Một tuần ăn sóng nói gió

Một tuần ăn sóng nói gió
TP- “Chiến sĩ Hải quân luôn gắn với những ngày lênh đênh trên biển. Đến Đoàn Hải quân đánh bộ M47, Quân chủng Hải quân, được thực mục sở thị công việc của các anh, tôi không khỏi ngạc nhiên”.

Võ Thị Ánh Hồng, sinh viên khoa Sáng tác Lý luận Phê bình Văn học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nói như vậy sau một tuần được ăn sóng nói gió với chiến sĩ Hải quân.

Ánh Hồng nhớ lại ánh của những chàng binh nhất, binh nhì mà cô gặp trên thao trường Đoàn M47. Trong phút giải lao ngắn ngủi, các anh quây quần bên nhau, chỗ chăm chú chia sẻ thư nhà, người say sưa ngắm ảnh người yêu...

Thao trường bỏng rát nắng, gió bỗng trở thành sân khấu dã chiến, khi có sự xuất hiện bất ngờ của Ánh Hồng. Cô say sưa hát cùng các anh trên sân khấu đặc biệt ấy.

Trong lúc cao hứng Ánh Hồng hóm hỉnh  đặt câu hỏi với lính biển: Giả sử bây giờ Ánh Hồng là một hòn đảo thân yêu của Tổ quốc, các anh sẽ làm gì?”. Những chiến sĩ trẻ măng đồng thanh Quyết tâm phòng ngự chắc, phản công nhanh, quyết tâm giữ vững chủ quyền…

Mọi người lặng đi khi cô gái táo bạo đồng ý cho một người được hôn lên má mình.

Em chỉ xin được nắm tay chị thôi chị ạ - Binh nhất Nguyễn Thanh Tùng nói như vậy và rụt rè chìa đôi bàn tay thô ráp của mình nắm lấy đôi bàn tay mềm mại trắng ngần của Ánh Hồng.

Chỉ lính đảo xa mới có, đàn ghi ta một dây... - Thượng úy Nguyễn Đình Mạnh, chính trị viên C3d473 xuất hiện. Anh kể về chuyện tình của mình, giọng trầm trầm khác xa với cách nói sang sảng thường ngày.

Trong kỳ nghỉ phép ngắn trước khi ra Trường Sa nhận nhiệm vụ, số phận đã cho chàng sĩ quan quê An Lão, Hải Phòng gặp Thu Cúc, nữ sinh Trường Trung cấp y Hải Phòng. Tình yêu đến với họ thật bất ngờ. Những giây phút bên nhau qua mau, thay vào đó là cảm giác nhớ nhung khi anh lên tàu rẽ sóng ra khơi nhận nhiệm vụ.

Một tuần ăn sóng nói gió cùng cán bộ chiến sĩ Đoàn M47, Hải quân, Ánh Hồng hiểu rõ hơn hình ảnh người lính biển. Hằng đêm không còn giật thót mình bởi tiếng còi báo động, không còn thắc mắc thế nào là áp má, kề vai, nín thở,  bóp cò... 

Nghĩ về các anh, cô như thấy biển đang gần ngay trước mặt. Biển hiện lên với những con sóng bạc đầu miên man bờ cát, đợt này nối đợt kia cuồn cuộn, sục sôi, nung nấu...

Tình yêu, nỗi nhớ nhung của hai người được gói ghém qua 160 cánh thư. Nhiều mối tình của những người lính đảo chúng tôi đã bắt đầu như vậy! - Nguyễn Đình Mạnh đột ngột kết thúc câu chuyện.

Ánh Hồng giấu vội những giọt nước mắt đang đọng lại dưới hai bờ mi.

Từ trước cô quan niệm tình yêu phải được thể hiện bằng những giây phút bên nhau; là những lần tay trong tay dạo phố, thủ thỉ với nhau bên ly cà phê, trong một không gian lãng mạn, tình tứ...

Giờ đây, trong tâm trí cô, thay vào đó là hình ảnh lính đảo tư lự ngồi chờ một cánh thư từ đất liền, đọc chung nhau trang thư nhà đến nhàu nát...  

Chưa hết bâng khuâng vì câu chuyện tình giản dị thì phía sau một trung úy trẻ măng xuất hiện trong bộ quần áo dã ngoại lấm lem bùn đất đang sầm sập bước lên. Anh là Nguyễn Thành Trung, người được anh em trong đơn vị gắn cho biệt danh Trung thư pháp.

Bất ngờ hơn, khi cô nhận ra anh là ông đồ trẻ thể hiện bài Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn bằng thư pháp trên dải lụa dài 10m khi còn là học viên năm thứ 3 của Trường Sĩ quan Lục quân I.

Trong lúc Ánh Hồng đang miên man nghĩ, ông đồ Trung đã bày giấy vẽ, mực, bút lông ngay trên thao trường, vén tay áo cụ đồ lộ ra đôi cánh tay rắn chắc của con nhà lính, Trung chậm rãi thảo những nét bút mềm mại thể hiện câu nói của Bác Hồ khi Người về thăm Quân chủng Hải quân: Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó...

Cô tận mắt chứng kiến những người lính biển lăn lộn trên thao trường, nôn thốc nôn tháo trên boong tàu trong những lần thử sóng. Cô đã lần giở từng trang nhật ký của chiến sĩ, cuốn sổ bìa đỏ ghi lại những cảm xúc, những tâm sự thầm kín và  có cả những vần thơ chép vội …

Sổ này ghi nhạc, ghi thơ - Sổ này ghi những ước mơ trong đời - binh nhất Nguyễn Thanh Tùng bẽn lẽn trao cho cô vần thơ tự sáng tác mà khuôn mặt đỏ lự vì ngượng.

Từ nãy tới giờ cô nhà văn tương lai dường như làm chủ trận địa văn chương, nhưng khi chuyển sang đề tài tình yêu, cô hoàn toàn bị động. Những binh nhất, binh nhì phản công cấp tập khiến cô bối rối thẹn thùng.

Giữa tình thế gay cấn ấy, binh nhất Tô Vĩnh Dương, áp dụng chiến thuật bí mật đổ bộ đường biển quyết tâm bảo vệ bóng hồng. Hai người trở nên thân thiết khi Dương hào hứng kể cho cô nghe những bỡ ngỡ, băn khoăn của những ngày đầu quân ngũ, rồi giải thích về những chi tiết, đặc điểm bộ quân phục anh đang mặc trên người.

MỚI - NÓNG