Một ngày ở cùng sĩ tử nghèo

Mẹ con chị Lập ở trọ trong trường THCS Lê Quý Đôn
Mẹ con chị Lập ở trọ trong trường THCS Lê Quý Đôn
TPO - Cậu trò nghèo đang cặm cụi ngồi học trong phòng trọ giá bốn chục ngàn/đêm. Bên cạnh, bà mẹ có khuôn mặt khắc khổ lặng lẽ nhìn theo. Cũng như bao người nông dân khác, bà chỉ thầm mong con mình đỗ đại học, để thoát khỏi lũy tre làng, thoát phận đời lam lũ...

>> Tay xách nách mang 'lai kinh ứng thí'

Lên kinh

Nên thi ĐH theo cách nào ?
  •   Thi chung với kỳ thi tốt nghiệp
  •   Xét kết quả học tập bậc phổ thông
  •   Giữ nguyên như hiện nay
  •   Ý kiến khác
    

Hai hôm nay, mẹ con chị Lập ở trọ trong trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội. Con chị Lập - thí sinh Linh – năm nay thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự.

Quê ở tận Phú Thọ, gia đình làm nông nghiệp, rất nghèo, nên Linh chọn thi vào quân đội cũng để bớt gánh nặng cơm áo cho mẹ cha. “Năm ngoái, em định thi vào Sư phạm, nhưng nhà không có tiền, nên đành lùi lại một năm” – cậu thật thà tâm sự.

Để có tiền lên Hà Nội, mẹ Linh đã phải bán hết cả thóc lẫn đỗ đen còn lại trong nhà được vài trăm bạc. “Nếu thiếu tiền thì đành gọi cho đứa em lái xe ở Mỹ Đình” – chị Lập bộc bạch.

Cả hành trang của hai người chỉ là một chiếc cặp sách, một cái ba lô quần áo và chiếc túi nilon đựng nước uống trong cái chai xin được từ nhà người thân. Chẳng có nhiều tiền, nên họ tiết kiệm từng tí một, không dám mua cái gì ở chốn kinh kỳ. Cũng may là điện, nước trong trường này cũng sẵn, nên cũng tiện cho sinh hoạt.

Một ngày ở cùng sĩ tử nghèo ảnh 1
Hàng trăm sĩ tử nghèo dồn vào những căn phòng trống như thế này, chiếu cói trải khắp nơi dưới đất... Ảnh: HT

“Cái trường cấp 2 này to hơn cả trường cấp 3 của tỉnh em” – Linh nhìn lên trần và nói với tôi. Nơi họ ở trọ vốn là nhà ăn của học sinh, đã được bảo vệ trường dọn dẹp, cho thí sinh thuê trong những ngày thi.

Giá rẻ (40 nghìn/ngày), nên đã có hơn 150 người, tới trọ cả hai tầng, trên và dưới. Phần lớn họ đều là những người dân ở tỉnh xa, đến đây thuê cho rẻ và tiện. Khắp nơi, chiếu cói trải la liệt để phụ huynh nằm, còn thí sinh thì tận dụng các bàn ăn để ngồi học.

Lệch nhịp sống thị thành

Mới 5 giờ sáng, mọi người ở đây đã lục đục thức dậy. Lúc này, hầu hết người dân Hà Nội vẫn còn yên giấc, nên họ là những người đầu tiên bước ra phố.

Nhưng làm sao mà tìm được hàng ăn vào lúc này. Nên nhiều tốp người phải đứng chờ khá lâu bên ngoài các cửa hàng. Cho đến hơn 6 giờ mới có đồ ăn.

Hai mẹ con chị Lập thì chọn bánh mỳ ăn cho “chắc dạ” và đỡ tốn kém. Nhìn cậu học trò đi dép lê, mặc quần dài, còn bà mẹ lễ mễ đeo túi theo sau... ai cũng biết là người dân ngoại tỉnh lên đây thi đại học, nên chẳng nỡ “chặt chém” làm gì.

Đến 10 giờ 30, mọi người đã rủ nhau đi ăn trưa. Tôi cùng hai mẹ con vào một quán bình dân, gọi cơm đĩa. “Đây là lần đầu tiên em ăn cơm quán” – Linh vừa nói, vừa lóng ngóng không biết bưng đĩa lên ăn kiểu gì. Hai người vừa ăn, vừa chê gạo thành phố không ngon như gạo quê.

Quyết tâm thi đỗ

Buổi tối, có trận Tứ kết Brazin – Hà Lan, thấy Linh ngồi thư giãn, tôi rủ cậu ra ngoài sân xem bóng đá. Nhưng anh chàng lắc đầu, giải thích với tôi rằng: ở quê, hay bị cắt điện thường xuyên, nên “nhịn” World Cup quen rồi.

Cậu ngồi tâm sự với một người bạn: “Tao mà thi đỗ thì bố mẹ mới có tiền cho chị tao học tiếp”. Linh nói đến người chị mình đang học cao đẳng sư phạm của tỉnh.

Được một lát, cậu và những sĩ tử khác lại miệt mài giở sách ra ôn thi...

Chợt thấy Linh không mang đồng hồ, tôi liền nhắc chị Lập song người mẹ nghèo chỉ biết lảng tránh: “Ở trong phòng thi, giám thị cũng có đồng hồ mà. Nếu cần thì hỏi người ta...”. Nhưng nếu thế thì sẽ rất bị động và bất tiện, khó ước lượng và phân bố được thời gian làm bài. Có lẽ, hai mẹ con chị cũng hiểu điều này...

Thế là sau bữa trưa, tôi vội mua một chiếc đồng hồ bình dân để tặng Linh, như một món quà nhỏ của phóng viên báo Tiền phong, “tiếp sức” cho chàng sĩ tử hiếu học. Lúc đó, hai mẹ con mới biết tôi là phóng viên, chứ không phải là anh chàng thi lại nhiều lần không đỗ - như cách tôi đóng giả - để được ở gần hơn, hiểu sâu hơn về những vất vả, gian truân của những nghèo lên Thủ đô thi ĐH.

Ngoài đường, những bước chân quê vẫn hối hả đưa con đến nhận phòng thi... Không biết, các em có hiểu rằng: mình chính là tương lai, là khát vọng thoát nghèo của mẹ cha, sống cuộc đời nông dân lam lũ... 

MỚI - NÓNG