Luật Thanh niên: Khó mấy cũng phải đi đến đích

Luật Thanh niên: Khó mấy cũng phải đi đến đích
“Lần đầu tiên sau hơn 20 năm “thai nghén”, đây là cơ hội quý giá tạo hành lang pháp lý cho Luật Thanh niên được đưa vào cuộc sống”- Anh Đào Ngọc Dung vui mừng nói.
Luật Thanh niên: Khó mấy cũng phải đi đến đích ảnh 1

Sau 24 năm soạn thảo Luật Thanh niên (được Hội đồng Nhà nước đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật từ năm 1981) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chiều 15/4, trong phiên họp cuối cùng của Uỷ ban Thường vụ TW Đoàn lần thứ 11 tại Hà Nội, các ủy viên lại tiếp tục đóng góp ý kiến để Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục- Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thẩm định trong 2 ngày 21 và 22/4 trước khi Quyền Bí thư thứ nhất TW Đoàn Đào Ngọc Dung đọc tờ trình trước Quốc hội vào ngày 25/5 tới.

Câu, chữ: mạch lạc, Luật: rõ ràng, trôi chảy

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp- Trưởng ban Thanh niên Công nhân và Đô thị nêu ý kiến vì Luật TN có trích dẫn nhiều điều từ Hiến pháp 1992 (sửa đổi) nên ở những khoản, mục nào lấy từ đó thì nên mở ngoặc dẫn giải nguồn Hiến pháp, như vậy Luật càng có cơ sở vững chắc hơn.

Tại điều 2 của chương I, anh Hiệp cho rằng không nên liệt kê một loại tên các cơ quan tổ chức thuộc đối tượng áp dụng vì như thế vừa dài dòng lại không thể đầy đủ, nhiều nơi dễ bị bỏ lọt (có nhiều tổ chức, cơ quan mới thành lập hay không được kê khai trong đó).

Anh Hiệp đề nghị sửa lại thành: “Luật này được áp dụng với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính trên lãnh thổ Việt Nam” và đối tượng điều chỉnh là những cơ quan chứ không nên đưa thanh niên vào trong đó”. Tại khoản 1, điều 7: “Nghiêm cấm thanh niên và mọi cá nhân, tổ chức dụ dỗ, lôi kéo ép buộc thanh niên…” anh Hiệp cho rằng bỏ từ thanh niên vì đối tượng này đã nằm trong từ “mọi cá nhân” rồi.

Cùng chung với ý kiến của anh Hiệp, anh Dương Quốc Hưng-Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW Đoàn nhấn mạnh ở điều 7 bằng một câu mới: “Cấm mọi tổ chức, cá nhân” thay cho “Cấm thanh niên, mọi cá nhân, tổ chức…”. 2 anh cũng đề cập tới việc bỏ các chữ “nữ thanh niên” tại mục e (khoản 1, điều 7) và khoản 2 của điều 21 vì Luật đã khẳng định nam nữ công bằng và không phân biệt thì trong các vấn đề cũng không nên có sự ưu tiên dành riêng cho nữ...

Các ủy viên thường vụ đã dành nhiều thời gian để sửa từng câu, chữ. Chẳng hạn như theo thống nhất cách gọi tên cho nhóm đủ 16-18 tuổi (ở chương III) thì thay tất cả những từ “vị thành niên” bằng “đủ 16-18 tuổi” ở những điều, khoản trong Luật (chẳng hạn như tại khoản 2, điều 7 vẫn dùng từ “vị thành niên”); Tại khoản 4, điều 18: “Tạo điều kiện cho Đoàn TN…thực hiện quyền và trách nhiệm của mình” sửa thành: “Phải có trách nhiệm phối hợp với Đoàn TN…”. ở mục b, khoản 2 điều 13: “Thực hiện nếp sống văn minh” thay từ “vệ sinh, khoa học”…

Thay mặt Ban soạn thảo, ông Chu Xuân Việt- Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên đã tiếp thu ý kiến đóng góp để sớm hoàn thiện Luật theo hướng gọn lại, cụ thể và mới hơn. Tuy nhiên, ông Việt khẳng định rằng việc nên dành một điều ở chương I để giải thích từ ngữ như một số Luật khác (ý kiến của anh Nguyễn Hoàng Hiệp) là không cần thiết vì trong Luật Thanh niên không có từ ngữ mang tính chuyên ngành, khó hiểu.

Tăng quyền lợi, giảm trách nhiệm

Hầu hết các ý kiến tham luận đều cho rằng chương II: Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Thanh niên còn …ít quyền và nặng về nghĩa vụ và trách nhiệm. Anh Dương Quốc Hưng nêu lên thực tế, thanh niên rất nhiệt tình và hăng hái cống hiến tuy nhiên họ cũng phải được quan tâm, bồi dưỡng để trưởng thành.

Anh Hưng bức xúc nói: “Tại sao trong Luật lại không có điều, khoản nào nói đến cơ quan cấp Nhà nước chăm lo cho thanh niên? Cần phải có điều khoản về vấn đề này: quy định rõ ràng cho 1 tổ chức cụ thể làm công tác chăm lo cho thanh niên”. Bổ sung thêm ý kiến này, Bí thư Tỉnh Đoàn Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, phải có cơ quan Nhà nước thực thi, có thẩm quyền về công tác thanh niên thì mới tránh được sự lúng túng khi thực hiện Luật.

Trưởng ban soạn thảo Luật Thanh niên- Quyền Bí thư thứ nhất TW Đoàn Đào Ngọc Dung khẳng định: Thống nhất ở chương II sẽ bỏ phần trách nhiệm, do đó chỉ còn quyền và nghĩa vụ.

Theo đó sẽ tiếp tục đầu tư vào việc tăng thêm quyền cho thanh niên trên các lĩnh vực như học tập, việc làm, đời sống tinh thần. Các nhóm đối tượng đặc thù, có chính sách với thanh niên con liệt sĩ, con người nhập cư; Trang bị nhận thức, kỹ năng trong cuộc sống, tạo môi trường thân thiện; Bảo vệ tuổi vị thành niên…

Anh Đào Ngọc Dung cho biết, trong 2 ngày 18 và 19/4 Ban soạn thảo tiếp tục xin ý kiến của các Bí thư TW Đoàn qua các thời kỳ, lấy ý kiến sâu rộng trong thanh niên. Ngay sau đó, Dự thảo Luật Thanh niên sẽ được tung lên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hoàn thiện Luật trước khi được Đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.