nhờ sự rèn luyện, nỗ lực và trưởng thành từ công tác Đoàn để được Đảng tin tưởng giao phó trách nhiệm mới?

Đúng là có nhiều cán bộ Đoàn ở địa phương cũng như Trung ương, nhờ Đoàn giáo dục, rèn luyện đã trưởng thành, Đảng tin cậy giao phó nhiều trọng trách mới. Nhìn thấy những cán bộ trưởng thành đó, lớp trẻ hãy vui và tự tin phấn đấu, tiếp bước cha anh để ngày càng tiến bộ, xứng đáng với niềm tin của mẹ cha, bạn bè và Đảng, Đoàn, Hội.

Cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Minh Triết (SN 1942, tại Bình Dương). Năm 1960, ông công tác ở Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định. Năm 1963, ông về công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam. Từ năm 1974 đến 1987, ông làm Phó văn phòng Trung ương Đoàn, Phó ban TNXP, Trưởng ban Mặt trận thanh niên, Bí thư Trung ương Đoàn. Cuối 1991, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sông Bé.  Năm 1997, ông được điều động vào chức vụ Phó Bí thư đến Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2006, ông được Quốc hội kỳ họp thứ 9 khóa XI bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 7/2011, ông nghỉ hưu theo chế độ.

MỚI - NÓNG