Nam Cực – Đến và thấy

Nam Cực – Đến và thấy
TP – “Ở Nam Cực tôi đã nhìn thấy rất nhiều tảng băng trôi. Những tảng băng khổng lồ lở, phát ra âm thanh ầm ầm đổ xuống giữa đại dương… Nhìn cảnh ấy, tôi lại nghĩ về Việt Nam”…

Đó là một trong những cảm xúc mà đoàn thám hiểm Việt Nam chia sẻ với phóng viên Tiền Phong sau 2 tuần sống ở Nam Cực.

Nam Cực – Đến và thấy ảnh 1

Hoàng Minh Hồng: Nam Cực đã thay đổi tôi!

Với tôi, Nam Cực rất đẹp và lạ, giống như một thế giới khác. Đó là nơi không có một màu nào khác ngoài màu trắng, rất rộng, nước biển xanh thẫm, rất yên tĩnh và không có âm thanh của cuộc sống.

Ở đó, độ ẩm bằng không, không khí rất khô, lúc nào cũng có Mặt Trời. Mặt Trời, rất gần và rất chói. Chúng tôi phải đeo kính bởi lỗ thủng ozon ở Nam Cực rất lớn. Ở Nam Cực băng tan nhanh, người ta nói, có những tảng băng lớn bằng cả châu Âu cũng bị tách làm đôi.

Nếu như trong chuyến đi này, có người nào đã làm thay đổi những nhận thức về môi trường của tôi thì nhân vật ấy chính là Nam Cực. Nam Cực đã thay đổi tôi!

Ở nước ta, nghĩ đến vấn đề băng tan ở Nam Cực, nghe có vẻ xa xôi lắm, nhưng đó thực sự là vấn đề nguy hiểm. Nhưng nguy hiểm hơn là, ai cũng cho rằng sẽ có ai đó đứng ra bảo vệ môi trường chứ… không phải mình!

Tôi hy vọng, giới trẻ hiện nay – những người được tiếp cận với cuộc sống văn minh sẽ thay đổi suy nghĩ. Chính giới trẻ, chứ không phải ai khác, phải tiên phong trong bảo vệ môi trường.

TS Lê Tuấn: Đây là lúc để hành động

Chuyến đi này hết sức bổ ích đối với tôi. Có hai điều quan trọng nhất, trong vô số những điều tôi đã học hỏi được. Thứ nhất, để bảo vệ môi trường thì chỉ những lý lẽ của khoa học, của lý trí là không đủ, ta còn cần đến nhiệt huyết và con tim.

Ông Robert Swan (trưởng đoàn thám hiểm) đưa chúng tôi đến Nam Cực không chỉ để tận mắt chứng kiến những bằng chứng của biến đổi khí hậu, mà còn, và điều này quan trọng nhất, để truyền nhiệt huyết, truyền nghị lực cho chúng tôi, với hy vọng chúng tôi sẽ lãnh trách nhiệm và cổ vũ những người khác cùng tham gia bảo vệ môi trường.

Bài học quan trọng thứ hai, nói như lời của Robert Swan, “đây không phải là lúc để nói về những sự thật khó nghe, đây là lúc để tìm ra những giải pháp thích hợp”.

Nói cách khác đây là lúc để hành động, chứ không phải chỉ nói suông nữa. Mỗi người, tùy hoàn cảnh sống và công việc của mình, đều có thể và cần phải góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Hạn chế xài túi nylon cũng là bảo vệ môi trường, áp dụng các công nghệ sạch hay phát triển các dự án đảm bảo phát triển bền vững cũng là bảo vệ môi trường. Và mỗi người chúng ta phải làm việc đó, không có ai làm thay ta cả!

Tôi muốn chuyển thông điệp này tới giới trẻ: “Phải bảo vệ môi trường ngay lập tức”!

Nam Cực – Đến và thấy ảnh 2

Nguyễn Phương Anh: Nhìn băng tan, nghĩ về Việt Nam

Ở Nam Cực tôi đã nhìn thấy rất nhiều tảng băng trôi. Những tảng băng khổng lồ lở, phát ra những âm thanh ầm ầm xuống giữa đại dương. Biến đổi khí hậu là đây chăng?

Theo báo cáo, nhiệt độ trung bình của mỗi cây số vuông ở Nam Cực tăng lên 3 độ C và số lượng chim cánh cụt Emperor giảm 50% trong vòng 50 năm qua… Còn trong chuyến đi này, chúng tôi không nhìn thấy bất cứ chú chim cánh cụt Emperor nào.

Nhìn những tảng băng tan ở Nam Cực tôi lại nghĩ về Việt Nam. Tôi được biết, nếu nước biển dâng lên 1m do băng ở Nam Cực tan, thì tại Việt Nam, hai vựa lúa ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long sẽ mất đi rất nhiều diện tích đất canh tác. Vậy thì, chúng ta phải làm gì để bảo vệ đất nước khỏi thảm họa môi trường?

Bây giờ không phải là lúc hô khẩu hiệu mà phải hành động.

Thời gian tới, tôi sẽ:

Nói chuyện với giới trẻ và doanh nghiệp về Nam Cực và môi trường

Lập website về môi trường.

Đề xuất và thực hiện các chiến dịch vì môi trường, trong đó có chiến dịch kêu gọi không sử dụng túi nylon; và chiến dịch Tiết kiệm Năng lượng.

Nguyễn Phương Ngân: Cỏ đã mọc ở Nam Cực

Những gì tôi nhìn thấy, từ Nam Cực đó chính là nguy cơ tốc độ băng tan nhanh hơn do nhiệt độ tăng trong những năm gần đây. Tại đảo Nelson, 2 loài cỏ mới đã được phát hiện. Thời tiết ấm dần lên đã tạo điều kiện cho một số loài cỏ phát triển. Và đấy là những minh chứng rõ ràng nhất về Biến đổi khí hậu mà chúng tôi được tận mắt chứng kiến.

Rõ ràng là Việt Nam cách xa Nam Cực và tưởng chừng như không có một sự liên kết cụ thể nào. Nhưng sự nóng lên toàn cầu sẽ khiến cho tốc độ băng tan ở đây diễn ra nhanh hơn, kéo theo mực nước biển dâng. Và, nước ta với đường bờ biển kéo dài, mực nước biển dâng sẽ làm mất đi diện tích sống và canh tác của hàng triệu người dân Việt Nam.

Trong thời gian tới, là một cán bộ truyền thông của WWF Việt Nam, tôi đang tham gia vào công tác chuẩn bị chương trình Giờ Trái Đất 2010, một sáng kiến toàn cầu của WWF về biến đổi khí hậu.

Chương trình kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia tắt các ánh sáng và thiết bị điện không cần thiết trong 1 giờ vào lúc 20h30 – 21h30 ngày 27 tháng 3 năm 2010. Chương trình là một cơ hội để tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, nghề nghiệp, dân tộc thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm đối với hành tinh này.

Nguyễn Lan Anh: Xả một chiếc túi nylon cũng là tội lỗi

Châu Nam Cực chinh phục tôi bằng sự kỳ lạ của nó. Lạnh lẽo, khắc nghiệt, hùng vĩ, mãnh liệt, bình yên, giản dị, trong trẻo. Buổi sáng sớm hôm đó, gió từ eo Drake tràn về, giật chiếc lều trại cá nhân mỏng manh, đánh thức tôi khỏi giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê của đêm trắng Nam Cực. Chúng tôi hối hả dọn lều trại trở về tàu.

Đúng lúc đó, nghe tiếng mọi người hô hoán. Tôi ngẩng mặt lên, thấy ông Robert Swan và vài người khác đang chạy đuổi theo một chiếc túi nylon màu đen mà ai đó đã sơ ý để lọt ra ngoài.

Chiếc túi mỏng bị gió giật tung trong tuyết, bay lên đồi tuyết cao và mất hút khỏi tầm mắt. Không theo kịp cơn gió, những người rượt đuổi quay lại, vẻ mặt như vừa gây ra tội lỗi.

Tại sao chiếc túi nylon cũng khiến nhiều người lo lắng đến thế? Vì châu Nam Cực rất dễ bị tổn thương. Sự mỏng manh của môi trường nơi châu lục băng giá này khiến cho những thành viên đoàn thám hiểm IATE 2009 suy nghĩ rất nhiều về môi trường sống trong thế giới văn minh.

Chưa bao giờ Trái Đất đông người như hiện nay. Cũng chưa bao giờ con người tiêu thụ nhiều vật chất như hiện nay.  Khí thải nhà kính từ đâu ra? Mỗi cá nhân đều chịu trách nhiệm cho một lượng khí thải nhất định, gọi nôm na là “dấu ấn carbon” (carbon footprint).

Dấu ấn carbon nhiều hay ít tuỳ thuộc vào lối sống của mỗi người, như bạn có dùng nhiều năng lượng, có đi xe hơi không, có đi máy bay thường xuyên không, thậm chí có ăn nhiều thịt không.

Thủ phạm lớn nhất của khí thải CO2 là các loại năng lượng hoá thạch, ví dụ các nhà máy điện sử dụng than đá, và các hoạt động công nghiệp. Phá rừng cũng góp phần lớn cho việc tăng khí thải, do cây xanh là nguồn hấp thụ CO2 chủ yếu đang bị tàn phá mất đi trên khắp Trái Đất.

Nỗi hoang mang về tương lai và “ngày tận thế” là phi lý, nhưng không còn nghi ngờ gì về việc băng tan ở châu Nam Cực có thể ảnh hưởng đến người trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hơn nữa, việc chặt đi một cái cây, đốt đi một cánh rừng ở Việt Nam cũng có tác động trực tiếp tới bầu khí quyển và gián tiếp tới nhiệt độ trên Trái Đất. Có thể rất nhiều người biết điều này, nhưng rất ít người nghĩ rằng, ai cũng có một vai trò trong việc bảo vệ cho môi trường sống của mình tốt hơn.

Lê Tuấn: Tiến sỹ ngành quản trị kinh doanh quốc tế, là một doanh nhân trong lĩnh vực tài chính dự án, mày râu duy nhất của đoàn Việt Nam thám hiểm Nam Cực.

Nam Cực – Đến và thấy ảnh 3

Lê Tuấn

Hoàng Minh Hồng: Người Việt Nam cắm cờ ở Nam Cực năm 1997. Chị đã cống hiến hơn 12 năm qua cho rất nhiều chương trình nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, thông qua các chiến dịch tuyên truyền do chính chị phát động.

Nam Cực – Đến và thấy ảnh 4
Hoàng Minh Hồng

Nguyễn Phương Ngân: Làm việc tại WWF - Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên.

Nam Cực – Đến và thấy ảnh 5
Nguyễn Phương Ngân

Nhà báo Nguyễn Lan Anh: Viết về mảng kinh tế của báo Sài Gòn Tiếp Thị và tạp chí Forbes Asia tại khu vực Đông Nam Á. Lan Anh giành được học bổng Fulbright để theo học chương trình cao học báo chí  kinh tế tại đại học Boston (Massachusetts, Mỹ) từ 2003 đến 2005...

Nam Cực – Đến và thấy ảnh 6
Nhà báo Nguyễn Lan Anh

Nguyễn Phương Anh: Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh tại trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh ở trường Solvay, Bỉ.

Nam Cực – Đến và thấy ảnh 7
Nguyễn Phương Anh

Đã kinh qua nhiều công việc, từ chánh văn phòng Công ty luật Coudert Brothers (Mỹ), giám đốc điều phối của Samsonite khu vực Nam Á đến giám đốc chi nhánh Công ty chứng khoán Thiên Việt tại TPHCM (TVS)

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.