'Mát xa' dừa lấy mật

Anh Phạm Ðình Ngãi trực tiếp lấy mật hoa dừa. ẢNH: HÒA HỘI
Anh Phạm Ðình Ngãi trực tiếp lấy mật hoa dừa. ẢNH: HÒA HỘI
TP - Chứng kiến người thân lao đao vì trồng dừa, vợ chồng anh Phạm Ðình Ngãi (30 tuổi, ở thị trấn Tiểu Cần, Tiểu Cần, Trà Vinh) quyết định bỏ việc trên phố, trở về quê hương khởi nghiệp với nghề “mát xa” dừa.

Trắng đêm nghĩ cách lấy mật dừa

Phạm Đình Ngãi là anh cả trong gia đình có 2 anh em, cha mẹ làm nghề nông ở vùng biên giới xã Tân Hộ Cơ (Tân Hồng, Đồng Tháp). Năm 2015, sau khi tốt nghiệp cao học trở thành thạc sỹ ngành Kỹ thuật điện công nghiệp (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM), Ngãi được tuyển về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Kỹ Thuật Cao Thắng. Sau đó, Ngãi chuyển sang làm việc cho Cty Kimmy's Chocolate, chuyên về sản phẩm Cacao tại Tiền Giang. Vợ Ngãi, sau khi trở thành thạc sỹ ngành Công nghệ chế biến (Trường ĐH Bách khoa TPHCM) về đầu quân cho một công ty chuyên về hương liệu ở TPHCM.

Ngãi sinh ra ở một xã gần biên giới Đồng Tháp nhưng lại nặng lòng với Trà Vinh, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm trên 30% dân số của tỉnh. Trà Vinh là địa phương có sản lượng dừa đứng thứ 2 cả nước (sau Bến Tre). Trái dừa ở Trà Vinh thường “lận đận”, giá thấp hơn, bởi phần lớn nhà máy chế biến dừa chủ yếu tập trung ở Bến Tre.

Đầu năm 2018, chứng kiến cảnh dừa rớt giá thê thảm, nông dân lao đao (điển hình như vườn dừa hơn 1 ha của bố vợ Ngãi với 1.200 trái, cả xe tải dừa bán chỉ 2 triệu đồng), vợ chồng Ngãi quyết định bỏ việc về Trà Vinh “khởi nghiệp”. Vợ Ngãi là người Khmer, quê ở Trà Vinh. “Hai vợ chồng tôi muốn mang sức trẻ, kiến thức của mình về phục vụ quê hương. Tụi tôi muốn làm điều gì đó giúp người dân nâng cao đời sống, đặc biệt là đồng bào Khmer”, anh Phạm Đình Ngãi chia sẻ.

“Khi ấy vợ chồng tôi bàn bạc, nghĩ ra cách gì đó để nâng giá trị cây dừa và giúp nông dân quê mình bớt khổ. Vận dụng khả năng tiếng Anh có được, cả hai tìm tòi, học hỏi về ngành dừa trên thế giới. Trong lần tìm kiếm thông tin trên mạng, thấy bài báo khoa học đăng ở Sri Lanka và Philippines có mô hình lấy mật từ hoa dừa, giống như trái thốt nốt ở vùng Bảy Núi (An Giang) và Đồng Tháp. Chúng tôi quyết định học hỏi để áp dụng ở Trà Vinh”, Ngãi nhớ lại.

Ngãi đã sang Thái Lan, nơi ngành dừa phát triển để học hỏi kinh nghiệm lấy mật dừa. Tuy nhiên, hiểu lý thuyết là một chuyện, thực tế là chuyện khác. “Trong 3 tháng đầu tiên chúng tôi liên tục thất bại do không nắm vững kỹ thuật, cũng như đặc tính của hoa dừa. Hằng ngày, trèo lên trèo xuống lấy mật hàng chục cây nhưng vẫn không ra giọt nào. Khi ấy nhiều người bảo tôi “khùng”, bởi trước giờ trồng dừa người ta lấy trái chứ ai lấy mật”, Ngãi kể.

Cả hai vợ chồng Ngãi nhiều đêm thức trắng nghĩ cách lấy mật dừa. Sau nhiều lần thử nghiệm, họ đã thành công khi dùng hai bàn tay “mát xa” hoa dừa, rồi lấy gỗ gõ đều vừa tay lên bông dừa để cho thông tuyến mạch bên trong hoa. “Nếu gõ mạnh quá bông sẽ hư, còn nhẹ quá thì không ra mật, còn gõ vừa mật sẽ ra. Gõ làm sao mình cảm nhận được sự yêu thương hoa. Mình yêu thương nó thì sẽ được yêu thương lại. Tỷ lệ mật lấy được phụ thuộc vào tay nghề “mát xa” của người thợ”, Ngãi chia sẻ.

Nâng giá trị cây dừa

Có được bí quyết lấy mật từ hoa dừa, vợ chồng Ngãi quyết định thành lập công ty với cái tên Sokfarm tại khóm 2, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh); xây dựng nhà máy với quy trình khép kín theo tiêu chuẩn với kinh phí đầu tư gần 1,3 tỷ đồng. Sản phẩm thu được đưa về nhà máy chế biến theo quy trình từ lọc thô, lọc tinh, cô đặc và cuối cùng đóng gói thành phẩm.

Mật hoa dừa có vị ngọt nhẹ và thanh, có thể dùng sản xuất các loại gia vị với chỉ số đường huyết thấp, khoáng cao, giúp cơ thể bổ sung năng lượng. Sản phẩm được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Trà Vinh và các cơ quan chức năng khác chứng nhận an toàn.

Hiện tại vợ chồng anh Ngãi xây dựng được vùng nguyên liệu 4 ha theo hướng hữu cơ, an toàn trong toàn bộ quá trình canh tác, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường. Công suất nhà máy đạt khoảng 2.000 chai 250 gram/tháng. Thời gian tới sẽ mở rộng sản xuất và tăng công suất nhà máy lên để phục vụ thị trường và hướng đến xuất khẩu. “Mặc dù sản phẩm còn mới, lạ với người tiêu dùng nhưng mấy tháng nay chưa có tồn kho. Tháng 10/2019, chúng tôi tiêu thụ trên 1.000 chai mật hoa dừa”, Ngãi tiết lộ.

Mới đây, một doanh nghiệp chuyên chế biến mật hoa dừa lớn ở Thái Lan đến Bến Tre tham dự lễ hội dừa. Sau khi thấy sản phẩm của vợ chồng anh Ngãi, doanh nghiệp đến tận nông trại của Sokfarm để tham quan, mong muốn hợp tác. “Sản phẩm xuất đi nước ngoài sẽ nâng tầm thương hiệu dừa Việt, đặc biệt là nâng giá trị cây dừa và đời sống người dân”, anh Ngãi kỳ vọng.

 Theo anh Ngãi, dư địa của ngành công nghiệp chế biến từ hoa dừa là rất lớn nên trong thời gian tới sẽ tập trung nghiên cứu cho ra nhiều dòng sản phẩm mới như sản xuất rượu vang mật hoa dừa, mứt hoa dừa, giấm dừa.

Khó khăn lớn nhất là thay đổi tư duy người trồng dừa

Anh Phạm Ðình Ngãi, chủ doanh nghiệp Sokfarm tính toán, một ngày có thể thu hoạch được 1 lít mật/hoa dừa, một hoa dừa thu hoạch được 25 ngày, với giá mua mật tươi 10.000 đồng/lít thì người dân thu được 250.000 đồng/hoa. Trung bình cây dừa 25 ngày sẽ ra 1 hoa, một cây sẽ cho ra 13 hoa/năm. Tính ra lợi nhuận từ mật hoa dừa cao gấp 3-5 lần so với bán trái (trung bình 1 cây dừa bán trái được khoảng 500.000 đồng). “Khó khăn lớn nhất là thay đổi tư duy của người dân từ trồng dừa lấy trái sang lấy mật. Tụi tôi đang thuê nguyên vườn dừa gần 1 ha của người dân với giá cao hơn 1,5 lần họ bán trái rồi cho công nhân đến thu và chỉ cho nông dân biết cách lấy mật. Khi thấy được hiệu quả, hy vọng họ thay đổi tư duy”, anh Ngãi nói.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).