Mê đồ đồng nát và sợ nói

Mê đồ đồng nát và sợ nói
TP - Họa sỹ Phạm Tuấn Tú vừa về nhất Cuộc thi Tài năng trẻ trong lĩnh vực hội họa năm 2010 (do Quĩ Phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch - Việt Nam tổ chức) sau màn bình chọn của khán giả khá gay cấn. Anh là ai?
Mê đồ đồng nát và sợ nói ảnh 1

Dù có nhiều cách nghĩ khác nhau xung quanh cách chấm giải, nhưng như ý kiến nhiều người trong giới, 8 họa sĩ lọt vào vòng chung kết đều là những người xuất sắc trong thế hệ của họ. Phạm Tuấn Tú đã vượt qua 165 họa sĩ với gần 700 tác phẩm tham gia cuộc thi để giành giải nhất trị giá 3.700 USD.

Loạt tranh đoạt giải của Phạm Tuấn Tú vẽ về những người mập mờ giới tính. Những bức tranh của anh gai góc từ cái tên “Gay”, “Ô môi” trong đó các nhân vật có sự pha trộn kỳ lạ giữa các biểu hiện nam và nữ.

Mê nhặt nhạnh

Tú nói rất chậm, và lắp. Ngay cả khi gọi cho người khác, hầu như bao giờ cũng bằng câu: “Cái gì nhỉ? À…”, cứ như phải nhớ ra, phải nghĩ thêm rồi mới đi vào đề được. “Nói chuyện với thằng này tốn thời gian và tốn tiền điện thoại cực” – đã có một tổng kết như thế về Tú.

Nhưng bù lại, Tú rất hóm, và dường như là thâm. Trong những câu chuyện phiếm, những chuyện đùa giữa chúng bạn họa sỹ, anh hầu như chỉ ngồi cười. Để rồi thỉnh thoảng lại chêm vào một câu, kiểu như: “Phương thì lúc nào chẳng chân thật, nhất là khi mới gặp một cô!”.

Ấy là trêu họa sĩ Nguyễn Hồng Phương, mới gặp cô gái nào anh cũng hiền lành, chân chất, thậm chí nói được một câu thì mặt đỏ dừ, đối lập hẳn với những hình xăm trổ bặm trợn đầy người.

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng.

Hình như chẳng cái gì qua mắt được Tú. Cái gì cũng được lưu lại, để một ngày nào đó bật ra. Trong một cái vỏ rủ rỉ rù rì, lúc nào cũng như nén sẵn một nụ cười. Kiểu như câu châm ngôn anh ưa thích là “Phụ nữ là trên hết, càng nhiều càng tốt, càng tốt thì lại càng nhiều”.

Phạm Tuấn Tú, Sinh năm 1981, Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp HN năm 2004, chuyên ngành sơn mài. Thành viên CLB Họa sỹ trẻ Hà Nội - Hội MTVN 

Thích câu ấy thế thôi, chứ Tú rất yêu vợ. Và sợ vợ. Dù vợ Tú rất hiền, ít nói. Được cái cùng học Mỹ thuật Công nghiệp nên hiểu chồng, ông muốn làm cái gì cũng được, vẽ vời, sắp đặt, miễn là ông chăm về ăn cơm nhà, tối đừng có đi chơi muộn. Tú cũng ngoan, đi uống rượu vui mấy thì vui, đến lúc vui nhất bao giờ cũng đứng dậy, nói: Nhà mình là lành nhất! Rồi về.

Tú tự nhận ham mê của mình là đồ đồng nát.

Anh thu nhặt về hàng đống quạt, đồng hồ, và hàng trăm thứ bà rằn khác. Hầu hết là cũ hỏng, và dù là cũ hỏng thì với anh vẫn là của quý, đủ sức khiến anh mê mẩn lau vuốt ngắm nghía, tiếp theo là hì hụi sửa chữa.

Tôi vẫn nhớ lần nhờ Tú đi bê giúp một cánh cửa và bệ xí để tôi làm tác phẩm sắp đặt (triển lãm nhóm mang tên Resrart, tôi làm tác phẩm “Wc.doc”, Tú làm tác phẩm “Thay đổi”). May mắn, tôi tăm được một chỗ người quen mới sửa nhà, dĩ nhiên là sửa cả nhà vệ sinh, nhưng vẫn giữ lại cửa và cả bệ xí, chất lên trên căn gác.

Chuyện là, vào nhà người quen của tôi, thấy trên căn gác, bác lưu giữ rất nhiều hộp số quạt máy, quạt trần, thảy đều cũ rỉ, Tú sà ngay vào, sờ mó mê mẩn khiến con bác ngạc nhiên vì tưởng chỉ có bố mình già rồi thì mới lưu trữ, tiếc xót, chẳng vứt đi cái gì, sao ông này trẻ măng cũng lại lẩn thẩn thế.

Xem chán, rồi Tú hỏi: Bác có bán không? Nghe qua, như là hỏi đểu. Sau này, bác già biết Tú là họa sỹ, ham mê chơi đồ cũ, ông bảo: “Không bán. Với anh, chỉ cần đến mời tôi đi uống cà phê, nói chuyện là tôi cho”. Cũng là một mối duyên.

Quạt cũ chất đầy nhà Tú
Quạt cũ chất đầy nhà Tú.

Có lần Tú cho tôi xem một loạt những bản khuôn dập mác xe đạp thời năm 60, toàn những mác xe Thái Bình, xe Thống Nhất cũ. Tú nói đó là đồ của ông ngoại. Những chiếc khuôn mác bằng gỗ quý, đen bóng theo thời gian.

Không chỉ thu nhặt, Tú còn vẽ những vật mình thích, có thời gian chỉ vẽ quạt con cóc. Rồi anh tỷ mẩn ngồi vẽ những đồng tiền, những chứng minh thư cũ. Tất nhiên là anh nghịch ngợm chế thêm ra. Kiểu như trên đồng tiền ghi “Ngân hàng không có thật” phần mệnh giá thì ghi “Không trăm nghìn” hoặc “Không triệu đồng” (Không phải là “Không đồng” đâu nhé. Đây cũng là cái hóm theo kiểu của Tú). Con số sê-ri, thì là số điện thoại của chính anh.

Trên tờ giấy chứng minh thư, anh ghi nó là “Giấy xác nhận bản thân”. Phần hình người, anh vẽ chính mình hoặc hình người thân vào. Trò này hơi giống việc chế tiền địa phủ.

Nói đến địa phủ, đây cũng là một chủ đề anh say mê. Có thời kỳ anh mê mẩn vẽ cảnh dưới Diêm vương và Tú thật lòng tin rằng chuyện đầu thai là có thật. Mà sao lại không tin nhỉ? Tôi thấy, ít nhất là trong trường hợp Tú, niềm tin này khiến anh sống tốt hơn. Gần đây anh ham mê vẽ những cảnh cũ như cửa ô, rồi cảnh phú hộ nhà giàu xưa, nhưng người thì toàn người mới. Mặt mũi ánh lên những dục vọng đương thời. Một trong các bức vẽ này vừa được chọn vào vòng chung khảo Triển lãm Mỹ thuật năm nay.

Nhưng ghê nhất là loạt tranh Tú vẽ, sắp đặt chung vào có tên là “Chiều tưởng nhớ”. Toàn một gam màu đen trắng, có bức vẽ chân dung tôi lại còn đảo âm dương trông rõ là ma quái. Từ tông tranh đến khung nền, rồi lại sắp đặt dải băng và hoa hoét xung quanh, trông rõ là một đám tranh… thờ!

Nhưng đám tranh thờ này nhìn kỹ khá là vui. Như có hình vẽ một mặt người hơn hớn nhưng lại ở cạnh một cột cây số ghi: Âm phủ 0km. Có những ý kiến rằng: tranh vẽ gì mà ghê quá, sao người còn sống mà vẽ như đã chết. Còn tác giả của “Chiều tưởng nhớ” thì chỉ nói ngắn gọn: Chết không có gì là đáng sợ cả. Sợ nhất là chết trong tâm hồn, chết trong đam mê. Như thế thì sống cũng như là chết rồi.

Ở đời (1,5x2m) - tranh Phạm Tuấn Tú
Ở đời (1,5x2m) - tranh Phạm Tuấn Tú.

Cái thú sưu tầm đồ cũ ấy thế mà rất được việc. Hồi tôi, Lê Nguyên Mạnh, Nguyễn Hồng Phương làm tác phẩm “Đồng Cu”, không có Tú thì kiếm đâu ra những đồ phục vụ cho màn hầu đồng đương đại ấy.

Súng nước thì tôi còn lọ mọ đi ra công viên tìm, khó nhưng vẫn mua được (hồi ấy đang cấm bán súng nước), phướn thì Lê Nguyên Mạnh ngồi tự chế ra, nhưng kiếm bằng đồng cho cô múa, rồi hoa tai, quạt lông không có Tú mang đến thì màn trình diễn nhạt hẳn. Thậm chí mấy cái bình hoa đồng cũng là Tú mang đến.

Người xem khoái cảnh mấy anh nghệ sĩ hầu đồng rồi hứng lên dancing, đọc thơ ca ứng tác lếu láo, bắn cả súng nước vào khán giả, mấy ai biết để có một khung cảnh kim cổ giao duyên như thế, Tú phải chạy đôn chạy đáo kiếm tìm. Cứ lẳng lặng làm, không bàn nhiều, anh em trình diễn xong, Tú lại lẳng lặng đi thu nhặt lại đồ và chở đi.

Sợ nói

Cho đến giờ tôi vẫn chưa minh định được, với một họa sĩ nói riêng và một nghệ sĩ nói chung, khả năng ăn nói có lợi hay có hại? Đành rằng, nghệ sĩ cũng phải biết thuyết minh, diễn giải ý tưởng và công việc của mình. Nhưng có người nói hay quá, việc làm thì chỉ có một dúm, nhưng nói ra thì như rồng bay như phượng múa, khán giả chỉ biết há hốc mồm ra nghe.

Tú thì thuộc loại thứ nhất, nghĩa là chỉ biết nghĩ, biết làm nhưng không biết nói. Thậm chí sợ nói. Nghĩ đến phải nói đã thấy sợ. Có lần làm triển lãm, truyền hình đến phỏng vấn. Tú vội chạy ra nói nhỏ với cô nhà đài: “Em không biết nói gì đâu, thôi chị đừng hỏi em” - thái độ như xin xỏ điều gì quan trọng lắm.

Cô nhà đài hình như chưa gặp người nào như thế, bởi thói thường ai chả thích lên ti vi, có người còn vận động, làm đủ cách để được lên hình dù chỉ một vài giây ấy chứ. Thế nên cô thuyết phục: “Thì cứ nói. Có gì thì nói nấy mà”. Tưởng là dễ, nhưng sau khi Tú nói, cô đành lắc đầu: “Đúng là nói thế thì khó hiểu thật!”. Tội.

Có lần làm triển lãm, truyền hình đến phỏng vấn, Tú vội chạy ra nói nhỏ với cô nhà đài: “Em không biết nói gì đâu, thôi chị đừng hỏi em” - thái độ như xin xỏ điều gì quan trọng lắm.

Thế cho nên, nhiều khi tôi và một vài anh em phải nói hộ Tú. Dù biết là việc ấy rất vô duyên. Nhưng chơi với nhau, làm triển lãm nghệ thuật đương đại cùng nhau, tôi biết Tú rất nhiều suy nghĩ và ý tưởng.

Như một tác phẩm sắp đặt, có tên là “Tự do âm”, Tú dùng 5-7 cái đầu phát, mỗi cái phát ra một loại giai điệu, cái thì nhạc vàng nỉ non, cái lại nhạc đỏ hùng tráng, cái Richard Clayderman thánh thót, cái cải lương. Loa thùng cái to cái nhỏ, được nhét hết vào bao tải, treo lủng lẳng lên xà nhà.

Ở giữa đống hổ lốn, mà toàn là đồ cũ ấy, một bức tranh vẽ một anh chàng đầy phấn khởi và tự hào, đang hát hoặc nói qua loa nón. Nhìn tổng thể, rồi nghe tiếng nhạc cứ thay đổi liên tục, xanh vàng đỏ, rồi du dương lẫn chan chát. Thấy rõ một không khí của ngày hôm nay.

Mặt nạ - tượng của Phạm Tuấn Tú
Mặt nạ của phụ nữ- tượng của Phạm Tuấn Tú .

Hoặc tác phẩm sắp đặt “Thay đổi” (tháng 10-2010), Tú kỳ công treo hai con ma-nơ-canh lên, kỳ công chằng néo các loại dây rợ, trông rất ấn tượng, cái sắp đặt này mang tên “Chim khôn đã phải cầm lồng”.

Thế cũng đã là ổn với nhiều người. Nhưng trước khi triển lãm khai mạc, anh tháo hết ra, chỉ chụp lại hai bức ảnh, và treo những ảnh ấy tại vị trí cũ. Tôi thì hiểu ý Tú muốn mô tả nỗi khổ sở của kiếp người, sinh ra, chịu mọi ràng buộc, mọi đắng cay, rồi cũng chỉ để lại một bóng hình, một “di ảnh” (chữ của Tú).

Nhưng rồi, người xem triển lãm chẳng mấy ai để ý đến những cái ấy, cứ thắc mắc là tại sao gỡ, ảnh thì làm sao đẹp bằng sắp đặt 3D. Ngay trong giới cũng chẳng mấy người hiểu. Buồn thế. Tú thì chẳng biết nói thế nào trước sự thờ ơ, trước cái sự xem triển lãm chỉ ngó ngó rồi đi qua ấy.

Mà nếu Tú có nói được và nói hết ra, liệu có thay đổi được gì? Thôi thì đã mang thân phận là người vẽ, người tạo ra thứ để người ta xem, thì cứ để họ xem. Họ nghĩ sao là quyền của họ. Tú cũng như nhiều nghệ sỹ, cứ lẳng lặng với đam mê của mình, bỗng nhiên lóe sáng với một cái giải thưởng, nhưng cũng mong manh lắm. Phạm Tuấn Tú nói: “Được giải thưởng, tôi cũng vui. Nhưng biết nó cũng chẳng là gì quá ghê gớm trong bước đường của mình”.

Bước đường ấy như thế nào? Ngay cả Tú cũng không biết trước. Hết vài ngày ồn ào, phỏng vấn báo chí, lại là những ngày lặng lẽ vẽ, thỉnh thoảng triển lãm, thỉnh thoảng làm tác phẩm sắp đặt, rảnh rỗi thì đi sưu tầm đồ đồng nát. Đấy là Tú - người đoạt giải Tài năng trẻ Hội họa năm nay.

Lê Anh Hoài
leanhhoai@gmail.com

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.