Ngắm Ánh sáng từ bàn tay

Ngắm Ánh sáng từ bàn tay
TP - Các em khiếm thị vẽ tranh, làm gốm, điêu khắc là hiện thực tại triển lãm Ánh sáng từ bàn tay.

Phòng triển lãm 29 Hàng Bài chiều 25/4 đông chật quan khách, từ Đại sứ Nhật Bản, Phó Đại sứ Thái Lan, đại diện các quỹ hỗ trợ đến từ Thụy Điển, Đức... đến giới thông tin, công chúng muốn thực nhãn sản phẩm nghệ thuật từ đôi bàn tay trẻ em khiếm thị trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Với hơn 40 bức tranh, hàng trăm hiện vật gốm nung, tráng men sơ, khách tham quan đi hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.

Tranh của các em khiếm thị nhìn chung khá đơn giản, bố cục tự nhiên, chủ đề giản dị về cuộc sống: Bà em, Vui chơi, Hội làng, Cô giáo và vườn hoa... Buổi khai trương triển lãm, các em vẽ, nặn đồ gốm tại phòng trưng bày, thỏa chí tò mò cho tất thảy quan khách.

Từ cảm nhận tới tái tạo, các sản phẩm ra đời mang nhiều ý tưởng sáng tạo mới: có trái tim nằm nguyên trong ngực để giữ nhịp đập, có trái tim nằm gọn trên chiếc bông hoa, có trái tim lại ở trên đôi giày đi khắp thế gian...

Giấy vẽ đặt trên khuôn lưới giúp các em nhận biết được đường nét, trông qua cứ tưởng các em vẽ như mắt thường, kể cả việc tô màu sáp cho tranh.

Dự án Nhà Nghệ thuật (Art House) của trường Nguyễn Đình Chiểu (NĐC) hình thành từ hai năm nay, hoạt động chính thức từ 11/2008, nhen niềm say mê sáng tạo nghệ thuật từ những đôi tay biết nhìn.

Sản phẩm là gốm nung thô, hay tráng men đủ loại hình, từ con vật, đồ dùng, tới những thứ khó tưởng tượng hơn là trái tim, gương mặt... qua cảm nhận từng đôi tay các em.

Trong cuộc chơi nghệ thuật độc đáo, các em khiếm thị được dẫn dắt bởi các họa sĩ Thẩm Đức Tụ, Đào Ngọc Huỳnh, Nguyễn Tường Linh, nhà điêu khắc Đỗ Quốc Vị, các nghệ nhân gốm Bát Tràng, Phù Lãng, và cả nghệ sỹ gốm Thụy Điển Elisabeth Persson. Các em được sờ, cảm hiện vật đã nung để tái tạo lại theo cách cảm riêng.

Trong số hơn chục học sinh tham gia dự án, Bùi Thế Thành có đôi bàn tay khéo léo nhất, các tác phẩm của em nhiều tính sáng tạo nhưng, theo thầy Vị, Lương Quốc Hưng lại là người đưa ra nhiều ý tưởng thú vị nhất.

Ông Phạm Hữu Quỳ- hiệu trưởng trường NĐC đánh giá: "Tác phẩm của các em còn mộc mạc, sơ sài đôi chỗ còn thô cứng nhưng ẩn chứa trong đó là những khát khao khám phá, những cảm xúc, ước mơ và ý chí vượt lên số phận kém may mắn, hoà nhập cuộc sống".

Cô giáo Hương Giang- người có sáng kiến dạy vẽ cho các em khiếm thị - kể: "Tôi gắn bó với các em từ hơn mười năm, với vai trò dạy mỹ thuật cho các em bình thường ở trường NĐC. Ý tưởng dạy vẽ cho các em khiếm thị của tôi phải mất một thời gian mới thuyết phục được các em, cũng như được sự ủng hộ của các giáo viên khác.

Chúng tôi  miêu tả bằng lời, hoặc tạo hiện vật để các em cảm nhận, biến hình khối ba chiều thành hình vẽ trên giấy. Với các em không nhìn được, chúng tôi giúp các em định nghĩa màu sắc: mặt trời màu đỏ, mây hồng..."

Mai - một trong số học sinh có tranh triển lãm cho hay: "Khi vẽ tranh, các bạn nhìn kém có thể tự chọn màu và hình dung chủ đề, hình khối, còn các bạn không nhìn được phải nhờ thầy cô, bạn bè tư vấn về màu sắc".

Khó khăn không ít, ước mơ vẫn lấp lánh trên gương mặt tất cả các học trò đặc biệt. Có em tâm sự: "Sau khi học hết lớp 9 trường NĐC, em hi vọng mình có thể thi vào trường nghệ thuật Hà Nội. Em muốn trở thành nghệ sĩ".

Những người thầy trực tiếp hướng dẫn các em cũng bộc bạch, sau triển lãm, mọi người đều hi vọng có hướng đi mới cho các em, không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập, tìm tòi, sáng tạo của các em trong lĩnh vực nghệ thuật, mà còn hi vọng sớm có trường lớp chính quy đào tạo chuyên nghiệp cho các em.

Cả thầy và trò đều lấp lánh hi vọng, có em sau này sống được bằng đôi tay giàu sáng tạo. Người thận trọng hơn cho rằng việc giúp các em theo ngành nghệ thuật còn nhiều điều cần bàn, cần xuất phát từ thực tế.

Phát biểu của đại diện các quỹ hỗ trợ dự án: "Mong giới trẻ có cái nhìn chính xác hơn, thừa nhận khả năng của những người kém may mắn, và xóa bỏ khoảng cách trong cuộc sống, sáng tạo của người khiếm thị".

Triển lãm tranh, đồ gốm Ánh sáng từ bàn tay diễn ra đến 30/4, nhận được hỗ trợ của CBM, DED, W.P Schmitz Stiftung (Đức), Lion Club (Thụy Điển), Pico Plaza…

Đại diện trường NĐC hi vọng tìm được nguồn hỗ trợ ổn định để duy trì hoạt động thường xuyên, và tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật ý nghĩa hơn, giúp các em hòa nhập cuộc sống.

MỚI - NÓNG