Mùa cưới, nói chuyện hợp – tan - Bài cuối: Dìu nhau đến bờ vui

Mùa cưới, nói chuyện hợp – tan - Bài cuối: Dìu nhau đến bờ vui
TP - Cuộc sống ngày càng hiện đại, không ít cặp đôi chưa kịp yêu đã đòi cưới, vừa kết hôn đã vội chia tay để tìm hạnh phúc mới. Tuy nhiên, cũng không ít vợ chồng mặc dù khó khăn nhiều thứ, nhưng vẫn dành trọn tình cảm cho nhau, dìu nhau hướng về bến bờ hạnh phúc.
Mùa cưới, nói chuyện hợp – tan - Bài cuối: Dìu nhau đến bờ vui ảnh 1

Vợ chồng cô Yến, chú Toàn luôn khăng khít bên nhau lúc tuổi già.

Nồng ấm nghĩa vợ chồng

Nhiều người dân ở khu vực góc Pasteur - Võ Văn Tần (Q.3) đã quá quen thuộc với hình ảnh đầy yêu thương của đôi vợ chồng U60 bán nước giải khát ven đường. Đó là cô Yến, chú Toàn, gần 35 năm nên duyên vợ chồng, tình cảm vẫn ngọt ngào như ngày mới cưới. Đang trò chuyện với chúng tôi, có khách mua chai nước, cô Yến quay về phía chú, giọng nhẹ nhàng: “Anh ơi, lấy giùm em chai nước cho khách nghen”. Chú Toàn liền chạy tới, vui vẻ bán hàng. Xong nháy mắt với vợ: “Chút dọn hàng để anh làm cho nghen, em cố quá lỡ bệnh thì khổ…”.  Ánh mắt cô Yến nhìn chồng đầy hạnh phúc. Khi tôi trêu “người ta nói vợ chồng cô sáng sáng, chiều chiều đều chở nhau đi đi, về về. Cô ngồi sau ôm eo chú “tình” lắm. Cô Yến lườm yêu chồng, xua tay: “Làm gì có đâu. Tại cô không biết đi xe, mà nhà thì xa nên chú chở vậy thôi”.

Cô Yến nhớ lại năm 19 tuổi từ quê Long An lên Sài Gòn học may, có người bạn ở gần nhà với chú Toàn. “Lúc đó chú đẹp trai, nhà thành phố nhưng hiền khô à”- cô cười kể. Lúc đầu chỉ chơi chung nhóm rồi mến nhau lúc nào không biết. “25 tuổi, cô về chung nhà với chú. Ngẫm lại, tất cả đều là duyên”, cô Yến nhớ lại thuở ban đầu, đôi má ửng đỏ mỗi khi nhắc lại kỷ niệm đẹp ngày trẻ.

Quen và yêu nhau, tình cảm đậm đà là vậy, nhưng lấy nhau rồi, theo cô Yến bao thứ đổ lên đầu khiến nhiều lúc cô không kiềm chế được bản thân. Khắc khẩu, cãi vã, giận hờn cũng nhiều hơn. Nhưng nhìn lại, mình luôn đặt câu hỏi tại sao nên cơ sự này? Nhìn bóng dáng chồng lầm lũi bước ra cửa, bỏ lại bao bực tức phía sau sao mình thấy lòng quặn đau nhiều lắm. Rồi cô ngẫm lại mình: “Cô gái nhỏ nhẹ, dịu dàng ngày xưa đâu rồi. Sao lấy chồng về mình thay đổi tâm tính đến không nhận ra? Hơn nữa, hình ảnh con gái khóc thét khi cha mẹ cãi nhau làm mình thấy có lỗi. Vậy là cô tập “nhịn” và “nhường” nhiều hơn”.

Lúc đầu cũng khó, vì vợ chồng sàng tuổi nhau. Khi có “bão”, cô tập hít sâu, thở ra nhẹ nhàng, làm vậy chừng chục lần, cơn giận tan đi đâu không biết. Và chồng cũng có thời gian bình tĩnh lại trước khi nói. Mỗi người tự nhận ra lỗi của mình. Một nụ cười, một câu xin lỗi, một cái nắm tay cũng làm cả hai bật khóc, tự hứa với lòng không để chuyện này tái diễn thêm lần nữa. “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”- cô Yến đúc kết và nói thêm: Phụ nữ biết nhịn đúng lúc, thấy chồng nguôi nguôi, mình lựa lời giải thích. Đó là “chìa khóa” để hôn nhân của chúng tôi bền vững đến tận bây giờ”. Chia tay cô, tôi nhớ mãi hình ảnh đôi vợ chồng trung niên đang thong dong chở nhau trên chiếc xe máy cũ, len lỏi giữa dòng người đông đúc. Họ cùng nhau băng qua những thăng trầm của cuộc sống, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản vậy thôi.

Mùa cưới, nói chuyện hợp – tan - Bài cuối: Dìu nhau đến bờ vui ảnh 2 Anh Hòa lọ mọ cây gậy đi bán vé số kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nghèo nhưng anh Hòa - chị Linh rất hạnh phúc.

Vượt lên số phận

Dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn nhưng gia đình anh Hòa và chị Linh, buôn bán ở chợ phường 2, TP Tân An, tỉnh Long An vẫn mỉm cười trước nghịch cảnh. Gia đình anh chị nghèo tiền, nghèo bạc nhưng thừa tình yêu thương dành cho nhau. Đó chính là bí quyết giữ lửa yêu thương của gia đình anh chị nhiều năm qua. Anh Hòa mỉm cười kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời mình.

Anh sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em ở quận Bình Tân, TPHCM.  Từ nhỏ, anh và gia đình phải sống trong căn nhà trọ chưa đầy 25m2. Vì vậy, anh sớm chịu nhiều thiệt thòi. Cũng vì quá nghèo, không có tiền chữa bệnh mà biến chứng của căn bệnh sởi năm lên 4 tuổi vĩnh viễn cướp đi của anh ánh sáng cuộc đời. Cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn cộng với sự mất mát của đôi mắt khiến tuổi thơ của anh là những ngày đầy tăm tối. Anh Hòa chia sẻ: “Sự mặc cảm, tự ti khiến tôi mất hết niềm tin vào cuộc sống. Thế nhưng, được sự động viên của người thân, tôi quyết định tham gia học các lớp chữ nổi dành cho người khiếm thị. Sau khóa học, tôi xin gia đình đi bán vé số kiếm tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống”.

Từ những tháng ngày rong ruổi với tờ vé số, anh gặp chị Linh. Cuộc đời chị Linh cũng đầy bi kịch, một chân bị khuyết tật. Từ nhỏ, chị Linh sinh ra thiếu thốn tình cảm của cha. Khi lớn lên, chị có chồng và sinh được 2 người con gái. Thế nhưng, người chồng ấy thường xuyên nhậu say rồi đánh đập chị. Không chịu nổi người chồng vũ phu, chị ôm con về nhà mẹ ruột ở. Sau đó, ly dị rồi chị lên TPHCM làm công nhân. Tại đây, chị Linh được anh Hòa quan tâm, giúp đỡ. Qua những lần trò chuyện với chị Linh, anh Hòa dần nảy sinh tình cảm và thế là họ về chung một nhà.

Nhắc lại những ngày đầu mới yêu nhau, gia đình chị Linh kiên quyết phản đối vì cho rằng, anh Hòa sẽ trở thành gánh nặng cho chị. “Mặc dù, anh Hòa mất đi ánh sáng, nhưng tôi cảm nhận nghị lực sống của anh rất kiên cường. Từ khi về làm vợ anh, tôi chưa bao giờ cảm thấy quyết định của mình là sai. Hiện tại, cuộc sống của chúng tôi có nghèo tiền, nghèo bạc nhưng rất thừa tình yêu thương dành cho nhau. Nhiều lúc buôn bán được, anh Hòa còn chủ động khuyên tôi gửi tiền về lo cho hai đứa con ở quê”, chị Linh tâm sự.

Với tấm chân tình, sự đồng cảm dành cho nhau, anh Hòa, chị Linh thật sự sống hạnh phúc và nhận được sự chúc phúc từ hai bên gia đình. Anh Hòa chia sẻ: “Có thêm đứa con, cuộc sống của vợ chồng tôi khó khăn hơn rất nhiều nhưng chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và có thêm động lực để vươn lên”. Hàng ngày, vợ chồng anh Hòa, chị Linh bán hoa ở chợ TP Tân An. Những lúc hoa giá cao, thấy bán không lời, anh chị lại rong ruổi trên các con đường cùng nhau bán vé số. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng lúc nào anh chị cũng ở bên nhau cười cười, nói nói rất vui vẻ.

Nhiều năm tiếp xúc các vụ án ly hôn, luật sư Dương Thị Tới (Đoàn Luật sư TPHCM) cho hay, tình trạng ly hôn trong giới trẻ hết sức đáng lo ngại. Các vụ ly hôn chiếm tới 50% vụ án dân sự. Có những cặp vợ chồng kết hôn chỉ sau 2 tháng đã ly hôn. Dễ dàng đến với nhau rồi lại dễ dàng chia tay. Và, những mất mát đổ vỡ lớn nhất không phải chỉ đối với những cặp vợ chồng.

“Đối tượng mất mát lớn nhất ở đây là các con, các bé có thể trở thành đối tượng trong các vụ án tranh chấp quyền nuôi con” - luật sư Tới nói. Cũng theo các luật sư, tỉ lệ hòa giải thành công rất thấp và mỗi tháng bình quân tại các quận huyện ở TPHCM có từ 80 - 100 vụ ly hôn. Các cặp đôi dắt nhau ra tòa ly hôn thường nêu ra một lý do “kinh điển” là không hợp nhau về quan điểm sống. Nếu như xung đột về quan điểm đến vậy, tại sao trước đây lại yêu thương, thậm chí quyết định kết hôn với mong muốn gắn bó với nhau trọn đời?

TPHCM: 2,7 cặp kết hôn thì 1 cặp ly hôn

Các nhà xã hội học chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn tới ly hôn. Mâu thuẫn về lối sống chiếm gần 28%; ngoại tình 25%; kinh tế 13% và bạo lực gia đình gần 7%. Tại TPHCM, theo số liệu trung tâm tư vấn giáo dục tâm lý thể chất, mỗi tháng có từ 80-100 vụ ly hôn. Hiện bình quân 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ 30% và năm sau cao hơn năm trước.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.