Ngày càng nhiều người thích “Đổi giấy lấy cây”

Ngày càng nhiều người thích “Đổi giấy lấy cây”
TP - Trong nhiều chương trình kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, “Đổi giấy lấy cây” được hoan nghênh dài lâu. Đã qua mùa thứ sáu, số lượng người tham gia từ 50 hiện lên đến gần 3.000.

Tổng kết các hoạt động “Đổi giấy lấy cây” gần đây, đại diện ban tổ chức cho biết, đa số người tham gia là học sinh, sinh viên và các em nhỏ. Chương trình bắt đầu từ tháng 2/1015, trung bình mỗi năm tổ chức hai lần và lần nào ban tổ chức cũng bị bối rối vì số lượng người tham gia tăng đột biến. Chỉ vỏn vẹn có 50 người kỳ đầu tiên, 200 người lần thứ hai, đến nay, trung bình mỗi đợt “đổi” có từ hai đến ba ngàn người tham gia.

“Đổi giấy lấy cây” là sáng kiến của Câu lạc bộ Môi trường của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Riêng trong năm đầu tổ chức, hàng nghìn chậu cây để bàn nhỏ xinh đã đổi được hơn 9 tấn giấy các loại. Để tham gia, mỗi người chỉ cần mang giấy, sách vở cũ đã qua sử dụng đến cân và quy đổi ra các loại phiếu có đánh dấu sao. Trung bình cứ ba cân giấy viết, giấy in photo sẽ đổi được một sao. Năm cân giấy bìa, sách giáo khoa, sách truyện cũng đổi được một sao. Để giảm thiểu mọi thắc mắc, ban tổ chức còn ra một thông báo mở: trong trường hợp lượng giấy mang đến gần với mức quy đổi nào hơn sẽ được làm tròn thành mức quy đổi đó và nhận quà tương ứng. Nếu lượng giấy bị làm tròn xuống sẽ được nhận thêm quà tặng kèm từ ban tổ chức.

Ngày càng nhiều người thích “Đổi giấy lấy cây” ảnh 1 Hàng nghìn chậu cây đổi lấy hàng tấn giấy vụn.

Sau đó, người tham gia chỉ cần cầm số sao đem đổi lấy những loại cây mà mình mong muốn. Nhờ lợi thế trường Nông nghiệp, số cây được đem đổi vô cùng phong phú: từ sen đá, ngọc ngân, dừa cạn, xương rồng, dâu tây, cà chua bi, ớt cảnh đến các loại hoa, hạt giống…

Nguyễn Ngọc Hiên (THPT Chu Văn An) cho biết: “Nhà tôi rất gần chợ cây đường Bưởi nhưng đến đây vẫn thấy hơi hoa mắt với số lượng cây được bày đổi. Thường là những loại dễ trồng, dễ chăm sóc, rất tiện để ở góc học tập hoặc ban công. Đợt trước, tôi đổi được một chậu dây tây đã có quả, về chỉ việc tưới nước, cứ mỗi tuần lại thu hoạch một, hai quả. Rất vui. Lần này, ngoài gom giấy ở nhà, tôi còn vận động cả ông bà cậu mợ góp giấy. Bố tôi mang về hai túi giấy in một mặt ở cơ quan cho hai mẹ con đem đổi”.

Trần Hoàng Yến (Gia Lâm, Hà Nội) kể: “Tôi tham gia “Đổi giấy lấy cây” đã ba lần. Trước nhà có giấy vụn mẹ tôi chỉ bán đồng nát, thu được năm, mười ngàn mỗi lần, mua mớ rau là hết. Nhưng từ khi biết giấy có thể đổi cây, tôi không còn bán đồng nát nữa. Nhìn một loạt chậu cây bên cửa sổ, tôi cảm thấy như việc gom giấy vụn như có một ý nghĩa khác hẳn. Cũng từ đó, tôi cảm nhận được niềm vui khi trồng cây, gieo hạt và chờ nó nảy mầm”.

Cô Lê Thị Thắm (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi bị con gái kéo đi “đổi cây” cùng, cô cũng tập được vài thói quen bảo vệ môi trường. Ví dụ như phân loại rác. Nhà cô bây giờ có riêng một loại túi chỉ để đựng rác tái chế như vỏ chai, hộp, túi nilon… Một loại thì đựng rác hữu cơ. Cô cũng thích trồng thêm các loại cây dễ chăm sóc như: Mai hoàng yến, Vạn niên thanh, hoa Mười giờ… Không nhiều, song nhìn trong nhà có thêm cây cối cũng vui mắt, dễ chịu hẳn”.

Ngày càng nhiều người thích “Đổi giấy lấy cây” ảnh 2 Chậu Sen đá Phật Bà được đổi bằng phiếu 2 sao, tương đương 6kg giấy.

Theo chị Lê Thị Vân (chủ nhiệm CLB Môi trường ĐH Nông nghiệp), mục đích của chương trình “Đổi giấy lấy cây” là mong muốn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người. Sau khi trao đổi giấy và cây, câu lạc bộ sẽ phân loại giấy trắng, giấy bìa hay sách vở phục vụ cho các mục đích sử dụng khác nhau. Cụ thể, sách giáo khoa, giáo trình, truyện cũ còn giá trị sử dụng sẽ được dùng để hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong những chuyến đi thiện nguyện của câu lạc bộ; giấy, bìa đã qua sử dụng được chuyển đến cơ sở tái chế; giấy trắng hoặc giấy in một mặt sẽ được tách riêng và tiếp tục sử dụng.

Hiện nay, kinh phí cho các hoạt động của CLB Môi trường đều do các thành viên tự đóng góp. Một số thành viên có sáng kiến bán hoa vào những ngày lễ tết, tiền thu được cũng góp vào quỹ
của CLB.

Chị Bùi Thị Thu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói: “Tôi tham gia “Đổi giấy lấy cây” đã ba lần, lần vừa rồi còn cho em bé đi cùng, cháu rất thích. Ở đây các bạn tổ chức rất nhiều trò, có cảm giác giống như hội hè. Con tôi được đọc sách, vẽ tranh, chơi ô ăn quan… với các anh chị sinh viên. Nhà tôi thực ra không có nhiều giấy, không có gì để đổi, tôi chỉ có thể mua cây trực tiếp. Con tôi đi “đổi giấy” hai lần về đã có ý thức ra khỏi phòng thì tự tắt điện, không cần mẹ nhắc. Khi rửa tay cháu cũng tự động vặn nhỏ vòi nước, còn dặn bà là không được lãng phí nước để bảo vệ môi trường. Tháng 9 tới, “đổi giấy” trở lại, tôi sẽ lại cho con đi”.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.