Hoa hậu Việt Nam 2004 Nguyễn Thị Huyền, thành viên ban giám khảo cuộc thi:

Miss GENETIC: Góc nhìn mới về nữ sinh khối Kỹ thuật

Miss GENETIC: Góc nhìn mới về nữ sinh khối Kỹ thuật
(TPO) Bạn nghĩ rằng nữ sinh khối kỹ thuật là "cá sấu" và "củi khô"? Nhưng khi bạn đã xem Miss GENETIC, góc nhìn của bạn có thể sẽ... đảo ngược.
Miss GENETIC: Góc nhìn mới về nữ sinh khối Kỹ thuật ảnh 1
Những người đọat giải chụp hình với Ban Giám khảo

Hơn 2 tháng trước khi diễn ra đêm chung kết, cả khoa GENETIC (Chương trình hợp tác đào tạo Tin học giữa ĐH Bách khoa Hà Nội và  ĐH Singapore) đã sôi động với thông tin Miss GENETIC (cuộc thi Người đẹp khoa GENETIC) sẽ được tổ chức vào tháng 3.

Từ các chi đoàn, những gương mặt khả ái đã phải vượt qua vòng sơ loại với ban giám khảo là các cặp mắt… nam sinh. Hoàng Nam - SV trong khoa - cho biết: “Từ hồi khoa phát động cuộc thi, vào lớp trông đã mát mắt, các nàng mặc đẹp hơn, chải chuốt hơn. Mấy thằng trong lớp suốt ngày bàn tán xem em nào xinh nhất để đại diện đi thi”.

Vòng sơ khảo I tổ chức ngày 6/3, từ 58 thí sinh lấy 22, ngày 7/3 thêm 11 người nữa ngậm ngùi nhìn bạn mình lên ánh đèn sân khấu trong vòng thi sơ khảo II. Đêm  20/3, 11 “nữ hoàng” từ vương quốc mang tên GENETIC bước lên sàn diễn trong không khí cuồng nhiệt của hội trường hơn 1000 ghế. Hàng trăm sinh viên đến từ các trường khác, và cả sinh viên Bách khoa đến muộn đã phải đứng ngoài do cửa do Hội trường đã hết chỗ ngồi lẫn chỗ đứng. Khó khăn lắm nhóm phóng viên mới len chân vào được bên trong hội trường nhờ tấm vé mời của Ban tổ chức.

Miss GENETIC: Góc nhìn mới về nữ sinh khối Kỹ thuật ảnh 2
Trần Thanh Huyền - Hoa hậu cuộc thi Miss GENETIC

Với ba vòng thi: Trang phục tự chọn, hiểu biết và ứng xử, các thí sinh bước lên sân khấu với một phong cách cực kỳ chuyên nghiệp. “Để có được dáng đi đó, các bạn ấy đã phải tập rã chân cả tháng trời nay rồi đó” - Một tình nguyện viên đeo thẻ Hỗ trợ Miss lên tiếng.

Sau phần thi trang phục tự chọn đầy màu sắc, phần thi hiểu biết… có một không hai, mà SV xem hôm đó phải công nhận là… độc đáo nhất Việt Nam bắt đầu. “Bạn biết gì về Exell? Người đồng sáng lập Microft với Bill Gates là ai? Macintosh là dòng máy tính của hãng nào; Điền tiếp vào dãy 3,6,18,72,360 …; 3 giờ 40 phút tiếng Anh đọc như thế nào? Quốc kỳ của 10 nước Đông Nam Á có điểm gì chung? Nơi nào được gọi là nóc nhà của thế giới?…". Hàng chục câu hỏi học búa liên tục hiện ra trên màn hình máy chiếu, các cô gái sau phần thi sắc đẹp đã ngay lập tức trở thành những nhà thông thái, từ máy tính, ngoại ngữ đến địa lý, lịch sử, logic…

Dưới hội trường không khí nóng hơn bao giờ hết, mỗi khi hoa hậu lớp mình trả lời được, tiếng hò reo lại vang lên. Đôi khi có cả tiếng la hét, huýt sáo, những cánh tay phản ứng giơ cao vì máy tính gặp sự cố, đưa nhầm đáp án.

Câu hỏi: Đội bóng nào có biệt hiệu “Cơn lốc màu da cam?” - Thí sinh trả lời: Hà Lan, Đáp án máy tính đưa ra lại là… Anh. Trong vài trường hợp, kết quả được thay đổi ngay trên sân khấu. “Không sao, chuyện nhỏ mà, thế mới là thi Người đẹp SV chứ” - Một khán giả vừa ăn mừng chiến thắng khi Người đẹp lớp mình khỏi bị mất điểm oan cười hể hả.

Miss GENETIC: Góc nhìn mới về nữ sinh khối Kỹ thuật ảnh 3
Hoàng Oanh - Á hậu 1

Một bạn nam ĐH Xây dựng vừa hớp hớp không khí trong cái nóng đến ngạt thở cho biết: “Cứ bảo con gái kỹ thuật "cá sấu", ai ngờ hôm nay lên sân khâu nhìn tụi nó xinh như Hoa hậu thật. Mà nhiều em lại còn thông minh nữa chứ, giá mà tổ chức được một cuộc thi sắc đẹp cho toàn bộ nữ sinh khối kỹ thuật thì hay biết mấy. Cho SV chuyên ngành xã hội…choáng”.

“Tiền ít, làm to, biết lo là được"

”Để tổ chức một cuộc thi hoa hậu, chúng tôi phải huy động từ nhiều nguồn, từ các nhà tài trợ” - Hoàng Tú, Bí thư Liên chi đoàn khoa Genetic cho biết.

Từ gần 3 tháng trước, anh và các bạn trong khoa đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi để biến ý tưởng thành hiện thực. Đã từng tổ chức nhiều chương trình văn nghệ hoành tráng nhưng tổ chức thi Người đẹp thì là lần đầu tiên. Ai cũng “máu”. Có những buổi Ban tổ chức họp đến 21 giờ vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn, phòng họp đóng cửa, lại lôi nhau ra quán nước mổ xẻ vấn đề.

“Cái khó nhất của bọn mình là mâu thuẫn muôn thủa giữa kinh phí và quy mô tổ chức. Đã không làm thì thôi, làm là phải làm chuyên nghiệp. Ai cũng xác định đây là một chương trình để quảng bá cho GENETIC, nó không chỉ là chuyện thi Người đẹp mà còn phải mở rộng được mối quan hệ với các doanh nghiệp - những nơi sẽ nhận mình trong tương lai. Còn phải quảng bá trong SV các trường về một thương hiệu GENETIC nữa” - Hoàng Tú khẳng định.

Cái khó không bó được cái khôn, kinh phí dự kiến nếu không có tài trợ ít nhất cũng phải 30 triệu đồng. Trong tay chỉ có 14 triệu, con bài xin tài trợ một lần nữa lại được áp dụng cực kỳ hiệu quả. Tất cả mối quan hệ cá nhân được liệt kê. Không chỉ có mấy cán bộ Đoàn, tất cả SV có quen biết với các doanh nghiệp, các tổ chức có thể xin được tài trợ dù là “phó thường dân” trong lớp cũng sẵn sàng xắn tay giúp đỡ.

Miss GENETIC: Góc nhìn mới về nữ sinh khối Kỹ thuật ảnh 4
Á hậu 2 Vũ Quỳnh Trang

“Tiền mặt khó xin thì mình xin tài trợ bằng chính những gì mình cần và những gì họ có. Phải chia chương trình thành từng phần và xin tài trợ theo từng mục” - Một sáng kiến đáng đồng tiền được đưa ra. Vậy là tóc và trang điểm đã có Xính, trang phục tự chọn có Ton Collection, hướng dẫn tâp luyện có Ellite… và giám khảo? Mời …Nguyễn Thị Huyền, Hoa hậu Việt Nam là nhất.

Mỗi người một việc, không cần đến quá nhiều kinh phí. “Có tiền nhiều làm hoành tráng thì ai cũng làm được, nhưng ít tiền mà vẫn phải làm được cho ra hồn thì mới đáng nói” - Mấy tay chuyên tổ chức văn nghệ, trình diễn của các trường ĐH đi xem cũng phải cũng phải gật gù kính nể.

20 giờ 15, hội trường nhà C2 “nóng” hơn bao giờ hết khi cuộc thi bước vào phần thi ứng xử với hàng loạt câu hỏi như: Bạn nghĩ thế nào về câu nói "Con người không phải ai cũng hoàn thiện"; “Con gái học các ngành tự nhiên thường mang tiếng là khô khan. Quan điểm của bạn về câu nói này như thế nào?”.

Thí sinh mang số báo danh 62 Hoàng Oanh đã khiến cả hội trường “ngợp” trong tiếng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt khi khẳng định con gái  học kỹ thuật không khô khan. Bằng chứng là dù học về tin học nhưng Hoàng Oanh vẫn luôn quan tâm đến các hoạt đông văn hóa cụ thể là sự tham gia của bạn tại cuộc thi này.

Bên lề cuộc thi, Thạc sĩ Phạm Minh Tuấn - Trưởng ban Giám khảo và là Giám đốc dự án Vườn ươm doanh nghiệp CRC - cho biết: “Tôi rất bất ngờ về quy mô cũng như sự sáng tạo trong tổ chức của các bạn: Từ quay video clip đến việc dàn dựng âm thanh, ánh sáng… Tiêu chí chấm giải của chúng tôi là dựa trên sự hiểu biết, thông qua các bài thi trắc nghiệm, trang phục, gương mặt…”. 

Hoa hậu Việt Nam 2004 Nguyễn Thị Huyền, thành viên ban giám khảo cuộc thi:

"Không ngờ các bạn sinh viên tổ chức chuyên nghiệp thế"

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong Online bên lề cuộc thi, Hoa hậu Việt Nam 2004 Nguyễn Thị Huyền cho biết cô rất vinh dự khi được mời làm giám khảo cuộc thi.

“Đây là một cuộc thi được tổ chức khá quy mô và chuyên nghiệp dù cuộc thi do các bạn sinh viên tổ chức. Em rất hồi hộp không khác gì các bạn thí sinh trên sân khấu”- Nguyễn Thị Huyền tiết lộ.

23 giờ kém 25, danh sách các thí sính đoạt giải bắt đầu được công bố. Danh hiệu thí sinh có gương mặt khả ái nhất thuộc về bạn Vũ Quỳnh Trang, cũng là người đoạt danh hiệu Á khôi 2. Phần thưởng đi kèm danh hiệu này là một suất học bổng trị giá 350 USD do trường Thames trao tặng.

Danh hiệu Á hậu 1 cùng suẩt học bổng trị giá 500 USD thuộc về bạn Hoàng Oanh, người trước đó đã giành giải Người ứng xử hay nhất và giải Người mặc trang phục đẹp nhất.

Danh hiệu Hoa hậu thuộc về bạn Trần Thanh Huyền với giải thưởng là một suất học bổng trị giá 1.000 USD.

Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thị Huyền cho biết cô rất vinh dự khi được mời làm giám khảo cuộc thi. “Đây là một cuộc thi được tổ chức khá quy mô và chuyên nghiệp dù cuộc thi do các bạn sinh viên tổ chức. Mình rất hồi hộp không khác gì các bạn thí sinh trên sân khấu” - Nguyễn Thị Huyền tiết lộ.

MỚI - NÓNG