Ngại và mừng!

Ngại và mừng!
TP - Đang có một lớp trẻ (hình như thế hệ chúng tôi không có được) âm thầm nhưng không kém quyết liệt gấp gáp từng nhịp bước để nhắm đến cái đích của mưu sinh, đến cái nghề lẫn nghiệp của cuộc đời: Làm báo!
Ngại và mừng! ảnh 1
Người trẻ làm báo. Ảnh minh họa: Hoàng Minh (Tuổi Trẻ).

Bẵng đi cỡ hơn tháng không thấy nó ghé qua nhà như nhiều thứ Bảy, Chủ nhật khác. Nó là thằng cháu kêu tôi bằng bác đang học năm thứ ba Khoa Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội.

Tuần rồi, mới thấy nó tới nhà. Người đen nhẻm, hình như nó đang có điều chi xúc động nhưng lại rụt rè hôm trước cháu bị bắt bác ạ... Trước vẻ hốt hoảng của tôi, nó nhe răng cười à mà không phải, chỉ bị giữ thôi!

Qua anh cháu, tôi được biết nó cùng đi với phóng viên một tờ báo xuống một xã ngoại thành Hà Nội. Qua đường dây nóng, có tin phản ánh về tòa báo ấy là đang có chuyện khiếu kiện về đất đai chi đó.

Hai anh em phóng xe máy đến nơi. Hóa ra là việc cưỡng chế của chính quyền địa phương với một số hộ vi phạm (xây nhà trái phép) trên đất canh tác. Do một số hộ dân chưa thông nên có tin khẩn qua đường dây nóng như thế.

Sự có mặt của hai anh chàng ký giả còn non choẹt ấy ở một địa bàn nhạy cảm đó khiến các nhà chức việc của huyện (tham gia cưỡng chế) đặt nhiều dấu hỏi. Có người vội cho rằng hai anh này đến kích động hoặc tệ hơn vào hùa với một số người của xã sở tại chống lại lệnh cưỡng chế. Lập tức, hai chú chàng được đưa vào trụ sở xã để làm rõ.

Khi rõ được mọi việc với sự có mặt của người thay mặt cho tờ báo ấy thì cũng đã non ba giờ đồng hồ. Người bị giữ và người giữ đều vui vẻ bắt tay nhau tạm biệt hẹn gặp nhau khi khác.

Cũng cần mở ngoặc thêm rằng, trong thời gian đợi làm rõ ấy, bữa trưa, hai chú chàng được dằn bụng bằng bánh mì và sữa của các nhà chức việc địa phương mua cho.

Lại cũng phải nói thêm, anh cháu tôi ngay từ năm học thứ hai đã là cộng tác viên của vài tờ báo trong việc đưa tin viết bài ở mục người tốt việc tốt và cả những việc chưa tốt.

Ngoài thời gian học, do quen biết, nó còn tranh thủ đeo bám các anh chị phóng viên báo này ở báo khác học cách hành nghề báo mà như nó từng bộc bạch lẫn khăng khăng rằng, mai sau dù có thế nào cứ quyết tâm theo cái nghề báo.

Có dịp đảo qua trường, hóa ra cái máu nghề báo không riêng chi cháu tôi mà nhiều anh chị trong Khoa Ngôn ngữ nói riêng; những khoa khác nói chung như Văn, Sử cũng kha khá. Không biết tự bao giờ mà những cô cậu viết báo nghiệp dư đã liên kết với nhau thành lập hẳn một trang mạng mang tên Ai đã và đang muốn làm báo.

Các thành viên liên kết với một số sinh viên Khoa Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội hoặc Học viện Báo chí Tuyên truyền gặp gỡ nhau hoặc trên mạng.

Họ thảo luận trao đổi kinh nghiệm, tranh luận về nghiệp vụ viết báo, làm báo, cách lấy tin ảnh, xử lý bài vở. Họ cũng được sự trợ giúp nghiệp vụ lẫn nhiệt tình của nhiều phóng viên ở một số báo, nhất là khâu biên tập để lo đầu ra cho những đề tài, bài vở có chất lượng của những tay viết nghiệp dư này.

Nhuận bút hẵng còn còm cõi nhưng, với những cô cậu ấy, là một cái gì đáng kể và giá trị. Nhất là với thằng cháu tôi, mẹ làm ở công ty vệ sinh (nghề quét rác) ở một tỉnh lẻ.

Có dịp ngó qua những tin bài ảnh chụp của những tay máu viết báo mặc dù còn phải bận lo chí chết cho việc học hành thi cử ấy, ngoài những thứ loạc choạc nóng vội và nhiều điều cần phải bàn, dường như cách tìm, kiểu xử lý đề tài có phần thẳng thắng trực diện cùng ngôn ngữ thể hiện hơi bị tươi mới so với cánh chuyên nghiệp?

Không biết có nên khuyến khích anh cháu tiếp tục nuôi dưỡng cái máu nghề báo để mai kia có cơ can dự vào cái nghề cực nhọc lẫn nguy hiểm này? Người ta chẳng đã nói, có hai mốc quan trọng trong cuộc đời là chọn nghề và chọn vợ (hoặc chồng).

Đang có một lớp trẻ (hình như thế hệ chúng tôi không có được) âm thầm nhưng không kém quyết liệt gấp gáp từng nhịp bước để nhắm đến cái đích của mưu sinh, đến cái nghề lẫn nghiệp của cuộc đời: Làm báo!

Chưa dám lường trước những sự đứt đoạn lẫn hay dở này khác nhưng máu nghề (là một cách nói) là tiêu chí đầu tiên, là số một nếu không muốn nói là duy nhất đối với tất cả những ai can dự vào nghề và là chiếc neo bền chặt để họ trụ vững với nghề.

Sẽ như thế nào lớp người trẻ ấy lại được tiếp tục trau dồi tinh thông những tin học những ngoại ngữ để mà mai kia chuyên nghiệp hơn, hội nhập với thế giới hơn trong sứ mệnh truyền thông mà thế hệ cha anh họ đang còn dang dở?

Ngại thay mà cũng mừng thay.

MỚI - NÓNG