Máu hiếm online

Máu hiếm online
TP - Những người tụ họp về đây còn thân thiết hơn cả anh em ruột thịt trong nhà. Họ không có nhiều điểm chung nhưng họ sẵn sàng truyền dòng máu hiếm hoi cho nhau khi cần thiết...

Bạn Đỗ Thị Hồng ở Thanh Oai (Hà Tây) - Thành viên của CLB những người có nhóm máu hiếm tại Việt Nam - nhớ lại: “Lúc mới nghe tin mình mang nhóm máu hiếm, tôi cảm thấy tự hào vì có lẽ cho rằng mình đặc biệt. Nhưng rồi bắt đầu thấy sợ khi biết những rủi ro có thể đe dọa tính mạng với dòng máu mình đang mang trong người”.

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư -giải thích: “Chúng ta có tất cả 4 nhóm máu khác nhau: Nhóm A, B, AB, O và yếu tố Rhesus (ký hiệu là Rh). Những ai không có yếu tố Rhesus thì gọi là Rh âm tính. Những người có cùng kháng nguyên Rh âm mới có thể truyền máu cho nhau trong trường hợp nguy cấp để giữ lấy sự sống. Tỷ lệ những người có cùng Rh âm là rất thấp, vì vậy nếu người mang Rh âm lâm vào tình trạng nguy cấp thì tính mạng sẽ bị đe dọa”.

Theo số liệu của Viện Huyết học, hiện nay ở Việt Nam, tỷ lệ người nhóm máu Rh âm chỉ chiếm khoảng 0,04%. Trong số 62.000 mẫu máu xét nghiệm tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư năm 2006, chỉ có hơn 10 mẫu máu xét nghiệm thuộc nhóm máu quý hiếm Rh âm. Những bệnh nhân cần đến nhóm máu Rh âm sẽ gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi cần tiếp máu.

Máu hiếm online ảnh 1 Việc phát hiện ra những người mang nhóm máu hiếm Rh âm rất quan trọng. Vì thế những người mang nhóm máu Rh âm nếu muốn xem trong gia đình, người thân có ai cũng mang nhóm máu này không thì có thể đến Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư để xét nghiệm. Viện sẽ có chế độ ưu tiên đặc biệt cho những thành viên câu lạc bộ, không thu phí xét nghiệm.Máu hiếm online ảnh 2
Chị Lý Thị Hảo - Nhân viên Khoa Vận động cho máu tình nguyện (Viện Huyết học)

Anh Vũ Hữu Hiếu ở Hưng Yên kể: “Tôi mang nhóm máu B Rh dương. Vợ tôi là người nước ngoài, mang nhóm máu O Rh âm. Khi sắp sinh cháu lần đầu tiên, gia đình tôi vô cùng lo lắng vì nếu có chuyện xấu cần máu gấp không biết tìm ở đâu ra. Hầu hết các bệnh viện phụ sản đều khuyên tôi đưa vợ ra nước ngoài sinh nở. Sau hàng tháng tìm kiếm tôi mới tìm được nhóm máu phù hợp cho ca phẫu thuật mổ sinh của vợ”.

Cũng ít ai biết rằng, người phụ nữ mang Rh âm sau khi sinh con đầu lòng 72 giờ phải tiêm ngay thuốc kháng thể antiRh(D) immunoglobulin để phòng cho lần sinh bé thứ hai được an toàn không bị tai biến, dị dạng.

Hành trình đi tìm mua thuốc antiRh(D) của chị Nguyễn Thu Hương ở Hà Nội là câu chuyện đầy cực nhọc. Chị Hương phải nhờ người đi công tác ở nước ngoài mua thuốc. Lần thứ nhất, do hiểu không rõ nên bạn chị đã mua nhầm thành... Vitamin D. Sau chị  phải nhờ anh bạn mua hộ ở bên Pháp.

Mua được đúng thuốc, nhưng lại bị thất lạc hành lý, lúc tìm thấy thì thuốc lại không sử dụng được nữa. Sau bao nỗ lực cố gắng chị Hương mới mua được thuốc và dám... sinh con đầu lòng.

Sau rất nhiều thời gian tìm kiếm tập hợp, đến cuối năm 2006, Viện Huyết học đã có được danh sách trên 50 người “đặc biệt” này...

Máu hiếm online ảnh 3
Website Diễn đàn CLB Những người có nhóm máu hiếm

Lên mạng tìm máu hiếm

Ngày 6/1/2007, CLB những người có nhóm máu hiếm chính thức được thành lập tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, với 19 thành viên ban đầu.

Anh Vũ Hữu Hiếu, người mất ăn mất ngủ cách đây 1 năm khi vợ mang máu hiếm sinh nở giờ đã trở thành Chủ nhiệm CLB. Anh Hiếu khẳng định:

“Những thành viên của CLB được hiểu nhiều hơn về nhóm máu của mình, được cung cấp thông tin về những người hiến máu Rh âm trên thế giới và ở Việt Nam, đồng thời được hỗ trợ, chia sẻ những kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống”.

“Nói đơn giản, các thành viên ở đây đã coi nhau như anh em trong gia đình. Liên lạc với nhau chặt chẽ. Nếu có ai gặp nguy cấp cần máu thì thành viên CLB sẽ ngay lập tức phân công để hiến truyền máu. Coi như đã đóng bảo hiểm tính mạng cho nhau vậy”.

Ngày 26/2/2007, hai thành viên trong CLB đã hiến 2 đơn vị máu (tương đương 500 cc) tình nguyện để dự trữ cho ca phẫu thuật mổ sinh của bệnh nhân Ginger Davis tại bệnh viện C.

Giữa tháng Ba, ba thành viên Hùng, Thúy, Đức cũng hiến 4 đơn vị máu cho một bệnh nhân bị tai nạn cần phẫu thuật tại Đà Nẵng.

Điều ý nghĩa nhất mà các thành viên luôn tự hào là diễn đàn CLB Những người có nhóm máu hiếm tại Việt Nam (www.vnrnc.com) được thành lập. Thành viên máu hiếm thường xuyên online để kết nối, liên lạc, chia sẻ với nhau. Những người mới có thể truy cập, đăng ký tham gia câu lạc bộ một cách dễ dàng để thực hiện ước mơ kết nối máu hiếm Việt Nam, bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng. Buổi offline ngày 1/7/2007 của CLB đã một lần nữa khẳng định quyết tâm gắn kết này.

VŨ DUY MẠNH

TÔI ĐƯỢC BIẾT MÌNH ĐANG MANG TRONG MÌNH NHÓM MÁU HIẾM. VÌ ĐIỀU NÀY CÓ THỂ GIÚP ĐỠ ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI CŨNG CÓ NHÓM MÁU HIẾM NHƯ MÌNH NÊN HÔM NAY TÔI VIẾT TỚI TOÀ SOẠN MONG ĐƯỢC GIÚP ĐỠ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG MAY GẶP NHỮNG RỦI RO VÀ GIÚP ĐỠ HỌ QUA KHỎI NHỮNG KHÓ KHĂN ĐÓ TÔI XIN CẢM ƠN. NẾU ĐƯỢC THAM GIA CÂU LẠC BỘ TÔI SẼ CỐ GẮNG GIÚP ĐỠ. HÃY LIÊN HỆ VỚI TÔI THEO SỐ MÁY 0984228909

Viện Huyết học cũng dự định sẽ cấp cho mỗi thành viên của CLB một tấm thẻ, trên đó ghi rõ nhóm máu. Tấm thẻ này quan trọng như chứng minh thư để những thành viên của câu lạc bộ mang theo bên mình thường xuyên.

Đề phòng trường hợp nguy cấp cần truyền máu, các bác sĩ khi nhìn thấy tấm thẻ này cần biết cách cấp cứu phù hợp, tránh truyền nhầm máu.

Điều mà các thành viên trong câu lạc bộ mỗi khi online hay offline đều ghi nhớ là tôn chỉ “khi cộng đồng cần thì ta có và khi ta cần thì cộng đồng đó luôn ở bên ta” như một niềm tin tín thác. 

MỚI - NÓNG