Mỗi ngày hãy chia sẻ một tin tốt

Mỗi ngày hãy chia sẻ một tin tốt
TP - Trước hiện tượng lệch chuẩn đáng lo ngại như hiện nay, nhiều người đã lên tiếng cảnh báo và đề xuất giải pháp cho vấn đề này.

Lê Thanh Bình (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TP Hồ Chí Minh:

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đặc biệt là sự “thống lĩnh” của các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter,… đến phần đông giới trẻ, bên cạnh những mặt tích cực, thì những tiêu cực của chúng đặt ra cho xã hội nhiều vấn đề đáng lo ngại, trong đó có “văn hóa thần tượng”. Từ một người “vô danh” chỉ với một hành động, một lời nói “độc, lạ” sẽ ngay lập tức được mạng xã hội “thổi phồng” và nhanh chóng nổi tiếng như tốc độ chúng ta tìm kiếm một thông tin trên Google.

 Những ngày qua đọc báo, lướt trang cá nhân của mình, tôi thật sự ngỡ ngàng và xót xa khi những cái tên như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền hay trước đây là Lệ Rơi,… được chia sẻ, tung hô như những “thần tượng”. Từ khi nào những kẻ giang hồ, bịp bợm, nghiện hút, nói năng tục tĩu, vi phạm pháp luật lại trở thành “chuẩn mực” của một bộ phận giới trẻ với những video clip “triệu likes”, “triệu views” nhận được sự quan tâm lớn của dư luận? Điều này cho thấy “văn hóa thần tượng” của giới trẻ hiện nay đang thực sự có vấn đề. Nguyên nhân dẫn đến điều này tôi cho rằng đó là mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự du nhập văn hóa ngoại lai không có chọn lọc trong quá trình toàn cầu hóa, nhận thức lệch lạc của giới trẻ và trong đó sự thiếu chọn lọc, kiểm soát thông tin trên các trang mạng xã hội hiện nay cũng là một vấn đề không nhỏ. Mặc dù, là những hiện tượng “sớm nở tối tàn” nhưng hậu quả nó để lại không chóng vánh như sự xuất hiện của nó.

Khi cái xấu được nhân rộng thì chúng ta sẽ rất khó để loại bỏ nó. Những hiện tượng mạng kể trên có thể hướng một bộ phận giới trẻ cách tiếp cận không phù hợp, lối sống thích thể hiện bản thân, ích kỷ, văn hóa sẽ bị bào mòn, xuống cấp từ đó dẫn đến các hành động đi ngược lại với các giá trị xã hội cho phép, thậm chí, còn gia tăng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, mất trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, mạng xã hội tuy là ảo nhưng ảnh hưởng của nó là thật cùng với sự tham gia của đông đảo mọi thành phần lứa tuổi, những hiện tượng như vậy sẽ làm cho mạng xã hội mất an toàn, định hướng sai lệch suy nghĩ và hành động của người dùng.

Tôi nghĩ rằng, một bộ phận giới trẻ ngày này “có sức đề kháng” quá yếu khi tham gia mạng xã hội. Bên cạnh các thiết chế văn hóa cần phải thay đổi, chúng ta cần chung tay làm nên một môi trường mạng xã hội thật sự sạch và an toàn. Để làm được điều đó, các bạn trẻ cần làm giàu sự hiểu biết của mình, phân biệt phải trái, đúng sai, đâu là cái mình đáng học hỏi và nhân rộng. Thay vì chia sẻ những hiện tượng mạng tiêu cực như trên các bạn trẻ nên chia sẻ “mỗi ngày 1 tin tốt”, “mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp”, lan tỏa những giá trị nhân văn, những con người có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội, hạn chế chia sẻ những tin xấu, tiêu cực. Với những mặt trái của mạng xã hội chúng ta cần tỉnh táo, tiếp thu có chọn lọc và phản biện với những thông tin tiêu cực. Với sự ra đời của Luật an ninh mạng, tôi tin rằng sẽ điều chỉnh được những mặt trái của mạng xã hội và giúp các bạn trẻ có ý thức và trách nhiệm hơn khi tham gia môi trường này.

Luật sư Lê Văn Thiệp (Văn phòng Luật Toàn cầu): Lối sống đáng phê phán, không thể cổ vũ

“Trong xã hội hiện nay đang có biểu hiện lệch lạc về nhận thức và tính giải trí thấp. Nhiều thanh thiếu niên a dua theo trào lưu bạo lực, vô văn hóa. Lối sống này cần đáng phê phán, không thể cổ vũ”.

 Trước khi Khá Bảnh bị bắt, kênh Youtube Phú Lê ra video cho thấy Ngô Bá Khá sẽ cùng tham gia làm “phim” “Chạm mặt giang hồ 2”. Tương tự Khá Bảnh, Phú Lê cũng là một hiện tượng mạng với những clip, video ca nhạc mà “diễn viên” toàn  thanh niên xăm trổ, mang dáng dấp giang hồ… Đến nay, Phú Lê có gần 1 triệu người theo dõi trên Youtube và giới trẻ cũng thường xuyên so sánh Phú Lê với Khá Bảnh tại các diễn đàn.

Khá Bảnh là đối tượng có tiền án, tiền sự và nay lại tổ chức đánh bạc, và làm những video thể hiện một lối sống thiếu văn hóa, thích bạo lực nên bắt là phải. Trong xã hội hiện nay đang có biểu hiện lệch lạc về nhận thức và tính giải trí thấp. Nhiều thanh thiếu niên a dua theo trào lưu bạo lực, vô văn hóa. Lối sống này cần đáng phê phán, không thể cổ vũ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.