Nam sinh học sản khoa

Nam sinh học sản khoa
TP - Chưa một lần yêu, nhưng ngay ngày đầu thực tập thầy giáo đã yêu cầu thực hành bài vắt sữa cho sản phụ… Đó là một trong những chuyện ngại hết biết của những chàng học sản.
Nam sinh học sản khoa ảnh 1
Sinh viên y thực hành mổ đẻ

Ngày đầu tiên bước chân đến Bệnh viện Phụ sản T.Ư thực hành sản khoa, Nguyễn Chí Việt (sinh viên Y4 – trường ĐH Y Hà Nội) không giấu được ngại ngùng.

Việt kể, lần đầu đối diện với một ca đẻ, khác với học lý thuyết rất nhiều. Hỏi khác thế nào, Việt chỉ cười và diễn tả bằng từ “rất ngại”.

Kỷ niệm khó quên với Việt là lần theo chân thầy giáo (đồng thời là bác sĩ) vào thăm một bệnh nhân vừa sinh con nhưng chưa có sữa. Ở viện có sẵn ống hút, giúp người mẹ hút sữa ra cho con bú.

Hôm đó, thầy giáo đưa ra tình huống: “Ở các bệnh viện huyện không có ống hút sữa, bác sĩ phải vắt sữa giúp bệnh nhân”. Dứt lời, thầy gọi một bạn ra thực hành. “Lúc đó, cả đám con trai đỏ mặt, đùn đẩy không ai dám tiến lại gần bệnh nhân để vắt sữa” - Việt nói.

Nguyễn Tô Hoàng (Y4C – ĐH Y Hà Nội) cũng học sản khoa, kể: “Hồi đầu, đi chơi với bạn gái mới quen, chẳng may bạn ấy bị đau bụng. Mình hỏi có phải bạn đang có kinh nguyệt không, có đều không. Không ngờ bạn ấy giận bỏ về. Sau này, thân thiết hơn mình được dịp phổ biến kiến thức mang bầu, sinh đẻ từ kỳ kinh cuối, khi có thai, phụ nữ xấu hơn thế nào, khi sinh đau đớn ra sao…bạn mình nể lắm”. 

Không chỉ nam sinh, ngay cả bác sĩ trẻ sản khoa khi cởi áo blouse đi chơi với người yêu cũng có những chuyện dở khóc dở cười.

Bác sĩ nội trú Bệnh viện Phụ sản T.Ư Nguyễn Lê Minh, kể: “Có lần tôi đến nhà một cô gái mới quen, đang có ý định tán tỉnh. Sau khi biết mình là bác sĩ khoa sản, cô gái lôi một chồng bệnh án của bà, mẹ, cô, dì ra nhờ Minh tư vấn ngay tại chỗ. Sau đó, còn đưa mẹ đến tận viện Minh làm để nhờ điều trị. Lúc đó thật ngại quá, đành nhờ bác sĩ khác khám giúp”.

Thương mẹ hơn

Bác sĩ trẻ Nguyễn Lê Minh (SN 1983) có bốn năm làm việc tại Khoa sản, Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Anh cho biết, lý do chọn nghề sản vì bố mẹ đều là bác sĩ sản khoa.

Từ bé, nhiều khi Minh được theo mẹ đến viện, trong từng bữa cơm nghe bố mẹ bàn luận về những ca sinh đẻ, những món quà quê khi là chục trứng gà, khi là buồng chuối chín cây người nhà bệnh nhân mang đến cảm ơn bác sĩ. Nghề nghiệp cứ ngấm dần vào anh. Rồi lớn lên đi thi đại học, không phải suy nghĩ nhiều anh chọn trường y, chuyên Khoa sản.

Là bác sĩ nam trẻ, trung bình mỗi ngày phải đứng bàn mổ từ 5 - 7 ca, ngày cao điểm tới 10 - 12 ca. Theo cách nói tếu táo của bạn bè cùng trang lứa thì anh là người may mắn, được mục sở thị nhiều hình ảnh nhạy cảm nhất. Anh kể, nhiều lần bạn hỏi: “Biết nhiều thế có bị lãnh cảm không?”, Minh cười: “Tình yêu là một thế giới bí ẩn, lãnh cảm sao được”.

Thầy Hồ Sĩ Hùng, giảng viên trường Đại học Y Hà Nội, nhiều năm trong nghề giảng dạy và đưa sinh viên về các khoa sản, viện sản thực tập, cho biết, cùng một khóa học, ban đầu bao giờ sinh viên nam cũng e dè, ngại ngùng hơn nữ. Các thầy chia nhóm có cả nam lẫn nữ để các bạn làm quen. Tuy nhiên, sau những ngần ngại ban đầu, các bạn nam lại mạnh dạn, bản lĩnh trong những ca mổ khó.

"Khi đối diện bệnh nhân, chúng tôi chỉ tập trung chuyên môn. Còn khi cởi bỏ áo blouse, chúng tôi nhìn phụ nữ dưới góc độ khác. Cảm xúc, sự tò mò trở lại bình thường. Nhiều người ngoại đạo nghĩ chúng tôi biết nhiều chắc dễ bị lãnh cảm. Nhưng, thực tế, nam bác sĩ chuyên khoa sản vẫn rất thích phụ nữ"- Bác sĩ nội trú Bệnh viện Phụ sản T.Ư Nguyễn Lê Minh.

MỚI - NÓNG