'Luận tội' tóc vàng, tóc nâu...

'Luận tội' tóc vàng, tóc nâu...
TP - Làm đẹp là nhu cầu tất yếu của con người, đặc biệt là giới trẻ. Xung quanh quy định cấm sinh viên nhuộm tóc của một trường đại học, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc.
'Luận tội' tóc vàng, tóc nâu... ảnh 1

Thế nào là đẹp? Quyền làm đẹp của sinh viên, thanh niên có cần được tôn trọng hay không?... là những vấn đề chúng tôi đặt ra từ bài báo này và mong tiếp tục nhận được ý kiến của bạn đọc.

Trên một chuyên trang dành cho giới trẻ của báo Tiền phong từng đăng bài “Có ai luận tội tóc vàng” của một sinh viên, xung quanh một số ý kiến phê phán sinh viên nhuộm tóc vàng.

Tác giả bài báo đặt lại vấn đề: Các bậc cha chú, rất nhiều người nhuộm tóc bạc thành tóc đen, có ai bị phê phán không ? Tôi chợt nhớ đến bài viết ấy khi gần đây trên báo nhà xuất hiện một tin thật khó tin: Cấm sinh viên không được nhuộm tóc, nằm trong nội quy mới ban hành (ngày 16/01/2008) của Trường ĐH Bách khoa TPHCM.

Làm đẹp là quyền tự do cá nhân

“Cấm sinh viên nhuộm tóc-nên hay không?”, với câu hỏi đó tôi  nhận được vô số câu trả lời khác nhau.

Lác đác ý kiến đồng tình, thí dụ: “Nhà trường cấm nhuộm tóc theo tôi là tốt vì tóc mầu khó gây thiện cảm với người xung quanh, gieo dấu ấn không tốt về chủ nhân của nó” (Nguyễn Quang Thái, QLVH 6B, ĐH Văn hoá). Hoặc: “Tôi đồng ý. Đến trường chứ có phải đi thi thời trang đâu?” (Nguyễn Thu Hà - KTĐN-ĐH Ngoại thương).

Một vài bạn trẻ tỏ ra thờ ơ: “Tôi chẳng bao giờ nhuộm tóc nên cấm hay không cũng không ảnh hưởng” (Đoàn Văn Mạnh, Kế toán 46A, ĐH Kinh tế Quốc dân)...

Nhưng đa phần là những phản ứng khá quyết liệt, đặc biệt, từ “phe kẹp tóc”. Vũ Thị Huế (QLVH, ĐH Văn hoá): “Trước kia một thiếu nữ được coi là đẹp phải có hàm răng đen, mái tóc đen dài thướt tha. Nay đã khác. Cuộc sống càng hiện đại, càng đầy đủ thì nhu cầu mặc đẹp, làm đẹp càng cao. Cho nên giới trẻ bây giờ có nhiều kiểu tóc khác nhau, màu tóc khác nhau. Đó là xu thế thời đại, sao lại cấm đoán?

Theo tôi, làm đẹp cũng là một quyền của con người. Cấm nhuộm tóc đôi khi sẽ hạn chế trình độ thẩm mỹ, làm cho chúng tôi thấy dường như mình lạc hậu so với bạn trẻ các nước khác. Chúng ta đang sống trong thời hội nhập”.

“Tôi yêu sự giản dị, tự nhiên. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, chuyện nhuộm tóc là hết sức bình thường thậm chí được đánh giá là đẹp, là mốt. Không chỉ giới trẻ mà cả những người đứng tuổi cũng hưởng ứng phong trào này.

Dù không đồng tình với việc nhuộm tóc một cách “phá cách” như một số bạn trẻ hiện nay nhưng theo tôi, việc cấm là hoàn toàn không nên…

Về mặt học tập, nhà trường có thể quy định chặt chẽ song không cần thiết phải can thiệp một cách thái quá đến quyền tự do làm đẹp của sinh viên” (Phạm Hương Giang - ĐH Văn hoá).

Phạm Hương Giang (khoa Phát hành xuất bản, ĐH Văn hoá): “Tôi không thích và cũng không phù hợp với nhuộm tóc, tôi yêu sự giản dị, tự nhiên. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, chuyện nhuộm tóc là hết sức bình thường thậm chí được đánh giá là đẹp, là mốt. Không chỉ giới trẻ mà cả những người đứng tuổi cũng hưởng ứng phong trào này.

Dù không đồng tình với việc nhuộm tóc một cách “phá cách” như một số bạn trẻ hiện nay nhưng theo tôi, việc cấm là hoàn toàn không nên. Khi trở thành sinh viên, con người ta đã ít nhiều trưởng thành và có quyền tự quyết.

Trong giáo dục đại học nhà trường chỉ quản lý chứ không phải theo sát, kèm cặp nữa. Về mặt học tập, nhà trường có thể quy định chặt chẽ song không cần thiết phải can thiệp một cách thái quá đến quyền tự do làm đẹp của sinh viên”. 

“Từ 18 tuổi trở lên, con người có quyền quyết định cách sống của mình và tự chịu trách nhiệm. Không có lý do gì để cấm 8x chúng tôi nhuộm tóc cả. Điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến học tập.” (Minh Hằng- Kế toán- ĐH Kinh tế Quốc dân) v.v…

“Phe đá bóng” ít tốn kém hơn với chuyện đầu tóc, tuy nhiên thái độ của họ trước vấn đề đang nóng bỏng trên đây cũng rõ ràng: không đồng tình. Trần Đức Trung (Học viện Ngân hàng): “Không thể bắt buộc người ta một cách phi lí như thế được. Đó là quyền tự do của mỗi người. Đã là sinh viên rồi thì có thể tư duy và hành động một cách có suy nghĩ. Không thể dùng những quy định trẻ con mà áp đặt được”. 

Không bức xúc như Trần Đức Trung, một sinh viên tên Dũng ở Học viên Bưu chính Viễn thông, điềm đạm hơn: “Theo tớ thì sinh viên cũng không nên nhuộm tóc quá loè loẹt vì còn đang đi học nhưng việc này cần trao đổi để đi đến thống nhất chứ không nên cấm bằng một mệnh lệnh hành chính. Vì đó là sở thích của mỗi người. Ai lại cấm đoán sở thích bao giờ, nếu sở thích đó chẳng ảnh hưởng đến ai?”.

“Là quy định thì phải thực hiện thôi”, một sinh viên xin giấu tên của Học viện Kỹ thuật Quân sự vừa cười, vừa nói với tôi như thế. Tuy nhiên, bạn trai có dáng vẻ hiền lành này cũng mạnh dạn bày tỏ chính kiến: “Theo em thì sinh viên có nhuộm tóc cũng không nên nhuộm xanh, đỏ… dễ gây phản cảm. Còn việc cấm thì cũng không nên đâu. Người trẻ vốn thích thời trang, thích làm đẹp, sao lại o ép chúng em như thế”. Chàng trai còn hóm hỉnh nói theo các cụ xưa: “Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép... tóc đen?”.

'Luận tội' tóc vàng, tóc nâu... ảnh 2
Ảnh: Hồng Vĩnh

“Tội nghiệp các em!”

Đó là lời cảm thán của một giảng viên trẻ, trường ĐH Văn hoá: “Đọc được tin này trên báo tôi thấy nội quy của trường ĐH Bách khoa TPHCM nhìn chung có nhiều điểm đúng đắn, thí dụ: trang phục lịch sự, gọn gàng, đầu tóc gọn gàng (không cạo trọc đầu như nhà sư)... nhưng riêng quy định không được nhuộm tóc (so với tóc thật của bản thân) thì lạ lùng và phi lý quá. Tội nghiệp các em!”. 

Tôi cũng có cuộc trao đổi ngắn với Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế Quốc dân: “Nội quy ấy không áp dụng ở trường tôi, nên xin phép cho tôi miễn bình luận. Nhưng theo quan điểm của riêng tôi, nhuộm tóc là sở thích cá nhân, không vi phạm thuần phong mỹ tục. Trên thực tế tôi thấy không phải sinh viên nào nhuộm tóc cũng là sinh viên không ngoan”.

Các bậc phụ huynh cũng “lăn tăn” không kém con em mình trước nội quy gây tranh cãi. Một phụ huynh phàn nàn:  “May là nội quy ấy không áp dụng ở trường con tôi đang học. Con tôi bị tóc bạc sớm, tôi thường xuyên cho nó tiền đi nhuộm tóc. Nếu bây giờ mà cấm cháu nhuộm tóc chắc cháu không dám đi học vì mặc cảm với bạn bè”.

“Chẳng có lý do gì để cấm sinh viên nhuộm tóc. Đó là xu thế thời đại rồi. Sinh viên Trung Quốc, Hàn Quốc... đều nhuộm tóc cả đấy thôi. Điều đó không ảnh hưởng đến nhân cách, đến văn hóa, tri thức của họ.

Điều đáng sợ không phải chuyện nhuộm tóc hay không nhuộm tóc mà là “nhuộm” tư tưởng, “nhuộm” phẩm chất... Nhà trường nên quan tâm đến khía cạnh đó hơn là vẻ ngoài của các em.” (Ông Mạnh Hùng, 52 tuổi, có con gái đang là sinh viên)

Chị Mai Hoa, công tác trong ngành ngân hàng, hiện đang có hai cô con gái lớn, cô chị đang là sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân, cô em đang là học sinh phổ thông, tâm sự: “Tôi không ngăn cản hai cháu nhuộm tóc, chỉ khuyên nên chọn màu tóc phù hợp, tôn được làn da, gương mặt, hợp với lứa tuổi học sinh, sinh viên. Bản tính con gái là thích làm đẹp, nhất là khi các cháu đến tuổi biết rung động, xao xuyến. Cấm sinh viên nhuộm tóc tưởng là chuyện đơn giản nhưng theo tôi, nó tác động không nhỏ đến tâm lý bạn trẻ”.

Anh Mạnh Hùng, 52 tuổi, Thanh Xuân Bắc (HN), có con gái đang là sinh viên, cho rằng: “Chẳng có lý do gì để cấm sinh viên  nhuộm tóc. Đó là xu thế thời đại rồi. Sinh viên Trung Quốc, Hàn Quốc... đều nhuộm tóc cả đấy thôi. Điều đó không ảnh hưởng đến nhân cách, đến văn hóa, tri thức của họ. Đáng sợ không phải chuyện nhuộm tóc hay không nhuộm tóc mà là “nhuộm” tư tưởng, “nhuộm” phẩm chất... Nhà trường nên quan tâm đến khía cạnh đó hơn là vẻ ngoài của các em”.

Chia tay các bậc phụ huynh, tôi dạo qua các hiệu làm đầu gần ký túc xá các trường đại học và nhận ra một điều: các sinh viên thích nhuộm tóc tìm được khá nhiều đồng minh...

Một chủ hiệu làm tóc trên đường Lương Thế Vinh, nơi có ký túc xá Mễ Trì, tập trung đông sinh viên của hai trường ĐH KHXH &NV và ĐH KHTN (ĐH Quốc gia HN), nói với tôi: “Những người trẻ bao giờ cũng có nhu cầu nhiều nhất về thời trang. Họ là khách hàng ruột của chúng tôi. Chúng tôi sống nhờ họ”.

Đang mải công việc, một thợ làm tóc gần ĐH Văn hoá không cần úp mở, thể hiện ngay thái độ gay gắt: “Cấm sinh viên không được nhuộm tóc ít nhiều kéo lùi bước tiến thời trang tóc. Suy cho cùng tôi thấy nhuộm tóc làm cho con người ta đẹp hơn, năng động hơn, chứ có làm xấu đi đâu mà sợ?”

'Luận tội' tóc vàng, tóc nâu... ảnh 3
Ảnh: Hồng Vĩnh

Thay lời kết

Đi qua tuổi thơ chẳng mấy người lại không nhớ câu chuyện cổ “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Một bà hoàng ngồi khâu bên cửa sổ, ao ước: “Giá mà ta sinh được một cô con gái có làn da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như gỗ mun”.

Vẻ đẹp của nàng Bạch Tuyết từng được bao thế hệ đưa ra làm chuẩn mực để cân, đong, đo, đếm nhan sắc phụ nữ. Nhưng cùng với dòng chảy thời gian, quan niệm về vẻ đẹp con người cũng thay đổi theo.

Bây giờ ai nói cái miệng cười hết cỡ của “người đàn bà đẹp” Jullia Robert kém hấp dẫn hơn miệng cười chúm chím hoa đào? Ai chứng minh được tóc đen như gỗ mun đẹp hơn “tóc nâu môi trầm”?...

“Đọc được tin này trên báo tôi thấy nội quy của trường ĐH Bách khoa TPHCM nhìn chung có nhiều điểm đúng đắn, thí dụ: trang phục lịch sự, gọn gàng, đầu tóc gọn gàng (không cạo trọc đầu như nhà sư)... nhưng riêng quy định không được nhuộm tóc (so với tóc thật của bản thân) thì lạ lùng và phi lý quá. Tội nghiệp các em!” (Một giảng viên ĐH Văn hóa Hà Nội).

Khi đã chấp nhận sự thay đổi quan niệm thẩm mỹ thì việc cấm nhuộm tóc sẽ là chuyện bất bình thường, nhất là trong thời hội nhập. 

Mỗi thế hệ đều có sở thích riêng. Các cụ xưa thích chít khăn mỏ quạ, thích ăn trầu, nhuộm răng đen... Thế hệ ngày nay thích răng trắng, nhai kẹo cao su, tóc hoe hoe màu...

Vấn đề là: Để có một không gian cởi mở, chân tình, dân chủ thì mỗi cá nhân đều phải tôn trọng sở thích, cá tính của người khác trong khuôn khổ pháp luật cho phép. 

Như tác giả bài viết “Có ai luận tội tóc vàng” từng thắc mắc: Nếu phê phán sinh viên nhuộm tóc vàng thì các bậc lớn tuổi nhuộm tóc bạc thành đen có đáng phê phán không?

Gần đây, nhiều độc giả giật mình khi phương tiện thông tin đại chúng đưa tin: một học sinh tự tử chỉ vì cô giáo can thiệp tới chuyện để tóc dài. Điều đó cho thấy giới trẻ hôm nay mang trong mình những suy nghĩ đầy bất ngờ với lớp người đi trước. Nếu không cố gắng gần gũi để hiểu họ, thật dễ đưa ra những “luận tội” sai lầm.  Ai dám chắc về lâu dài sẽ không có điều gì xảy ra nếu quy định cấm sinh viên không được nhuộm tóc từ một trường đại học lan sang các trường đại học khác?

MỚI - NÓNG