Một đời mắc 'bệnh bận', chỉ học và ôn thi ở Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, việc học giỏi quan trọng hơn tất thảy. Vì vậy, những năm tháng đầu đời của nhiều người trẻ bị lấp đầy bởi sách vở, thi cử mà quan trọng nhất là kỳ thi vào đại học.

Tại Hàn Quốc, việc học giỏi quan trọng hơn tất thảy. Vì vậy, những năm tháng đầu đời của nhiều người trẻ bị lấp đầy bởi sách vở, thi cử mà quan trọng nhất là kỳ thi vào đại học.

"Ngày nào cũng thế, cuộc sống của hầu hết học sinh trung học ở Hàn Quốc chẳng khác nào địa ngục. Ngay khi học kỳ mới bắt đầu, trường học trở thành một nơi đáng sợ. Em chỉ được ngủ 3 tiếng mỗi ngày", World of Buzz từng dẫn lời tâm sự của một nam sinh cuối cấp ở Hàn Quốc.

Theo cậu, ngay từ lớp một, sự căng thẳng, cạnh tranh giữa các học sinh đã rất khốc liệt. Ai cũng đặt mục tiêu trở thành sinh viên cao đẳng, đại học.

Bởi vậy, trường học dường như biến thành "đấu trường" mà chỉ học sinh ưu tú mới dễ bề tồn tại.

"Em thấy mông lung và lo lắng về tương lai. Liệu em có thể thi đỗ trường đại học theo nguyện vọng? 20 năm nữa sẽ ra sao? Em sẽ kiếm được công việc ổn định chứ?", nam sinh tự hỏi.

Chàng trai thừa nhận trước đây không hiểu vì sao mọi người phải tìm cái chết vì áp lực học hành. Nhưng hiện giờ, chính cậu luôn thấy chán nản và nghĩ đến việc tự tử nhiều lần trong ngày.

Một đời mắc 'bệnh bận', chỉ học và ôn thi ở Hàn Quốc ảnh 1 Vòng xoáy học tập, thi cử khiến học sinh Hàn Quốc kiệt sức. Ảnh: Yonhap.

Ngủ 5 tiếng/đêm thì đừng nghĩ đến chuyện trở thành sinh viên

Theo Korea Herald, ở quốc gia có nền giáo dục phát triển như Hàn Quốc, đỗ đại học đồng nghĩa việc nhận được tấm vé thông hành, giúp học sinh mở ra tương lai xán lạn, mang lại niềm tự hào cho gia đình.

Bởi vậy, vượt qua kỳ thi CSAT hay Suneung để trở thành sinh viên đại học là mục tiêu duy nhất trong 12 năm đèn sách của hầu hết học sinh ở xứ sở kim chi.

Kỳ thi này được tổ chức vào ngày thứ năm đầu tiên của tháng 11 với hơn 500.000 sĩ tử mỗi năm. Trung bình mỗi năm, 25% thí sinh phải thi lại, nhiều em phải thi đến lần thứ 3.

Ngày 14/11 vừa qua, kỳ thi đại học ở Hàn Quốc bắt đầu lúc 8h40 (giờ địa phương) và kết thúc lúc 17h40. Thí sinh phải hoàn thành 5 bài thi gồm Quốc ngữ, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử Hàn Quốc và Ngoại ngữ 2.

Kết quả từ 10 giờ làm bài thi trên giấy không chỉ là thành quả của nhiều năm nỗ lực, mà còn quyết định tương lai của gần 550.000 thí sinh.

Với tính chất quan trọng như vậy, Suneung được coi là ngày sự yên lặng bao trùm cả đất nước Hàn Quốc.

Các chuyến bay thương mại đều bị hoãn lại 35 phút (từ 1h05 đến 1h40 nhằm giảm tiếng ồn, tránh ảnh hưởng tới chất lượng làm bài thi nghe môn tiếng Anh của các sĩ tử); các ngân hàng, sàn giao dịch mở cửa muộn hơn; số lượng xe buýt và tàu điện ngầm hoạt động tăng lên.

Một đời mắc 'bệnh bận', chỉ học và ôn thi ở Hàn Quốc ảnh 2 Năm nay, Hàn Quốc có 1.185 điểm thi trên toàn quốc với 548.734 thí sinh. Trong đó, 394.024 em là học sinh trung học, số còn lại là thí sinh tự do. Ảnh: Getty.

Theo SCMP, học sinh bắt đầu học để thi Suneung từ lúc 13-14 tuổi, tức ở năm đầu tiên tại trường trung học. Kết thúc giờ học chính ở trường vào khoảng 16h, các em tiếp tục miệt mài ôn luyện ở các hagwon (trường luyện thi tư nhân) hay học với gia sư riêng.

Lịch học dày đặc, kéo dài tới 16 giờ/ngày không chỉ khiến học sinh kiệt sức, mà cha mẹ các em cũng tiêu tốn hàng nghìn USD mỗi năm.

Tuy nhiên, quan niệm "tứ đang ngũ lạc" đã ăn sâu vào tư tưởng của người Hàn - ngủ 4 tiếng/đêm, sĩ tử sẽ có cơ hội vào đại học; nếu ngủ 5 tiếng/đêm, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện trở thành sinh viên.

Ngoài ra, nếu muốn thi đỗ 3 trường đại học hàng đầu - được coi là “Ivy League của Hàn Quốc” gồm Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei (gọi tắt là SKY) - học sinh chỉ nên ngủ 3 tiếng/ngày.

Theo một số báo cáo, 75% học sinh đăng ký học tại 100.000 hagwon trên khắp Hàn Quốc. Dù chính phủ đã ban hành lệnh cấm các trung tâm này hoạt động quá 22h, nhiều cơ sở vẫn tìm cách "lách luật" để hoạt động tới 2h sáng hôm sau.

Trong bài thảo luận có chủ đề: “Hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống trung học ở Hàn Quốc” đăng trên diễn đàn mạng ở xứ sở kim chi, một học sinh chia sẻ: “Hầu hết giáo viên đều nhấn mạnh nếu chúng ta thất bại ở Suneung, phần còn lại của cuộc đời sẽ chỉ toàn thất bại. Bởi bài thi là bước đầu tiên (và cuối cùng) cho cuộc sống thành công của mỗi người”.

Một người khác mô tả hagwon là những nơi vô hồn - 4 bề là bức tường mỏng ngăn cách với thế giới bên ngoài, được thắp sáng bởi bóng đèn huỳnh quang và nhồi nhét vào đầu học sinh những từ vựng tiếng Anh, quy tắc ngữ pháp tiếng Hàn và công thức toán học.

Một đời mắc 'bệnh bận', chỉ học và ôn thi ở Hàn Quốc ảnh 3 Học sinh Hàn Quốc vùi đầu vào ôn luyện trong các hagwon mọc lên khắp nơi do nhu cầu tăng cao. Ảnh: Korea Times. 

Kỳ thi quá khốc liệt

Trong bài viết trên Medium, start up Alex Gershon (sống ở Hàn Quốc) từng dẫn nhận xét của nhà kinh tế Daniel Tudor rằng: “Sống trong xã hội Hàn Quốc hiện đại là sống với áp lực không ngừng. Kỳ thi đại học là một biểu tượng của điều đó”.

Bài thi Suneung chỉ chiếm 0,005% quãng đời của một đứa trẻ 18 tuổi. Nhưng nó là trọng tâm trong cuộc sống, là cơn ác mộng trong những giấc mơ và là mục tiêu duy nhất các em hướng tới trong hàng thập kỷ học tập.

Theo TS Kim Tae-hyung, nhà tâm lý học ở Seoul, trẻ em Hàn Quốc bị ép học quá nhiều và luôn trong tình trạng phải cạnh tranh với bạn. Các em trưởng thành trong cô độc, vùi đầu vào học. Lối sống biệt lập này gây ra chứng trầm cảm và là nguyên nhân chính dẫn đến tự tử.

Báo cáo từ tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết Hàn Quốc có tỷ lệ thiếu niên từ 11-15 tuổi mắc chứng trầm cảm cao trong top 20 quốc gia phát triển trên thế giới.

“Em cảm thấy người Hàn Quốc ai cũng mắc 'bệnh bận'. Học sinh bận học mọi lúc, mọi nơi. Họ luôn cắm đầu vào sách vở. Các trường học chẳng khác nào nhà tù. Người lớn đã đi làm rồi cũng tương tự”, một học sinh chia sẻ trong bài thảo luận: “Hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống trung học ở Hàn Quốc”.

Một đời mắc 'bệnh bận', chỉ học và ôn thi ở Hàn Quốc ảnh 4 Nhiều thí sinh cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng sau kỳ thi Suneung. Ảnh: Flickr.

Dù mệt mỏi, áp lực luôn bủa vây, học sinh chỉ biết cố gắng vì cơ hội mỗi năm chỉ có một.

Các thí sinh dự thi Suneung 2 lần được gọi là “Jaesoosaeng”, những người thi tới 3 lần được gọi là “Samooooengeng”. Cảm giác xấu hổ càng lớn dần với những ai phải nhận danh hiệu đó.

Kết thúc ngày thi CSAT đồng nghĩa việc học sinh được giải thoát sau 12 năm học hành gian khổ. Tuy nhiên, nhiều thí sinh bước khỏi trường thi với cảm giác hụt hẫng, trống rỗng.

“Em chuẩn bị cho kỳ thi này trong mỗi khoảnh khắc đến trường. 12 năm và thi đại học tốt là mục tiêu cuối cùng. Sau kỳ thi, em không biết phải làm gì với cuộc đời mình nữa”, một thí sinh trả lời Koreaboo sau ngày thi căng thẳng.

Một thí sinh khác cảm thấy mình luôn phải "chạy đua" trong suốt 12 năm và đứng ở điểm kết của những năm tháng vất vả. Người này hoang mang và chỉ biết tự hỏi: "Tiếp theo là gì?".

Dù nhẹ nhõm hay hoang mang, học sinh Hàn Quốc có thể giải tỏa cảm xúc bằng việc xé sách, ôm bạn bè, người thân, hú hét. Nhưng sau đó, những người trẻ lại trở về vòng xoáy học tập với áp lực phải thành công đè nặng trên vai.

 Phụ huynh Hàn đổ xô tới chùa cầu may cho con trước thi đại học. Trước kỳ thi đại học có tính chất quyết định triển vọng nghề nghiệp tương lai của gần 550.000 học sinh Hàn Quốc, các bậc cha mẹ đã tới đền chùa cầu may mắn.

Theo Zing
MỚI - NÓNG