Món ăn tinh thần đến biên cương, hải đảo

Món ăn tinh thần đến biên cương, hải đảo
TP - Vừa vào doanh trại, đã nghe thấy tiếng nhạc rộn rã phát ra từ phòng tập, hơn 20 nam nữ diễn viên của ba đội múa, hát và nhạc. Thượng tá Trần Ngọc Thanh - Chính trị viên Đoàn Nghệ thuật Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho biết, đoàn đang chuẩn bị cho chuyến lưu diễn trên Tây Bắc. 
Món ăn tinh thần đến biên cương, hải đảo ảnh 1
Các diễn viên của Đoàn và các chiến sỹ Trường Sa

Bước tập tễnh vì chân đau, thiếu úy Vũ Thái Hòa cho biết: “Tai nạn nghề nghiệp thôi. Tôi chỉ tiếc là không được tham gia cùng đoàn đi hội diễn đợt vừa rồi”.

Không cùng suy nghĩ với chồng, trung úy Trần Quỳnh Anh cho biết, nếu ông xã không may mắn đau chân và đau lưng khi tập một điệu múa thì không biết lấy ai chăm sóc con trai hai tuổi. “Cháu sốt cao gần 40 độ. Diễn xong tiết mục của mình, tôi bỏ tiền túi mua vé máy bay ra Hà Nội ngay trong đêm”.

Thành lập ngày 3/3/1960, 50 năm qua, Đoàn Nghệ thuật BĐBP luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền và phục vụ nhu cầu văn hóa – văn nghệ của đồng bào và cán bộ chiến sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Năm 2005, Đoàn được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND.

Qua thượng tá Trần Ngọc Thanh, chúng tôi được biết, cùng chuyến đi này, vợ chồng thiếu tá Nguyễn Hải Tiến (biên đạo múa) và trung úy Nguyễn Ngọc Dung (đội hát) phải đưa cả bà nội đi cùng để chăm sóc con nhỏ chưa đầy một tuổi. Kết thúc hội diễn, vợ chồng đều giành Huy chương Vàng.  

Tập luyện vất vả, lại thường xuyên thức đêm, ăn mì tôm hay thậm chí nhịn đói... nhưng chưa bao giờ họ tỏ ra ngại ngần khi hành quân đến biên giới, hải đảo biểu diễn phục vụ đồng bào và các chiến sĩ.

Nhiều chuyến đi, đường rừng núi xe hỏng, cả đoàn được mời đi bộ hàng chục cây số. Nếu may mắn đồn biên phòng và bà con dân bản cho mượn ngựa thì hành lý, đạo cụ được ưu tiên trước. Vì thế anh em trong đoàn thường nói vui họ là những nghệ sĩ kiêm cửu vạn.

Sinh năm 1976, thượng úy Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đội trưởng đội múa đã có 15 năm gắn bó với đoàn. Chị kể lại kỷ niệm chuyến đi lên một xã biên giới ở vùng Nậm Chảy, Lào Cai năm 2000.

Lần ấy, đoàn xuất phát từ thị trấn từ 2 giờ sáng, 7 giờ tối mới đến nơi, vì xe hỏng và bị lạc đường. Mệt và đói, nhưng thấy rất đông bà con ngồi chờ, mọi người nhanh chóng dựng rạp rồi biểu diễn luôn. Bữa cơm tối hôm đó của đoàn bắt đầu lúc 1 giờ sáng.

Tốt nghiệp khoa Thanh nhạc Đại học Nghệ thuật Quân đội, trung úy Đỗ Thái Trung được nhiều đoàn nghệ thuật mời về công tác, nhưng anh quyết tâm gắn bó với những người lính quân hàm xanh. Với anh, chuyến đi Trường Sa năm 2002 thật sự xúc động. “Biển động dữ dội, anh chị em trong đoàn say sóng hết. Nhưng ra đến các đảo, mọi người lại phấn chấn tinh thần, biểu diễn quên cả mệt mỏi”.

Là một trong những người công tác lâu năm nhất tại Đoàn, thượng tá - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Lan, Đoàn trưởng chia sẻ: “Chuyến công tác xa nhà đầu tiên trên tuyến biên giới Hà Giang đã để lại trong tôi ấn tượng khắc sâu đến tận bây giờ.

Ròng rã hai tháng trời, ban ngày hành quân đi bộ, tối đến biểu diễn phục vụ bà con và chiến sĩ. Có đi mới cảm nhận được sự vất vả của mình chưa thấm vào đâu so với những đồng đội đang ngày đêm canh giữ biên cương, biển trời Tổ quốc”.

MỚI - NÓNG