Mơ một điều gì đi, và biến nó thành sự thực

Mơ một điều gì đi, và biến nó thành sự thực
TP - Chúng tôi chỉ biết Hằng ở Hà Nội, đang làm việc ở Mỹ, sau này có vài lần Hằng về Việt Nam, gặp nhau, thấy hợp gu và thú vị lắm, nhưng chúng tôi cũng không biết Hằng đã ở Mỹ bảy năm rồi và bây giờ đang học tiếp ở Harvard.
Mơ một điều gì đi, và biến nó thành sự thực ảnh 1

Một người bạn “online” theo đúng nghĩa, gặp nhau trên mạng, nhưng rồi trò chuyện, hiểu và quý mến nhau hơn ở ngoài đời. Dù thế, Hằng vẫn luôn làm tôi bất ngờ vì sự thú vị nhưng rất khiêm tốn ở con người cô.

Về Hằng:

Đỗ Thúy Hằng, 1984, Hà Nội

Đã học Oberlin College (2002 - 2006), Đang học Harvard Business School (2009 – 2011)

Kinh nghiệm làm việc: Chuyên viên phân tích tài chính của ngân hàng đầu tư UBS, Lehman Brothers Inc., Barclays Capital…

Đặt chân lên Mỹ năm 18 tuổi, học đại học ở Oberlin (Ohio), tốt nghiệp ở lại làm chuyên viên phân tích tài chính ở New York (NY), và bây giờ là Boston, đại bản doanh của Harvard. Một profile đủ để gọi cô là một US expat chính hiệu (người nước ngoài, sống và làm việc tại Mỹ).  

Hỏi Hằng, đời sống của người Việt trẻ ở Mỹ có giống như Phan Việt (*) kể không, cô cười ngất rồi bảo: Rất không, hoặc ít nhất không phải dành cho sinh viên hay nhân viên trẻ tuổi như chúng em.

“Nước Mỹ, nước Mỹ” là câu chuyện gia đình trẻ, bí bách, kìm nén và đầy chán nản.

Có lẽ những mẩu chuyện trong đó không biên giới, cho dù cái níu kéo ở hay về là tâm sự chung của nhiều du học sinh Việt Nam. Nhưng em nghĩ chúng em bên này hòa nhập với nhịp sống đương đại Mỹ, nhìn chung là lạc quan và biết cách giải trí hơn nhiều.

Người Việt trẻ ở Mỹ, như trong những câu chuyện Hằng kể, có phần thuận lợi hơn so với những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó.

Sinh viên Việt Nam ở Mỹ ngày càng nhiều, học chăm và giỏi (dù chưa được gọi là xuất sắc), bạn bè Mỹ biết đến Việt Nam, cũng quý và tôn trọng chứ không chỉ nghĩ đến chiến tranh Việt Nam như ngày xưa nữa.

Mơ một điều gì đi, và biến nó thành sự thực ảnh 2

Môi trường làm việc thì ít người Việt hơn, những tập đoàn tài chính nơi Hằng đã từng làm thì chỉ có duy nhất cô là người Việt. 

Làm việc chăm chỉ, nhưng đi chơi cũng nhiều. Bản đồ du lịch của Hằng đã đánh dấu được 25 nước. Nhưng hình như càng đi nhiều, cô lại càng thấy gắn bó hơn với Việt Nam, với Hà Nội của cô.

Một buổi sáng mùa hè tháng bảy, ngồi với Hằng trên ban công quán cà phê nhỏ ở phố Đinh Tiên Hoàng, thấy cô gái cứ đăm đắm nhìn xuống con đường trước mặt, bên kia là Hồ Gươm, xuýt xoa mãi, giá thời gian ngừng lại ở nơi này.

“Có lẽ dừng lại ở thành phố nào em cũng ước gì có một vài người bạn hay người thân ở Việt Nam được đến chính thành phố đấy với em, vào đúng khoảnh khắc đấy, đơn giản là để chia sẻ.

Đi thì lại hay nhớ, mà nhớ dai lắm, không cần ảnh không cần viết lại, mà nhiều lúc cũng rùng mình nhớ ra mình đã nghĩ gì.

Như cái lần đứng từ trên tầng 40 của tòa tháp Latinoamericana, nhìn xuống Mexico City long lanh ánh đèn, em nhớ là mình đã từng ước Hà Nội có một chỗ thế này, thật cao và thật vắng, và em sẽ không đứng một mình…”

Hằng đang ấp ủ một dự án online, một website, giản dị thôi, về Hà Nội và những điều hiếm có - khó tìm, chỉ thấy ở Hà Nội… vì thấy các bạn láng giềng, nhất là Singapore hay Thái Lan, làm du lịch quá tốt, mà mình còn thua xa quá quá. Thậm chí các bạn ở tận Bắc Phi (Maroc, Tunisia) cũng có vẻ làm du lịch chuyên nghiệp và mến khách hơn mình nhiều.

Cứ như thế, Hằng vẽ ra hình ảnh về những bạn trẻ Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài. Họ năng động, giỏi, và tự tin, nhưng không hề ảo tưởng về những gì họ đã làm được.

Sẽ trở về Việt Nam, đấy là điều Hằng luôn khẳng định chắc chắn, “lý tưởng nhất là giúp điều hành một công ty nào đấy, còn việc phụ là tham gia tích cực hơn các hoạt động xã hội, mà nhất là có cái mác Harvard - hy vọng sẽ giúp nhiều chuyện được thuận lợi hơn”.

Tết năm nay sẽ là cái Tết thứ bảy cô xa nhà. Tết ở Mỹ thì chắc chắn không như ở Việt Nam, nhưng cũng có tiệc lớn của Đại sứ quán, Lãnh sự quán tổ chức, rồi bạn bè trong cộng đồng người Việt cũng gặp mặt, ăn uống, rồi đi Chùa sáng mùng một…

Chúng tôi hỏi Hằng đi nhiều, gặp nhiều thế sao không viết sách. Câu trả lời của Hằng là: Em thích làm phim hơn! Một chuyên viên phân tích của thị trường tài chính Mỹ đi làm phim, nghịch lý thật nhưng không hẳn sẽ không xảy ra, nhất là khi Hằng nói triết lý sống mà cô học được trong những năm ở Mỹ là “Dream something and go do it!” (Mơ một điều gì đi, và biến nó thành sự thực!).

Trang Neu
Người đẹp Việt Nam

(*) Phan Việt: Tác giả tập truyện ngắn "Nước Mỹ, Nước Mỹ" với những nhân vật chính là người Việt trẻ tại Mỹ, xuất bản đầu năm 2009.

MỚI - NÓNG