Mặt trái của blog

Mặt trái của blog
Kết quả một cuộc khảo sát gần đây do cho thấy, trong 5 đứa trẻ Mỹ độ tuổi 12 - 17 thì có 1 trẻ có blog riêng. Và ngày càng có nhiều học sinh "phơi" mình theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trên blog.
Mặt trái của blog ảnh 1
Một bức ảnh đầy vẻ "khêu gợi" trên một blog của sinh viên. Ảnh images.student

Tổng số trẻ có blog riêng đã lên đến con số khoảng 4 triệu, số trẻ đọc blog thì gấp đôi con số này.

Lứa tuổi ô mai đã quẳng đi những cuốn nhật ký viết tay luôn được giấu kín trong hộc bàn hay ngăn chứa bí mật như trước đây mà thay vào đó là phơi bày những cảm xúc của mình lên trang web.

Theo một nhà nghiên cứu của Pew Internet & American Life Project, blog không những thay thế thư điện tử vốn được sử dụng rất phổ biến trước đây để kết nối bạn bè mà nó còn đánh bại cả thói quen "nấu cháo" điện thoại của giới trẻ.

Muốn tìm một trang blog ư? Rất dễ! Lên mạng, tìm một trường học và nhấn ngẫu nhiên vào một số tên - đại loại như michizzle, PaPi chULO, Swimmer4Ever - là một thế giới không dành cho người lớn sẽ xuất hiện.

Bọn con gái thì bàn tán về mẫu người trong mộng và đăng tải những bức hình chụp đủ mọi tư thế cực kỳ khiêu khích của mình trên mạng.

Lũ trẻ kháo nhau về những bữa tiệc và rượu chè, giáo viên hay những đứa trẻ khác mà chúng ghét. Một số trẻ sử dụng blog để thảo luận bài vở trong lớp, ghi nhật ký hay chứa đựng những ý tưởng sáng tạo.

Tuy nhiên, khi trẻ đưa quá nhiều thông tin cá nhân thật của chúng lên mạng như tên, địa chỉ, trường học thì lại là chuyện khác. Chúng không nghĩ rằng những thông tin trên sẽ khiến chính bản thân hoặc những đứa trẻ khác rơi vào hiểm nguy như bị bắt nạt và bạo hành.

Mới đây, 3 học sinh tại trường trung học ở Chicago đã đăng tải những lời bình phẩm thô tục và sặc mùi xã hội đen đe dọa một giáo viên của mình trên trang blog cá nhân.

Một nữ sinh tại một trường trung học khác đã khiến mọi người giận dữ khi chuyển tải lên blog những câu lăng mạ chống lại các cuộc hôn nhân đồng giới và về người da đen.

Ban giám hiệu nhà trường đã có cách xử lý khác nhau với 2 trường hợp trên. Trong khi bảo vệ nữ sinh kia với lý do đây là quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân, họ lại kỷ luật 3 học sinh trên.

Những trường hợp trên đây không chỉ phản ánh ranh giới mù mờ về tự do ngôn luận trong trường học mà còn nói lên thách thức của các nhà giáo dục trong kỷ nguyên ảo này, đặc biệt với sự hiện diện ngày càng nhiều của blog.

Những mối lo ngại trên có nhiều cấp độ, từ nghiêm trọng liên quan đến sự an toàn của học sinh và tình trạng bắt nạt qua mạng đến những chuyện tầm phào vớ vẩn như hạn chế tối đa việc ngồi lê đôi mách qua mạng và bảo vệ học sinh khỏi các tình huống bẽ mặt.

Tuy nhiên, rất khó để vạch ra đúng ranh giới giữa tự do thể hiện quan điểm của mình với việc lạm dụng blog.

Theo Phi Yến
CSM/Thanh Niên

MỚI - NÓNG