Nâng niu từng ngày sống bằng thơ

Nâng niu từng ngày sống bằng thơ
TP - Chàng trai tật nguyền tìm đến thơ để lấp đầy chuỗi ngày dài trên giường bệnh, để thấy mình còn tồn tại, để vun gốc cây đời bằng chút sức cỏn con, mong đến khi cuối đời có thể hiến xác của mình cho khoa học.
Nâng niu từng ngày sống bằng thơ ảnh 1
Chơi đàn bằng đôi tay tật nguyền

Sinh năm 1986, Nguyễn Văn Hợp ở thôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk bị chứng bệnh quái ác "Loạn dưỡng cơ" giày vò 21 năm nay. Trái ngược với ông anh song sinh vừa học xong Cao đẳng Thể dục Thể thao vạm vỡ như hộ pháp, Hợp nhỏ thó, tong teo, chân tay co rút.

Từ khi phát bệnh đến giờ, gia đình đưa Hợp ra Bắc vào Nam không biết bao nhiêu lần. Cuối cùng phải chấp nhận thực tế là bệnh không thể chữa.

Chuyện học hành của Hợp đành gác lại ở cuối năm lớp 11. Từ đó đến nay, chỉ còn chiếc giường nhỏ, cái tivi và bốn bức tường nhỏ làm bạn.

Hợp ở nhà một mình, nỗi cô đơn và sự mặc cảm của bản thân trước cuộc đời cứ lớn dần, ngày càng dồn nén.

Từ 2006, Hợp bắt đầu tập làm thơ. Viết rồi xé, xé rồi viết. Trên giường bệnh, nguồn sống của chàng trai tật nguyền được nuôi dưỡng bằng những câu thơ.

Rồi một lần, tình cờ xem tivi thấy phát chương trình văn nghệ giới thiệu về Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đăk Lăk, Hợp đánh bạo gửi cho Chủ tịch Hội một bức thư và nhanh chóng nhận được hồi âm động viên cùng những lời khuyên bổ ích.

Làm được bài thơ nào, Hợp lại phải nhờ người ra bưu điện gửi. Mỗi bài thơ đăng lên tạp chí Chư Yang Sin của Hội, Hợp lại nhận được năm mươi ngàn đồng nhuận bút, đầy ý nghĩa và niềm vui.

Bất ngờ lớn nhất là chùm thơ ba bài về Tây Nguyên được nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chư Yang Sin năm 2007. Trong lễ trao giải, chàng trai đến từ huyện Lăk được bố cõng lên sân khấu nhận khen thưởng. Từ đó đến giờ, Hợp trở thành cộng tác viên thường xuyên cho Tạp chí.

Hạt phù sa vun gốc cây đời

Từ đó, Hợp như được chắp cánh, dù căn bệnh quái ác liên tục hành hạ anh bằng những cơn co rút đau đớn khiến việc cầm bút trở nên khó khăn.

Tỉnh Đoàn gửi tặng Hợp chiếc máy tính. Mẹ Hợp buồn rầu với riêng tôi: "Bác muốn nối mạng để nó biết thêm thông tin bên ngoài, khổ nỗi nhà còn nghèo quá, không lấy đâu ra tiền. Đến cái USB để nó bỏ bài vào đi in mà mấy lần rồi vẫn chưa mua được".

Nhờ chiếc tivi cha mẹ Hợp gom góp mua bằng tiền vay mượn, Hợp hiểu thêm dòng chảy ngoài xã hội, coi đó là nguồn tri thức và cảm hứng sáng tác.

Có lần Hợp được theo bố ra phòng LĐ - TB - XH của huyện để làm thủ tục nhận trợ cấp cho người tàn tật. Anh tình cờ thấy người thương binh với đôi nạng gỗ di chuyển trên hành lang, tiếng động của đôi nạng gỗ gõ xuống nền nhà đã làm một em bé bị nhiễm chất độc da cam tỉnh giấc choàng dậy, dõi theo với ánh mắt lộ rõ ước mơ một lần được đi, dù chỉ với đôi nạng gỗ như người thương binh.

Hợp về, run tay gõ: Đứa trẻ da cam ánh mắt tròn ngơ ngác/Nhìn người lính già với đôi nạng trên tay/Mắt em bỗng long lanh khao khát/Những bước chân lộp cộp tựa thiên thần...

Dõi mắt về cánh đồng Buôn Triết mênh mông qua khung cửa chật hẹp, Hợp thổ lộ: “Em biết em không sống được lâu nữa. Cả đời em không làm được gì cho ai. Em chỉ muốn khi chết đi có thể hiến giác mạc của mình cho những người cần.

Em bệnh tật nhưng mắt em vẫn sáng. Rồi nếu được, thì em sẽ hiến xác mình cho khoa học". Bố Hợp ngồi bên tôi,  quay đi giấu nước mắt.

Hợp đã liên hệ với hội chữ thập đỏ tỉnh để hiến giác mạc nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Còn hiến xác cho y học thì vẫn chưa biết liên hệ chỗ nào. "Anh có thể giúp em đưa nguyện vọng này lên báo được không? Em chỉ sợ mình mất đi mà tâm nguyện chưa thực hiện được!".

Ngồi trên giường, Hợp cất giọng ấm áp đọc tặng tôi bài thơ Cát bụi vừa sáng tác: Ta là cát bụi/Dù ở đâu cát bụi rong chơi/ Ta vẫn là bụi phù sa màu mỡ/Bụi phù sa vun gốc cây đời...

MỚI - NÓNG