Ma men giảng đường

Ma men giảng đường
1,2,3 dzô… 2,3 dzô…, âm thanh quen thuộc từ các quán nhậu sinh viên khi chiều về. Những ma men sinh viên say sưa “chén chú chén anh” bên ly rượu “vơi đi lại đầy”.

Đó là những bữa tiệc sinh nhật, những buổi liên hoan đơn sơ mang đậm chất sinh viên nhưng lại không thể thiếu bia rượu. Nhậu mọi lúc mọi nơi - buồn nhậu, vui nhậu nhưng lý do “đắt hàng” nhất là buồn.

Mà sinh viên thì buồn nhiều vô kể, buồn do phải thi lại, thất tình… buồn mà không hiểu vì sao. Đôi khi cũng chẳng cần lý do gì hết, hứng lên là tụ tập, và uống.

Tạt vào một quán cóc ven đường hoặc quán “bia cỏ”, anh em “lệ quyên” là có ngay một trận tới bến. Chén rượu vơi lại đầy cùng những lời chúc tụng, không khí luôn rôm rả.

Và khi “rượu đã mềm môi” thì chẳng ai còn nghĩ mình là sinh viên nữa, họ nói tất cả những gì muốn nói, vặn hết cỡ “volum” và có thể văng tất cả lời nói “kinh dị” nhất mà không ngại ngần một điều gì hết.

Đối với những bợm nhậu sinh viên, lúc nào cũng có thể có “free time”. Vì thế họ nhậu vô giờ giấc.

Tranh thủ vài tiết học trước khi điểm danh cũng đủ để làm 1 trận cháo lòng tiết canh, tan học lại càng thuận tiện hơn, các anh chàng sinh viên tha hồ lai rai cho tới khuya.

“Nam vô tửu như cờ vô phong” là lời bao biện của họ, đối với họ rượu là đồ uống thể hiện bản lĩnh đàn ông, là dung môi của những mối quan hệ… và cả là thú vui của cuộc đời. “Đàn ông mà không có rượu như cờ không có gió”, và rồi họ đã làm bạn với lưu linh tự bao giờ không biết.

Đằng sau giảng đường là những cuộc hẹn “ không say không về”, những sinh hoạt không lành mạnh mà hậu quả để lại không bao giờ được nghĩ tới.

…Tới những hệ lụy

Đối với sinh viên "đại gia" thì một bữa nhậu rất đơn giản. Nhưng với các anh chàng sáng sáng vẫn phải vác bụng trống rỗng đến giảng đường hoặc đôi khi phải ăn mì tôm cho qua bữa thì nhậu nhẹt quả là một vấn đề.

Để giải quyết khó khăn trên, các ma men chỉ còn cách "gọi điện thoại cho người thân" với lý do rất chính đáng như: tiền học thêm ngoại ngữ, vi tính, đóng khoản này khoản kia…

Bố mẹ ở nhà nào có biết thực hư ra sao, thấy con cần tiền là gửi lên, có khi còn phải vay nóng chỗ nọ chỗ kia rồi lại còng lưng trả dần vậy.

Nhậu nhẹt triền miên là nguyên nhân của những buổi điểm danh vắng mặt, những bài trình không qua, đôi khi phải lĩnh vài môn thi lại, thậm chí học lại không dưới một môn.

Hoàng (sinh viên HVBCTT) là một điển hình. Vì chia tay với bạn gái nên Hoàng sinh ra chán chường, thường xuyên nhậu nhẹt, bỏ bê học hành.

Chiều nào tan học Hoàng cũng cùng chiến hữu của mình làm một trận rồi mới về nhà, nhiều hôm về nhà lúc nửa đêm trong tình trạng say mèm. Cũng bởi “trình” uống rượu của mình mà Hoàng còn có biệt danh là “Kiều Phong ” ,“vô địch xoè”, “anh hùng thi lại”…

Chưa dừng lại ở đấy, đằng sau những trận nhậu tới bến đôi khi là tiếng gầm rú điên cuồng, những cuộc xô xát, ẩu đả sứt đầu mẻ trán, nghiêm trọng hơn có thể các sinh viên còn phải xa ghế nhà trường để bước chân vào vòng lao lý.

Đăng (sinh viên ĐHKTQD) vốn là một sinh viên ngoan, gia đình kỳ vọng rất nhiều vào tương lai của cậu. Nhưng chỉ sau một trận nhậu quá chén, bao nhiêu hy vọng đó đã thành mây khói.

Đăng đã đánh nhau với bạn cùng trường và bị đuổi học. Cái giá phải trả là quá đắt, và giá như Đăng biết được hậu quả thì đâu đến nỗi…

Theo Dân trí

MỚI - NÓNG