Một ngày trên giảng đường cùng chàng SV khiếm thị

Một ngày trên giảng đường cùng chàng SV khiếm thị
TP - Trong vai sinh viên năm thứ nhất tôi được tham gia vào buổi học tiếng Anh với Nguyễn Hữu Ất - sinh viên khiếm thị đầu tiên thi đỗ khối A Đại học Công nghiệp Hà Nội năm học 2007 - 2008.

>> Thí sinh khiếm thị Nguyễn Hữu Ất dự thi thế nào?

Đến đây, tôi mới hiểu được phần nào một sinh viên khiếm thị phải nỗ lực học tập thế nào để bắt kịp với những sinh viên bình thường khác.

Học bằng đôi tai, khối óc và ý chí

Buổi học tiếng Anh theo hình thức đối thoại rất cởi mở và thú vị. Ất chọn vị trí ngồi gần bàn giảng viên nhất để có thể dễ dàng lắng nghe từng lời giảng của thầy. Xung quanh, các bạn sinh viên khác mỗi người đều có giáo trình, vở ghi chép, nháp, sổ tay và bút rất đầy đủ cho một buổi học hiệu quả.

Riêng chỉ phần bàn nơi chàng sinh viên khiếm thị ngồi trống trơn không có sách vở, giấy bút hay một tài liệu chuyên dụng nào đó dành cho người khiếm thị. Phương tiện duy nhất giúp Ất học bài là đôi tai, khối óc và ý chí.

Mỗi khi tiếng thầy Đức giảng bài vang lên là các bạn sinh viên lại cắm  cúi ghi chép những cấu trúc câu hay từ mới thầy cung cấp. Còn Ất ngồi đó với đôi tai và cái đầu đang rất “động”. Ất chỉ có cơ hội nghe một lần nên buộc phải nhớ tất cả những gì thầy giảng buổi học hôm nay, bao gồm cấu trúc câu, từ mới, nghe hội thoại… Từ mới nào chưa hiểu, Ất nhờ Linh cô bạn ngồi bên cạnh đánh vần từng chữ cái để có thể hình dung ra con chữ và ghi nhớ nó.

Mỗi khi nghe giảng toàn thân của Ất vươn ra, đầu nghiêng nghiêng hướng về phía người nói như hứng lấy từng lời giảng với tinh thần tập trung cao độ. Do vậy cậu rất nhanh mệt mỏi. Hầu như suốt buổi học Ất phải vò đầu bứt trán như cố gắng gượng tiếp thu bài giảng tốt nhất. Trong lớp học, tôi thấy thân hình vốn gầy gò của Ất như càng bé nhỏ hơn, khuôn mặt xanh xao và yếu ớt.

Tôi thầm nghĩ khuôn mặt Ất sẽ đỡ xanh hơn, đôi mắt đỡ thâm quầng hơn và chứng đau đầu sẽ thuyên giảm nếu ước mơ của cậu có được một chiếc máy đọc để có thể nghiên cứu và sử dụng tài liệu trở thành hiện thực. Cậu vẫn canh cánh trong lòng, liệu có theo kịp các bạn cùng lớp không khi các môn học trong những kì tới càng ngày càng phức tạp.

“Lo lắm, lúc nào cũng nghĩ về những ngày sắp tới sẽ học như thế nào, không biết có theo được không. Mình luôn luôn nỗ lực hết khả năng những gì có thể làm được để không phải nuối tiếc” – Ất tâm sự.

Một điều khá bất ngờ với tôi là trong buổi học chàng sinh viên khiếm thị này rất năng phát biểu, những câu trả lời chậm rãi nhưng chắc chắn. Ất tâm sự: “Chăm phát biểu để có sai thì thầy còn sửa”.

Một ngày trên giảng đường cùng chàng SV khiếm thị ảnh 1
Em trai hàng ngày chở Ất đi học

Thầy ra bài tập cho cả lớp viết một đoạn văn ngắn bằng tiếng Anh. Trong khi các sinh viên khác hí hoáy viết đoạn văn ra giấy rồi gạch gạch xóa xóa thì Ất phải ngồi lặng ôm đầu suy nghĩ và hình dung ra đoạn văn. Khi nhiều sinh viên khác còn chưa hoàn chỉnh đoạn văn thì cậu đã lẩm nhẩm: “Xong rồi !”.

Ất quay sang Linh: “Thang máy đọc là gì?”. Ất đọc đoạn văn vừa sắp xếp cho Linh nghe để góp ý và bảo Linh đọc đoạn văn để nghe và học hỏi thêm.

Đối với những môn học khác cũng vậy. Ở giảng đường Ất tập trung nghe giảng cao độ đến mức những tiếng ồn bên ngoài Ất hoàn toàn không nghe thấy để ghi nhớ từng lời của thầy cô. Cho nên sinh viên khiếm thị rất nhanh thuộc bài và nhớ cũng rất lâu.

Nguyễn Hữu Ất sinh năm 1985 (Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An) trong một gia đình có 3 người mù bẩm sinh (bố và hai anh em Ất).

Trong suốt 3 năm học THPT, cậu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Khát khao học để thay đổi số phận không may mắn, năm 2007, Ất đã đi gõ cửa rất nhiều nơi, trong đó có Bộ GD&ĐT xin thi đại học. Cũng trong năm đó Ất được tạo điều kiện đặc biệt tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học 2007.

Nhà trường áp dụng hình thức trả bài kiểm tra các môn chủ đặc biệt đối với Ất: Đối thoại nghe nói với giảng viên. Giảng viên đọc đề bài cho Ất và đồng thời giúp bạn ghi chép lại những gì đã nói để chấm bài. Những môn học xã hội đối với Ất không khó khăn lắm.

Cậu thường đạt điểm cao ấn tượng đối với những môn này. Tuy nhiên, những môn liên quan đến phép tính phức tạp thì phải cần nhiều thời gian để Ất trình bày bằng chữ braille và đọc lại cho giảng viên. Đối với môn đòi hỏi diễn giải bằng bản đồ, đường biểu diễn, nhà trường cho Ất được miễn thi.

Trong những vòng tay nhân ái

Ngày nhập học, thầy Phó phòng Đào tạo Đại học CNHN đã gọi điện ngay cho Ất tạo điều kiện để làm giấy tờ trước. Ất trở thành tân sinh viên của khoa Quản trị kinh doanh 2K9 do thầy Vũ Đình Khoa chủ nhiệm. Thầy rất tâm lý và hiểu được đặc thù của người khiếm thị.

Thầy không chỉ giúp cậu làm các thủ tục giấy tờ nhập học mà còn là người mở đường tạo môi trường tốt cho người học trò không may mắn như bao sinh viên bình thường khác trong lớp học của mình.

Ban lãnh đạo nhà trường tổ chức một buổi nói chuyện thân mật để bạn được đề đạt nguyện vọng của mình trong quá trình tham gia học tập tại trường. Ất được đặc cách miễn mọi khoản đóng góp của nhà trường.

Đến môi trường mới, cậu canh cánh một điều: “Sợ nhất là không hòa nhập được với môi trường mới và bạn bè”. Tuy nhiên, tại trường đại học Ất được sống chan hòa, ấm áp trong sự quan tâm, đồng cảm và sẵn sàng sẻ chia của các bạn trong lớp và các bạn cùng xóm trọ.

Hàng ngày, các bạn trong lớp thay nhau đến rủ người bạn đặc biệt đi học. Hôm nay cũng như những ngày bình thường khác. Mới 12 giờ nhưng căn phòng khoảng 8 m2 của Ất đã rộn ràng tiếng nói cười, hỏi han của các bạn cùng lớp.

Căn phòng của Ất ở tầng hai của dãy nhà hai tầng khoảng 10 phòng cho sinh viên thuê ở. Phòng hẹp vừa đủ cho hai anh em Ất ở với ít ỏi đồ dùng. Đồ đạc trong phòng hầu như không có gì nên nhìn căn phòng khá thoáng. Điều khiến tôi chú ý nhất là những đồ dùng được bày trong phòng đều ngăn nắp, quy củ.

Nhìn căn phòng khó có thể nghĩ rằng đây là nơi ở của một người khiếm thị. Chạn bát ba tầng đặt gọn gàng trong một góc, trên đó những chiếc bát được sắp xếp gọn gàng. Một cái nồi, một cái chảo bên cạnh bếp ga mini nhỏ nhắn, tất cả đều sạch sẽ, sáng bóng không dính dầu mỡ.

Bên trên đóng một cái giá sách, nhưng số sách dành cho một sinh viên đại học đặt trên đấy quả vô cùng ít ỏi. Ngoài tập giấy trắng viết chữa braille mà Ất than mua khá tốn kém thì hầu như không có một quyển giáo trình đại học nào cho bạn có thể nghiên cứu, tham khảo.

Giảng bài cho Ất cũng vất vả hơn. Nhưng có hôm thấy Ất say mê học hỏi các bạn cùng xóm còn nhiệt tình giảng bài đến tận 2 - 3 giờ sáng. Trong lớp Ất là một tấm gương nghị lực đáng nể nên tiếng nói trong tập thể rất có trọng lượng. Ai cũng yêu mến và sẵn sàng giúp đỡ cậu.

Ở lớp Ất là một sinh viên mẫu mực còn ở xóm trọ sinh viên thì cậu giống như một người anh cả. Cả xóm thường gọi Ất với cái tên thân mật “bác Ất”. Hình ảnh “bác Ất” chăm  chỉ, chịu khó, hiểu biết và đáng tin cậy luôn trong tâm thức của những sinh viên sống tại đây. Mọi người ai cũng muốn giúp đỡ cậu dù chỉ là những công việc nho nhỏ như mua hộ thức ăn hay mua hộ vài quyển sách…

Với Ất, gia đình là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng và thắp sáng nghị lực cho cậu mỗi ngày. Ất có người bố cũng bị mất đi ánh sáng của đôi mắt và người mẹ tần tảo. Nhưng họ đã hy sinh tất cả để bằng mọi giá cho các con được đi học. Người bố bán bò và vay mượn trong sự can ngăn của hàng xóm để gom góp mua cho các con một chiếc đàn từ thuở Ất còn bé tí.

Dịp về quê thăm bố mẹ vừa rồi, câu nói: “Từ khi hai anh em  bay đi học đến chừ choa chỉ ăn toàn cơm với rau và nước mắm” và hình ảnh mẹ đi chợ mua vài lạng thịt bò thết đãi con từ Hà Nội về khiến Ất nghẹn ngào. “Gia đình mình là ngọn nguồn của ý chí và niềm tin để vươn lên trong những ngày khó khăn phía trước” - Ất tâm sự.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.