Mệnh lệnh từ trái tim người lính

Mệnh lệnh từ trái tim người lính
TP - Quyết tâm cứu vớt đến người dân cuối cùng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã khẳng định trong một cuộc họp khẩn mới đây: “Cứu dân là mệnh lệnh cao nhất, là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong lúc này”.
Mệnh lệnh từ trái tim người lính ảnh 1
Đón những nạn nhân trở về. Ảnh: TTXVN

Ngay những ngày đầu khi bão Chanchu vào gần biển miền Trung, các đơn vị quân đội tuyến biển đã huy động hơn 3.000 người lính, gần 200 tàu xuồng, ôtô, thiết bị sẵn sàng chống bão và tìm kiếm cứu nạn. Con số lực lượng này đã tăng nhiều lần ngay sau đó để đối phó với sự phức tạp và khốc liệt của cơn bão.

Các lãnh đạo như Thiếu tướng Trần Hoa, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, đã trực tiếp đến Đà Nẵng, Quảng Nam chỉ đạo các lực lượng Biên phòng, Hải quân và Cảnh sát biển triển khai tìm kiếm, cứu nạn.

Các bệnh viện QK5 đã thực sự phản ứng nhanh, hiệu quả cấp cứu các ngư dân với đầy đủ trang thiết bị cần thiết... Đặc biệt, các trạm y tế đã gắng làm tốt việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân và phòng chống dịch bệnh sau thảm họa.

Ngoài việc triển khai lực lượng phối hợp với địa phương khẩn trương có biện pháp tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng còn đề nghị sự giúp đỡ của quân đội các nước trong khu vực cho việc cứu hộ.

Tất cả các đơn vị trong toàn quân cũng đã tổ chức nhiều đợt quyên góp hỗ trợ các nạn nhân. (Toàn quân đã quyên góp được hàng tỷ đồng, riêng Bộ đội Biên phòng là 1,3 tỷ đồng).

Đúng 13 giờ 20 ngày 29/5, tàu HQ628 tiếp tục khởi hành rời cảng Tiên Sa lao ra khơi tìm kiếm những nạn nhân của bão Chanchu, đến vùng biển cách Hồng Kông 180-200 hải lý làm nhiệm vụ cứu hộ.

Mệnh lệnh cứu dân từ trái tim người lính khiến không khí lúc này trên từng con tàu và tại Sở chỉ huy Quân chủng hết sức căng thẳng nhưng đầy quyết tâm.

Quân chủng tập trung mọi phương tiện nắm bắt những tín hiệu yếu ớt của những tàu cá ngoài khơi. Mỗi người lính một việc, một đầu mối để nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo công tác cứu hộ.

Tàu HQ629 từ Đà Nẵng, tàu Trường Sa 20 và tàu HQ631 từ quần đảo Trường Sa cũng xuất phát, chạy hết tốc lực về phía biển nam Hồng Kông trải dài, trên 500 hải lý tìm kiếm, cứu hộ những ngư dân còn lại.

Trước đó, tàu HQ628 đã cùng tàu đồng đội phát hiện, tiếp cận và cứu hộ kịp thời ba tàu cá của ngư dân Đà Nẵng. Tàu ĐNA90189 có 27 thuyền viên, dù bị tơi tả trong bão dữ nhưng cũng xả thân, cứu được 8 ngư dân và vớt 8 thi thể ngư dân tàu bạn.

Mệnh lệnh từ trái tim người lính ảnh 2
HQ 628 tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ cứu nạn. Ảnh: QĐND

28 thuyền viên tàu ĐNA90099 cứu kịp 5 người, vớt 3 thi thể nạn nhân; 32 thuyền viên tàu ĐNA90345 cũng cố sức giúp bạn, vớt được 6 người (4 người sau đó đã chết vì kiệt sức).

Hầu hết nạn nhân đã được cấp cứu kịp thời, được san sẻ quần áo, ăn uống đầy đủ nên không còn nguy hiểm đến tính mạng và chuyển lên ba tàu hải quân khác và đưa sang hai tàu cứu hộ SAR.

HQ628 lại băng mình qua sóng dữ đi cứu hai tàu cá ĐNA90062 và ĐNA90127 đang trôi dạt đâu đó trong tình trạng hết nhiên liệu và lương thực, nước uống.

Sau khi chở nạn nhân và kéo tàu cá bị nạn về tuyến sau, tàu HQ629 tiếp tục hành quân cứu nạn các tàu cá khác. Hai tàu Trường Sa 20 và HQ631 tiến về phía bắc, cách quần đảo Hoàng Sa 50-60 hải lý, chờ đón 6 tàu Quảng Ngãi đã được tàu Trung Quốc cứu hộ.

Sở chỉ huy Quân chủng Hải quân vẫn liên tục đôn đốc theo dõi mọi diễn biến. Vầng trán đang nhíu lại đầy căng thẳng của đại tá Phạm Văn Hoành -Phó Tham mưu trưởng bỗng thoáng giãn ra nhẹ hơn.

Ông thông báo: “Có tin mới, điện ngay về Bộ. Tàu HQ628 đã tiếp cận tàu cá ĐNA90127. Thông tin cho biết, trên tàu ĐNA90127 có 58 người sống và một tử thi”.

Thời gian lại trôi đi chậm chạp trong nỗi lo âu ở Sở chỉ huy. Lâu sau lại có tin: “Đã đưa hơn 30 người lên tàu HQ8628”…

24 tàu lớn khác của Quân chủng ở Đà Nẵng, Nha Trang lại chuẩn bị chờ lệnh xuất phát. Tại Sở chỉ huy, lãnh đạo Quân chủng Hải quân vẫn sát sao từng phút theo dõi, chỉ đạo cứu hộ. Phía biển xa, sau ngày Chanchu tàn phá đã 10 ngày, vẫn còn hơn 200 người dân chài nghèo mất tích…

Riêng năm 2005, Quân đội đã huy động hơn 20 vạn lượt cán bộ, chiến sỹ và hàng ngàn phương tiện, thiết bị như máy bay, ôtô, cầu phà, nhà bạt, áo phao… để phục vụ phòng chống bão lụt, phòng chống cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn.

Tại những nơi vùng sâu xa nhất, bất cứ nơi nào cũng có những người lính sẵn sàng xả thân phòng chống thảm họa và giúp đỡ nhân dân khi thảm họa xảy ra.

Tính riêng từng Quân khu, trung bình mỗi năm, người lính đã đóng góp khoảng 100.000 ngày công, động viên đóng góp số lượng lớn vật chất và dùng hàng trăm loại phương tiện máy móc giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Đây được coi là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chiến đấu quan trọng nhất của quân đội ta trong thời bình.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.