Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 20 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1959 – 3/3/2009):

Món quà vô giá bên núi Ka Đay

Món quà vô giá bên núi Ka Đay
TP - Giáp Tết Kỷ Sửu 2009, chúng tôi cùng Anh hùng, Thiếu tướng Võ Trọng Việt - Chính ủy Bộ đội Biên phòng về lại bản Rào Tre. Chuyện một thời xa xưa của bộ tộc Lá Vàng được gợi lại, bên núi Ka Đay.

Cách đây gần nửa thế kỷ, những chiến sĩ đi tuần tra bảo vệ biên giới Việt - Lào gặp nhiều tốp người, đàn ông đóng khố,  đàn bà mặc váy bằng vỏ cây. Họ sống du cư hái lượm và săn bắt, đi tới đâu chặt lá cây làm lán, khi lá cây lợp trại ngả sang màu vàng lại dắt nhau đi... Cộng đồng ấy được gọi là bộ tộc Lá Vàng.

Bộ đội bày cho dân múc nước dội lên đầu. Nước chảy vô tai, nghe ù ù... Họ kéo đến bắt vạ bộ đội. Việt bày cho dân đổ nước vô tai rồi nghiêng nghiêng, nhảy nhảy. Rứa là con nước nó bò ra. Púc khen bộ đội khôn thật.

Các chú cho dân xà phòng thơm xoa lên tóc, nhìn đầu ai ai cũng bạc như người già. Nước xà phòng chảy vô mắt thì cay, chảy vô miệng thì đắng. Dân bản lại mấy người kéo lên kêu bộ đội.

Các anh bày cho nhắm mắt, mím miệng lại dội nước thật nhiều là nó sạch. Tắm mấy bữa thấy cũng quen, thế rồi dân thích tắm luôn...

Bộ đội dặn: Có việc chi trong bản khó khăn không làm được là phải tìm bộ đội mà hỏi.

Hồi anh Võ Trọng Việt là chiến sĩ trinh sát bám địa bàn từng đến những túp lều mái ngang che bằng nhiều lớp lá rừng. Trời mưa nước chảy xuống ướt hết. Bộ đội Biên phòng hướng dẫn, giúp họ làm mái dốc, khi mưa nước chảy xuôi.

Rồi từ chỗ du cư họ đã định cư, biết làm nương rẫy và cấy lúa nước. Thói quen  ăn bốc bằng tay cũng được thay bằng đũa, thìa. 

Lớp người già như cụ Hồ Phàn, ông Hồ Thoòng, bà Hồ Thị Năng, Hồ Thị Sinh... đến tuổi 70 mới được “khai sinh” lần đầu để làm chứng minh nhân dân.

Bản Rào Tre đầu những năm tám mươi (1980) chỉ có tám nóc nhà, 17 gia đình ở chung, với khoảng 50 nhân khẩu (chủ yếu là đàn bà và trẻ em). Đàn ông thọ trên 40 tuổi rất hiếm.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh lập trạm ngay đường ra vào để nhường cơm sẻ áo cho bà con, hàng ngày cầm tay chỉ từng việc một, bày cho họ làm xong ngày hôm trước hôm sau họ lại quên.

Cuộc đổi đời của dân  bản Rào Tre phải tính từ năm 2000. Dạo ấy Hà Tĩnh đang quyết liệt công cuộc Xóa đói giảm nghèo và Xóa nhà tranh tre dột nát. Đại tá Võ Trọng Việt kế tục sự nghiệp người tiền nhiệm Đại tá Võ Hồng Tuyên, làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng.

Anh quan tâm lo ăn, ở cho dân bản Rào Tre và bản Giàng. Một tổ công tác hàng chục chiến sĩ được tăng cường thay nhau bám bản, chỉ cho bà con cách làm ruộng cấy lúa nước, nuôi lợn, chăn bò...

Mùa thu hoạch đầu tiên, chia thóc về cho từng nhà họ chưa biết làm sao ra hạt gạo để nấu cơm, bộ đội  phải đưa thóc ra ngoài Hương Lâm xát gạo mang vào, bày chỉ cho họ cách nấu cơm và cất giữ gạo.

Chiến dịch Xóa nhà dột nát bằng cách quyên góp trong lực lượng biên phòng và các tổ chức xã hội khác. Hơn ba chục ngôi nhà gỗ được mua về dựng lên ven chân núi Ka Đay, sắc hồng mái ngói làm sáng lên sức sống giữa một thung lũng hoang sơ dưới chân Trường Sơn.

Lối mở từ thầy mo

Năm 2004, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm bản Giàng (xã Hương Vĩnh, Hương Khê, Hà Tĩnh), bà Hồ Thị Nang - 75 tuổi, cầm tay vị lãnh đạo cao nhất của Đảng xúc động:

“Người Lá Vàng xưa như con chim hoang sống giữa đại ngàn gió mưa đói rét, nếu không có bộ đội biên phòng đưa về thì đã chết dần chết mòn từ lâu. Đồn Biên phòng là tổ ấm của dân bản chúng tôi...”.

Khi còn là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, anh Võ Trọng Việt đưa chúng tôi lên bản Rào Tre, vào nhà người đàn ông hơn 40 tuổi là thầy cúng Hồ Púc.

Trước đây ở rừng người Chứt không mấy khi tắm. Khi về đây, ai cũng giữ thói quen cũ. Bộ đội khuyên bà con xuống khe tắm. Thầy cúng dọa xuống khe tắm sẽ bị con ma bắt, mọi người đều sợ.

Biết tâm lý của dân bản rất tin thầy mo, anh Việt cho người đến vận động Hồ Púc. Nể lời bộ đội, Púc đồng ý xung phong đi đầu. Thế là nhiều người theo thầy cúng xuống khe tắm.

Mùa đầu tiên lúa của bản cấy giữa đồng mọc xanh tốt hơn cỏ bên khe. Mấy con trâu người Hương Liên xuống ruộng nó ăn ngon cái mồm. Púc chạy lên trạm kêu bộ đội xuống thì trâu đã ăn hết cả đám. Bộ đội trách Púc: Tại sao trâu ăn lúa không đuổi mà phải đến kêu bộ đội?

Púc cự lại: Bộ đội nói với bản miềng có việc chi cũng phải hỏi. Tin lời bộ đội miềng đi tìm để hỏi thì có chi sai mà nạt miềng?

Sau bận ấy bộ đội tìm cách bày chỉ cho dân kỹ hơn, nói với dân từ nay việc chi khó thì phải hỏi, còn những việc dễ làm được thì cứ tự làm...

Anh Việt hỏi Hồ Púc: Dạo này đã siêng đi tắm chưa?

Hồ Púc cười: Siêng tắm rồi. Giờ thì người Chứt khôn hơn con trâu của người Hương Liên. Trâu thấy nước bẩn cũng xuống mẹp. Còn dân miềng chỉ tắm nước trong thôi... Nay bản ta đã có giếng để múc nước lên tắm.  

Anh Việt kể: Trước đây Hồ Púc chuyên làm nghề thầy cúng. Vợ Hồ Púc là Hồ Thị Xinh trước có một đời chồng sinh được hai con nhỏ. Sau ngày chồng chết, Xinh lấy Hồ Púc, sinh thêm hai con gái đặt tên là Hồ Thị Núi (1996) và Hồ Thị Non (1998). Sống chung được mấy năm thì Xinh bị ốm, chết. Thương vợ, cả tháng trời Hồ Púc hằng đêm ra nằm bên mộ vợ ngoài bìa rừng. Tổ công tác biên phòng bám theo động viên Púc không nghe. Đến lúc anh Võ Trọng Việt đến thuyết phục Hồ Púc mới chịu về.

Anh Việt hỏi: “Dạo ni Púc có siêng đi làm thầy cúng và luôn say rượu nữa không?”. Púc cười: “Rượu chưa bỏ... lâu lâu ai mời thì uống một chén. Còn nghề thầy cúng, bỏ một nửa thôi...! Trong nhà phải cúng ông bà. Nhà ai không biết cúng nhờ thì cũng phải đi.

Trước đây miềng chuyên đi cúng thuê, không cấy lúa, trồng sắn, đến mùa phải đói, ra ngoài Hương Liên đi xin khoai, xin gạo, nhục lắm. Nay miềng có cái ăn rồi không phải ra Hương Liên xin nữa. Các con học ngoài huyện có biên phòng cho gạo. Miềng ở nhà trồng thêm lạc bán cho người Hương Liên tạm đủ ăn”.

Anh Việt nói thêm: “Púc ạ, việc cúng giỗ, cúng tết là được. Còn ai ốm đau thì phải báo với bộ đội biên phòng để dùng thuốc chữa bệnh, đừng bắt bà con mổ lợn mổ bò mà cúng là vừa lãng phí mà không lành đâu”.

Púc gật đầu “dạ” một tiếng. Chia tay Hồ Púc, Đại tá Võ Trọng Việt hẹn: “Mấy thứ Púc và dân bản cần, rồi đây bộ đội biên phòng sẽ lo. Nhưng Púc nhớ động viên bà con mình trồng rừng và giữ rừng cho tốt, đừng để kẻ xấu vào chặt phá”.

Hồ Púc đáp: “Anh Việt à, lâu ni đã có việc chi bộ đội dặn mà bản miềng không nghe đâu...”.

-----------------

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.