Muốn tìm việc phải có kỹ năng

Muốn tìm việc phải có kỹ năng
TPO - Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia, giảng viên tại Hội thảo "Giải pháp gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động ở  Việt Nam" diễn ra sáng nay, 9 - 12 tại Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội.

 > Thiếu kỹ năng, giải tỏa ức chế

Tọa đàm giải pháp gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động ở Việt Nam diễn ra sáng 9 - 12 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
Tọa đàm giải pháp gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động ở Việt Nam diễn ra sáng 9 - 12 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Muốn làm việc đúng năng lực

Tiến sỹ Đào Thanh Trường, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phân tích chính sách (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội - công bố kết quả khảo sát về tình hình việc làm của cử nhân với nhu cầu thị trường trong năm 2009 – 2010.

Theo đó, kết quả khảo sát trên 2.948 sinh viên tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội (996 sinh viên), Đại học Quốc gia TP HCM (1.050 sinh viên) và Đại học Huế (902 sinh viên), khoảng 73,8% sinh viên tìm được việc làm, tạo ra thu nhập sau khi ra trường; 26,2% thất nghiệp.

Việc làm của sinh viên mới ra trường chủ yếu thuộc diện làm công ăn lương. 70,8% không hài lòng với công việc và có ý định “nhảy việc”.

Tọa đàm “ Giải pháp gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động ở Việt Nam” do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg Cộng Hòa Liên Bang Đức tổ chức.

Về tiêu chí tìm việc làm, ngoài yếu tố thu nhập, sinh viên đánh giá cao những việc làm phát huy được năng lực sở trường, có cơ hội được đào tạo và thăng tiến. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ 19% hy vọng tìm được việc làm đúng ngành nghề đã theo học.

Khảo sát cũng thống kê những khó khăn khi tân cử nhân đi xin việc. Có tới 58,2% sinh viên tốt nghiệp không biết xin việc ở đâu, 42% không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, 27% không xin được việc vì lý do ngành học không phù hợp với thị trường. 18% sinh viên không tìm được việc vì nhà tuyển dụng... không biết đến ngành đào tạo.

Theo Tiến sĩ Trường, 32% cử nhân thiếu kiến thức chuyên môn, 61% thiếu kỹ năng làm việc, 25% cử nhân kiếm được công việc không phù hợp với chuyên môn đào tạo…

Vấn đề nằm ở kỹ năng?

Thầy Trường cho biết, sau khi thực hiện các khóa huấn luyện cho những cử nhân không có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lao động (ở nông thôn, nghèo, ngoại ngữ trung bình, không tự tin…) về kỹ năng xác định giá trị bản thân, kỹ năng xây dựng CV và phỏng vấn xin việc, kỹ năng giao tiếp nơi công sở..., kết quả cho thấy, tỷ lệ có việc làm, thu nhập của những cử nhân trong nhóm đều tăng gấp nhiều lần so với nhóm đối chứng (không được tập huấn).

Tiến sỹ Trường đề ra giải pháp, nên tăng cường khối kiến thức kỹ năng mềm trong các chương trình đào tạo cho sinh viên, đồng thời xây dựng chuẩn đầu ra cho những ngành đào tạo, trong đó nhấn mạnh những địa chỉ nào sinh viên có thể làm việc, nếu đạt được chuẩn đầu ra của ngành học đó.

Tiến sỹ Phạm Mạnh Hà - Khoa Tâm lý trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
Tiến sỹ Phạm Mạnh Hà - Khoa Tâm lý trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Tiến sỹ Phạm Mạnh Hà - Khoa Tâm lý trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội - cũng thông báo, sau khi giúp nhóm sinh viên tập huấn một số kỹ năng, sinh viên đã xác định được động lực nghề nghiệp, biết cách làm hồ sơ xin việc, biết trả lời phỏng vấn, tự tin khi giao tiếp ứng xử,  tỷ lệ tìm được việc làm của những sinh viên này tăng lên nhiều và phần lớn được làm việc đúng với chuyên ngành.

Thầy Đào Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các kỹ năng mềm đã giúp sinh viên tự tin hơn, kiểm soát được bản thân, hình thành được lối tư duy phản biện, nhìn vấn đề ở nhiều góc độ, dẫn đến việc không còn thụ động, hình thành được tư duy độc lập, sáng tạo trong học tập, từ đó, có thêm những cơ hội khi đi xin việc...

Nhưng, có nên đưa các kỹ năng mềm vào giảng dạy trong các trường đại học?

Giáo sư - Tiến sỹ Lê Ngọc Hùng - Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, các ngành học đều có những phương pháp, kỹ năng riêng nên không nhất thiết phải đưa các kỹ năng mềm này thành một môn học, mà nên lồng ghép những kỹ năng này vào các môn, phù hợp với từng ngành đào tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Cao Đàm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách Trường Đại học Khọa học Xã hội và Nhân Văn cho rằng, để thuận lợi hơn trong quá trình tìm việc, cử nhân cần có thêm những kỹ năng làm việc, như sự đúng giờ, nguyên tắc: "Sinh viên mới đi làm phần lớn không biết làm việc theo cam kết, mà thường làm theo suy đoán" - Ông Đàm nói.

Chia sẻ suy nghĩ, Tiến sỹ Trịnh Văn Tùng – Khoa Xã hội học Trường Đại học Khọa học Xã hội và Nhân Văn  lại cho rằng, ngoài việc cần các kỹ năng mềm nên tính tới những yếu tố như quan hệ xã hội trong cơ hội tìm kiếm việc làm .

Thầy Tùng cho rằng, nên nghiên cứu thành lập một mạng lưới sinh viên sau khi ra trường, để biết được bao nhiêu sinh viên đã kiếm được việc làm, từ đó tạo lập một mạng lưới liên hệ giữa các sinh viên với nhau và nhà trường để tạo lập mối liên hệ công việc.

Tiến sỹ Phạm Mạnh Hà chia sẻ ý tưởng thành lập mạng lưới sinh viên với tên “ Huynh đệ”. Theo thầy Hà, mạng lưới này làm nhiệm vụ kết nối các sinh viên đã ra trường và có việc làm với nhà trường và các sinh viên đang còn theo học tại trường.

Theo đó, nhà trường sẽ giúp sinh viên ra trường có việc làm, và sinh viên đó, sau khi đã có việc, phải có nghĩa vụ và trách nhiệm giúp đỡ ba "đàn em" có được việc làm sau khi tốt nghiệp, và ba sinh viên đó sẽ tiếp tục giúp đỡ 9 sinh viên nữa có việc làm ....

Theo Viết
MỚI - NÓNG