Má Năm của tụi trẻ hiphop

Má Năm- Kiều Phương cùng Đạt (thứ hai từ trái sang) và Tín (bìa phải)
Má Năm- Kiều Phương cùng Đạt (thứ hai từ trái sang) và Tín (bìa phải)
TP - Không ép học đại học mà khuyến khích hai con trai theo đuổi sở thích âm nhạc hiphop, rock, đồ họa graffiti. Nhiều bạn trẻ yêu hiphop gọi bà Nguyễn Kiều Phương bằng cái tên trìu mến “Má Năm” vì hành trình 10 năm bà đồng hành, ủng hộ, chia sẻ cùng con trai rapper Đạt Maniac và “500” bạn bè.

Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 năm 2017, Tạp chí điện tử Dunkare đã ra mắt phim ngắn “Má” nói về tình thương của má Năm với “tụi nhóc” hiphop. Mới đây vào Ngày của Mẹ 10/5 - vô tình trùng với ngày sinh nhật của bà Kiều Phương, trang fanpage Cổ Động (chuyên cổ vũ các nghệ sĩ và trào lưu âm nhạc mới) đã đưa lại phim “Má” với lời chúc mừng tình cảm nhất đến người phụ nữ truyền cảm hứng. “Không chỉ là Má của Đạt (Đạt Maniac) và Tín (Pick), Má Năm là người mẹ kính yêu của nhiều đứa con hiphop ở Sài Gòn. Má đã nấu những món ăn ngon ấm lòng, lắng nghe bao tâm tư lớn nhỏ của tụi trẻ, trò chuyện với phụ huynh khác để họ cởi mở hơn với các con mình, mở rộng cửa cho chúng được tự do tiếp xúc với nền văn hoá đường phố, từ đó chúng trở thành những đứa trẻ không thụ động.

Không uốn con kiểu bonsai

Bà Kiều Phương là con gái Sa Đéc. Sau khi học Đại học Kinh tế tại TPHCM bà kết hôn với ông Trần Văn Sơn là bộ đội phục viên. Hai vợ chồng có thời gian làm phát hành sách báo nên có cùng sở thích đọc sách. Họ có hai con trai là Trần Sơn Đạt (1992) và Trần Phương Tín (1996).

Bà Phương kể, hồi tụi trẻ còn bé, hai vợ chồng bà bị trái ngược trong cách dạy con. “Tôi không đánh con mà giải quyết tất cả vấn đề con đưa ra”. Ông Sơn nghiêm khắc hay đánh con. “Mỗi lần như vậy, anh nói rằng ngày xưa ông nội dạy anh như thế”. Có hôm bà hỏi chồng: “Vậy anh có thấy dễ chịu và học được nhiều điều ở cha khi cha dạy dỗ anh theo cách đó hay không?”. “Anh không thích và anh tránh gần gũi cha”. “Nếu như thế tại sao anh lại dùng cách giáo dục của cha mà đem dạy con?”. Dần dần ông Sơn đổi thái độ và cách dạy con. Về sau, ông trở thành thần tượng của bọn trẻ. Chúng hỏi cha bất cứ điều gì cũng được cha giải đáp hết. Một người bạn gia đình từng hài hước nhận xét: “Cha như quái nhân, hai thằng con như quái vật”. Hai cậu con trai tự hào về cha- kho kiến thức sống.

Ông bà vẫn giữ thói quen ngồi bên nhau trong quán cà phê ít nhất một lần trong ngày từ lúc mới quen đến khi tụi trẻ lớn. Tất cả những gì muốn nói hai vợ chồng sẽ nói tại quán, nhiều lần là tranh luận cách dạy con.

Chồng bà Phương mất đột ngột năm con trai lớn gần18 tuổi. Từ thời điểm này, bà Phương vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa làm bạn của các con.

Bà Phương không tạo cho con mặc cảm nghèo khó, nhưng bản thân làm việc chăm chỉ cần kiệm để cho chúng thấy. Bà từng kể trên trang cá nhân về giai đoạn khó khăn, đối diện với lứa tuổi teen nổi loạn của hai cậu con. “Tôi không bảo các con đi kiếm tiền, tôi làm ra tiền. Tôi đánh động lòng tự ái của thằng thanh niên trẻ khỏe nhìn mẹ già làm việc. Tôi không than vãn về tuổi già, tôi kể các con nghe về việc tôi thỉnh thoảng mất trí nhớ trong một giây (khi nghe xong nó ôm vai tôi như muốn khóc)”. Bà tự tay sửa tất cả những hư hỏng lặt vặt trong nhà, mua dụng cụ sửa chữa như một người thợ chuyên nghiệp: khoan điện, cưa, búa, kềm, đục, máy may, máy vắt sổ. Ngày tết bà tự sơn nhà. Và các con hiểu rằng: đó là công việc phải làm”.

Trong lời một bài rap của Đạt có đoạn “Ta đi ngang trường, ngang qua công an phường” là nhớ lại thời học trò nghịch ngợm lẫy lừng. Nhiều lần thầy hiệu phó gọi bà Phương đến gặp để mách tội. Cả lớp đang học thì cậu ấy vẽ hoặc hát. Dám vẽ graffiti chữ “Đạt” lên bức tường trường vừa mới sơn. Có lần thừa năng lượng đấm vỡ tủ kính đựng đồ chữa cháy của trường. Thầy hiệu phó hỏi phụ huynh: “Có phải ở nhà chị đánh nó dữ lắm phải không?”. Bà Phương ngỡ ngàng: “Không, có đánh bao giờ đâu”. Vậy mà khi phạm tội tày đình xong, Đạt nói với thầy “Công an phường ở kế bên, thầy đưa em qua đó chứ đừng đưa em về mẹ”. Đạt không sợ công an, chỉ sợ mẹ lo lắng.

“Tôi đã đóng cho mình một cái khuôn, khóa chặt người đàn bà của mình vào góc khuất. Tôi đau theo niềm đau của chúng, vui theo niềm vui của chúng. Cuộc sống này, giờ đây, không là của riêng tôi”.

“Người ta tạo bonsai để trưng bày vẻ đẹp của nó cùng lúc chứng tỏ tài nghệ của mình. Tôi chăm sóc con chỉ muốn nó phát triển tài năng của chính chúng nó. Tôi không thích bonsai, tôi không muốn các con có đời sống của những cây bonsai”.

Fan ruột của hiphop

Hồi xưa lần đầu tiên bà Phương nghe thể loại nhạc này qua loa đài của con trai bà thắc mắc “nhạc gì mà chửi bới um sùm vậy?”. Sau này thấy con hạnh phúc với rap bà ủng hộ. Bài rap đầu tiên của Đạt là “Ba mẹ và tôi”. Có lần Đạt được lên tạp chí MTV Việt Nam, mẹ vui quá đi các sạp báo mua cả chồng về để tặng và lưu giữ. Thấy hai con trai đều có sở thích âm nhạc và đồ họa, bà Phương không ép các con học đại học. Hai anh em  tự mày mò trên mạng học từ đồ họa vi tính, tiếng Anh đến kỹ năng chơi nhạc, làm nhạc… Đạt từng thử làm nhiều công việc kiếm sống nhưng đầu lúc nào cũng nghĩ đến rap, nhìn cái gì cũng đọc ra rap. Em trai Phương Tín thích chơi đàn uculele, hát rock nhưng đam mê chính là vẽ tranh trên lụa và đã bắt đầu có khách mua. Ngoài những buổi đi diễn thì hầu như hai chàng trai đều làm việc trong phòng riêng tại nhà. “Tôi quan niệm, nếu làm nghề đúng sở thích và năng khiếu thì con mình không phải làm việc mà được vui chơi mỗi ngày”. Nghệ danh Đạt Maniac được Đạt lý giải: “maniac” là “thằng nghiện”. Tôi nghiện rap. Tài năng của Đạt Maniac được chứng minh với danh hiệu quán quân chương trình Rhymes Fes 2012. Từ năm 2013, sau một clip rap đình đám, Đạt Maniac được gắn thêm biệt danh “Ma tốc độ” rap nhanh nhất VN”. “Rap với tốc độ “thần sầu”. Khả năng rap nhanh của Đạt chạm đỉnh ở tác phẩm "Côn đồ trên con đò", lập kỷ lục 176 từ trong 20 giây (từ 1:09 đến 1:29), trung bình 8,8 từ/giây.

Những câu rap đời thường tuôn trào từ những sự vật, sự việc mà chàng trai 9X hằng ngày mắt thấy tai nghe. “Vì những người được gọi là con đò nhưng không khác gì côn đồ. Còn những người bị gọi là côn đồ lại đang dẫn dắt một người khác... trên một con đò”. Hoặc một cảm nhận đơn giản “Anh muốn hôn em không có mùi kem đánh răng”… Những tràng câu từ tự do sảng khoái khiến hàng vạn người nghe thích thú. Má luôn là một trong rừng người hâm mộ của Đạt Maniac. Bạn bè yêu quí đặt cho Đạt tên “chú Ba” (theo một nhân vật phim hài), má Phương cũng gọi con trai là “chú Ba”. Bà kể, hồi đầu “chú Ba” mời má đi xem show, bà từ chối vì nghĩ chỗ đó toàn tụi nhóc, người già đến không phù hợp. Đạt nói với má “lúc con diễn, con nghĩ má nằm còng queo ở nhà một mình con rap cũng mất hứng”. Từ lần đó hầu như show diễn xa gần nào cũng có fan cuồng má Năm đứng trong biển khán giả. “Đứng và lắc lư theo nhạc chứ không ngồi đâu”. Trong năm 2019, má Năm từng tháp tùng Đạt Maniac (đại diện nhóm G Family) sang Malaysia tham gia Yo! MTV Raps.

Bà Phương khoe, mỗi lần cùng “chú Ba” ra Hà Nội, bà tranh thủ đi du lịch khám phá nhiều danh thắng gần thủ đô. Lịch cà phê hầu như kín mít vì cả ở Sài Gòn và Hà Nội, bà có “500 con”. Nhiều bạn trẻ tìm đến bà để tâm sự, xin lời khuyên trong khi họ ngại chia sẻ với bố mẹ ruột. “Họ không hẳn cần sự tư vấn, chỉ bảo mà họ cần một người thực sự lắng nghe họ”.

Má Năm của tụi trẻ hiphop ảnh 1 Chân dung Má Năm- Nguyễn Kiều Phương

“Tôi quan niệm, nếu làm nghề đúng sở thích và năng khiếu thì con mình không phải làm việc mà được vui chơi mỗi ngày”.   Bà Nguyễn Kiều Phương

“Không giữ tiền, sáng tạo bay bổng hơn”

Từ bé đến nay, rapper tầm quốc tế (28 tuổi) và em trai (24 tuổi) vẫn giữ một số thói quen như ăn cơm mẹ nấu, đưa tiền mẹ giữ. Cát-sê sẽ vào tài khoản cá nhân của mỗi người nhưng thẻ ATM mẹ cầm.  Ai cần nạp thẻ điện thoại hay đổ xăng thì xin mẹ. Cả hai đều ít nhu cầu tiêu tiền. Bà Phương tự nhận còn giữ một số nề nếp phụ nữ thời phong kiến “việc của đàn ông là kiếm tiền, không phải vào bếp”. Bà Phương nói trong tương lai bà sẽ giao việc quản lý tiền cho bạn gái/ người yêu của các con trai. “Nếu nghệ sĩ phải lo tính toán tiền nong, khả năng sáng tạo sẽ bị ảnh hưởng”. Hiện tại, ở tuổi 56, bà Kiều Phương đang làm việc kiểm hàng tại một hãng xe vận chuyển hành khách. Mỗi ngày bà làm việc 13 tiếng, mỗi tháng làm 15 ngày, 15 ngày còn lại bà dành để xem show có con trai diễn và đi du lịch. “Tôi thường rủ 6-7 người bạn thân mua vé ủng hộ tụi trẻ”.

MỚI - NÓNG