Mời gọi khó cưỡng từ chợ tình Khau Vai

Mời gọi khó cưỡng từ chợ tình Khau Vai
TP - Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, điệp trùng núi đá nhưng lại tràn đầy vẻ phong tình đủ sức lôi cuốn khách thập phương quanh năm. Những ngày cuối tháng Ba âm lịch là Chợ tình Khau Vai - một sự gọi mời khó cưỡng đối với du khách.

Đúng 6 giờ sáng, chiếc xe 30 chỗ chở đoàn chúng tôi lăn bánh thẳng tiến Hà Giang. Cảm giác được lên phiên chợ Phong Lưu (tên gọi khác trước đây của chợ tình Khau Vai) đủ để các thành viên háo hức. Cạnh tôi là bông hoa của núi rừng Tây Bắc – Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013 Lò Thị Minh. Cô người dân tộc Xinh Mun đến từ tỉnh Điện Biên, 21 tuổi, hiện là sinh viên trường ĐH Nội vụ - Hà Nội. Quen với những con đường đèo dốc Tây Bắc, nhưng cô vẫn choáng ngợp trước những gập ghềnh dốc cua vặn người và khung cảnh cao nguyên đá.

Từ thành phố Hà Giang lên chợ tình Khau Vai phải đi qua xứ sở cao nguyên đá trải dài 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Cả một thế giới đá xanh rì nứt nẻ tầng tầng lớp lớp im phắc trên nền trời xanh. Chẳng riêng chúng tôi hay Á hậu tuổi đôi mươi, có bậc đàn anh nổi tiếng đi nhiều đi khỏe của Tiền Phong từng chia sẻ: “Lên cao nguyên đá Hà Giang chỉ một lần mà… nghiện. Nghiện phong cảnh hùng vĩ mênh mang đá núi có con đường Hạnh phúc vắt qua đỉnh Mã Pì Lèng, những ngôi nhà trình tường lấp lóa bên triền đá xám bình yên. Lại đắm say mùa hoa tam giác mạch, đẹp mê hồn mùa tháng mười vàng thu khắp cao nguyên. Những địa chỉ nổi tiếng như Núi Đôi Quản Bạ, chợ tình Khau Vai, Dinh phủ họ Vương, cột cờ Quốc gia Lũng Cú…”.

Mời gọi khó cưỡng từ chợ tình Khau Vai ảnh 1

Một góc trập trùng Hà Giang

Chung cảm giác háo hức lần đầu tiên lên miền cao nguyên đá Hà Giang còn có NSND Minh Hòa, anh Sy Thoong (Lào, học viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Anh Thoong chia sẻ, đã sống ở Việt Nam 7 năm, biết được nhiều nét văn hóa miền xuôi Việt Nam. “Còn đây là lần đầu tiên mình lên miền núi phía Bắc Việt Nam và mình rất háo hức được lên chợ tình Khau Vai. Ở Lào không có những chợ tình như Khau Vai. Qua từng khúc cua tay áo, trên xe lại có những tiếng xuýt xoa độ cao, độ dốc, hay hỏi “đây đã là đoạn khó nhất chưa?”. Tắt hệ thống điều hòa để khỏe máy, chiếc xe lầm lũi cắn vào từng đoạn dốc.

…Vượt qua sự thử thách của đường sá đến với chợ tình Khau Vai vì một bóng hình (chứ không phải vì tò mò như đám chúng tôi) phải là người nặng tình lắm! Cả một năm chờ đợi chỉ để gặp nhau được một ngày một đêm. Gặp hay không gặp được người mình mong đều thẫn thờ khi ra về. Tôi nhớ cố nhà thơ, nhà báo Trần Hòa Bình, người nổi tiếng với bài thơ Thêm một, đã viết một bài thơ về chợ tình Khau Vai có những câu da diết:

Trời ơi Khau Vai/ Khau Vai nhìn qua nước mắt/ bao bong bóng về trời/ thương buồn gửi lại…/ Những cuộc tình vụng dại/ những cuộc tình khôn ngoan/ đã sống và đã chết ở nơi này/ không khôn ngoan không vụng dại/ chỉ lặng chìm như đá/ chỉ bời bời như mây…

Dấu ấn thanh niên

Ngay đầu thành phố là sự hiện diện điểm Thanh niên thành phố Hà Giang tham gia hỗ trợ du khách tham gia tuần lễ văn hóa lễ hội Chợ tình Khau Vai 2014. Tại đây có các tình nguyện viên mặc áo xanh tham gia rửa xe sơ bộ và hướng dẫn khách du lịch tham quan.

Vừa rửa xe, Phạm Ngọc Hải (SN 1989, Bí thư chi đoàn phường Trần Phú) cho hay: “Điểm bắt đầu hoạt động từ ngày 23/4. Mỗi xe rửa tầm 10 phút để sạch đất cát sau hành trình dài di chuyển”. Theo quan sát, chưa đầy 5 phút lại có xe vào điểm rửa xe miễn phí của TNTN.

Cùng tham gia đội rửa xe và đội tư vấn thông tin, Lê Đức Ninh (Đoàn phường Nguyễn Trãi) chia sẻ: “Trong lúc đợi xe rửa sạch, các tình nguyện viên sẽ tiếp cận để giới thiệu, tư vấn và phát tờ rơi, sách cho du khách”. Trên tờ rơi và sách có đầy đủ thông tin về các địa danh, lễ hội bằng tiếng Việt và tiếng Anh, cùng hình ảnh minh họa. Mỗi ngày có 20 tình nguyện viên chia thành hai buổi thay nhau phục vụ du khách.

Mời gọi khó cưỡng từ chợ tình Khau Vai ảnh 2

Điểm hướng dẫn, tư vấn thông tin chợ tình Khau Vai

Từng lên xứ sở đá tai mèo này vào mùa hoa tam giác mạch, mùa đào mận nở hoa, nhưng lần này thỏa mãn hơn khi đi trên con đường Hạnh Phúc. Con đường vắt vẻo bám vào sườn núi xám, nay sinh sắc, gợi tình với hình ảnh các chàng trai cô gái diện trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu tại nhiều chốt tình nguyện viên hỗ trợ du khách.

Váy áo xúng xính và nụ cười rạng rỡ, các tình nguyện viên tận tình hướng dẫn đường giao thông, điểm dừng chân cho các đoàn xe ô tô, cùng những đội nhóm xê dịch bụi bằng xe máy. Hẳn những du khách dừng chân sẽ được những tình nguyện viên giới thiệu nhiệt huyết tuổi trẻ Việt Nam và sự kỳ vĩ của con đường Hạnh Phúc dài 200 km.

Trên đỉnh Mã Pì Lèng mây vờn là tấm bia lớn ghi những dòng khiêm nhường: Nhân dân vùng núi tiến kịp vùng xuôi. Trung ương Đảng khi về Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Ngày khởi công 10/9/1959; ngày hoàn thành 10/3/1965. Thành phần mở đường gồm bà con của 16 dân tộc thuộc các tỉnh Cao Bắc Lạng - Hà Tuyên Thái- Nam Định - Hải Dương. Riêng dốc Mã Pì Lèng, công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường. Cùng với tấm bia giới thiệu về con đường, ở gần huyện lỵ Yên Minh có một nghĩa trang Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc, nơi đặt di cốt của những anh hùng tử nạn trong quá trình khảm đường vượt đá.

Cải lương trên cao nguyên đá

Tối 24/4, tại huyện Mèo Vạc, diễn ra chương trình khai mạc Tuần văn hóa du lịch Lễ hội chợ tình Khau Vai 2014. Đêm khai mạc vừa lạ vừa quen với chuyện tình Khau Vai. Lạ vì, lần đầu tiên trên mảnh đất khắc dấu truyền thuyết mối tình của chàng Ba cô Út được kể bằng cải lương. Các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã biểu diễn vở “Chuyện tình Khau Vai” của tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn và chuyển thể là NSƯT Triệu Trung Kiên, âm nhạc: NSƯT Trọng Đài.

NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ: Chuyện tình Khau Vai là nét văn hóa đặc sắc của miền núi phía Bắc, có thể ví là chuyện tình Romio – Juliet phương Đông. Thông qua loại hình nghệ thuật cải lương, chúng tôi làm sáng tỏ hơn, khai thác sâu hơn những vẻ đẹp trong chuyện tình Khau Vai. Thực hiện vở diễn có sự tham gia của hơn 70 nghệ sĩ và kỹ thuật viên, 5 ô tô chở trang thiết bị và dụng cụ biểu diễn. NSƯT Trung Kiên cũng cho hay: Vở diễn có sự đầu tư chuyên nghiệp, song không có sự phô trương mà gần gũi, đi sâu vào lòng người giúp khán giả là đồng bào dân tộc miền núi vẫn tiếp nhận dễ dàng.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.