Kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng và 20 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (3/3/1959 – 3/3/2009):

Món quà vô giá bên núi Ka Đay

Món quà vô giá bên núi Ka Đay
TP - Thập niên 1970-1980, một số đại biểu người Chứt tham gia HĐND huyện nhiều khóa nhưng không biết chữ. Từ ngày có Trường Dân tộc Nội trú, sau 14 khóa, có 161 con em dân tộc tốt nghiệp THCS.

>> Kỳ trước

Từ thế hệ ông Hồ Cước, Hồ Mại, Hồ Sơn làm trưởng bản, nhiều vị tham gia HĐND huyện hai đến ba khóa nhưng không viết nổi cái tên mình mà phải lăn tay điểm chỉ. 

Chỉ cho cư dân Lá Vàng cách làm ra bát cơm đã khó, đưa cái chữ đến với họ còn gian nan hơn.

Thời tái lập Hà Tĩnh, các lớp học xóa mù đầu tiên được tổ chức tại bản Rào Tre và bản Giàng cho người Chứt, người Cọi, do thầy Thiên, thầy Đệ, thầy Duyên, thầy Tú, thầy Hà..., bộ đội biên phòng thay nhau giảng dạy. Lứa học trò hồi ấy bất phân tuổi tác, gồm một số chị em như Hồ Thị Pủm, Hồ Thị Hà, Hồ Thị Hương, Hồ Thị Loan...

Hết các khóa học xóa mù, trình độ cao nhất của cộng đồng người Chứt chỉ ở mức biết đọc biết viết. Anh Võ Trọng Việt đề xuất nên thành lập Trường Dân tộc Nội trú đặt ở thị trấn Hương Khê, đưa con em người Chứt, Cọi và Mã Liềng... về học tập trung.

Món quà vô giá bên núi Ka Đay ảnh 1
Giờ thể dục của học sinh Trường Dân tộc Nội trú

Năm 1995, Trường Dân tộc Nội trú ra đời. Năm học đầu tiên có 11 em. Sau 14 khóa đào tạo, có161 em dân tộc Chứt, Cọi, Mã Liềng hết bậc THCS.

Một số trưởng thành như Hồ Kiểu và Hồ Hải... công tác tại Đồn Biên phòng 575. Nữ sinh Hồ Thị Hà tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Hà Tĩnh về công tác tại bản Giàng.

Hồ Thị Loan, mẹ mất sớm, cha đi bước nữa. Năm 2002, khi Loan đang học lớp 10 Trường THPT Hương Khê được Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh chọn tham gia đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đoàn Toàn quốc Lần thứ VIII tại Hà Nội. Loan thay mặt hàng vạn đoàn viên thanh niên dân tộc ít người cả nước tham gia chủ tịch đoàn của Đại hội.

Năm 2005, Loan vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh, được tín nhiệm bầu làm bí thư chi đoàn của lớp có hơn 50 bạn nữ là người Kinh. Ra trường, Loan trở thành cô giáo về dạy tại xã Hương Vĩnh quê mình. Hiện, Loan theo học khóa đại học từ xa. Nhà Loan có ba em trai con mẹ kế là Hồ Minh, Hồ Đại, Hồ Lý đều học tại Trường Nội trú. Minh tốt nghiệp THPT tham gia biên phòng.

Hai học sinh Hồ Thị Xuân và Hồ Kham có năng khiếu âm nhạc hiện học tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. 

Đầu năm 2007, trở lại bản Rào Tre gặp Hồ Púc, tôi báo tin: “Đại tá Võ Trọng Việt chuyển ra Hà Nội rồi, vừa được phong anh hùng, lại được lên quân hàm cấp tướng”.

Hồ Púc phấn khởi: “Miềng biết lấy chi để chúc mừng anh Việt?”. Tôi nói: “Hồ Púc cứ động viên dân bản trồng cỏ, nuôi thật nhiều trâu bò, trồng thật nhiều cây biến đồi trọc thành rừng, rồi anh Việt sẽ về thăm bản làng, người Chứt tha hồ mà chúc mừng”.

Bản Rào Tre nay có hơn hai ha ruộng lúa, trồng được năm ha rừng, mấy mẫu cỏ để nuôi 40 trâu bò. Cả bản có hơn 60 lợn... Ngân hàng cho vay khoảng 150 triệu đồng để phủ xanh 20 ha đất trống đồi trọc.

Một ngày cận kề Tết Kỷ Sửu 2009, Thiếu tướng Võ Trọng Việt - Chính ủy Bộ đội Biên phòng dẫn đầu đoàn cán bộ về thăm bà con người Chứt.

Nghe tin ông Việt về, bà con tập trung đông đủ đầu bản. Hơn bốn chục học sinh nội trú được về nghỉ tết dương lịch, chuẩn bị nhiều bó hoa rừng chờ đợi. Cả dãy dài học sinh và bà con giơ tay vẫy chào: “Cháu chào bác Việt ạ. Cháu cảm ơn bác Việt ạ!”.

Hồi còn là chiến sỹ, anh cùng đồng đội mang ba lô trèo đèo lội suối vào đại ngàn Trường Sơn đưa cư dân bộ tộc Lá Vàng về định cư thành thôn bản, lo cho bà con cái ăn cái học.

Nay trên cương vị Chính ủy Bộ đội Biên phòng, Anh hùng Thiếu tướng Võ Trọng Việt trở về thăm dân bản, chứng kiến thêm bao sự đổi thay. Hồ Púc, thầy cúng năm xưa cũng ôm bó hoa đến tặng anh Việt.

Hồ Púc gặp tôi trình bày nỗi băn khoăn: “Anh Việt cho xe ô tô chở gạo, bánh kẹo về biếu bản làng mình ăn tết. Bản mình biết lấy chi để chúc mừng anh Việt và Bộ đội Biên phòng”.

“Miềng là người rừng đầu tối đen nhất bản, xưa chỉ biết lang thang làm nghề thầy cúng, uống rượu say nhè. Nghe bộ đội bỏ rượu, lo việc cấy lúa, nuôi lợn, trồng cây... thì anh Việt về đây phải khen thưởng cho miềng nhiều hơn” -Thầy cúng Hồ Púc bày tỏ
MỚI - NÓNG