Ngày hè mưu sinh

Ngày hè mưu sinh
Sài Gòn mùa hè năng động níu chân SV xa xứ ở lại mưu sinh. Với họ, những giọt mồ hôi đổ xuống sẽ làm nhẹ đi phần nào gánh của nặng mẹ cha tần tảo nơi quê nhà.

Đã ba mùa hè liên tiếp, Văn Cường - Sinh viên ĐH Nông lâm - vẫn “ở lì” trong miền Nam. Dù ba mẹ viết thư giục mãi, mỗi năm Cường chỉ về nhà (Hà Nam) một lần vào dịp Tết. Vừa thi xong, Cường xin vào làm trong một cơ sở sản xuất thức ăn gia súc của trại thực nghiệm ĐH Nông lâm.

Hôm gặp lại Cường, tôi không nhận ra vì anh chàng “ngụy trang” bằng cái khẩu trang to tướng dày hai, ba lớp. Một ngày Cường làm 7 tiếng, mỗi tiếng được 7.000 đồng, tính ra mỗi ngày trừ tiền ăn cũng còn được hơn 30.000 đồng.

Hầu như anh chàng “ôm sô” tất cả các khâu: sàng cám, cân, đóng bịch, dồn cám vào bao… Cường bảo có ngày hàng về nhiều quá phải tăng ca đến 20 giờ mới “mò mặt” về phòng trọ - cái phòng trọ vẻn vẹn gần 10 m2 chứa 3 “tên” SV mà “chỉ cần dựng chiếc xe đạp và kê thêm cái bàn học là chật ních”.

Được một người bạn giới thiệu, tôi đến gặp Sơn (ĐH Mở bán công, Quận 3) khi Sơn vừa đi làm về. Có vẻ hơi ngại ngần khi nói chuyện với tôi trong bộ đồ còn “vương vấn” mùi sơn hăng hắc, Sơn cho biết mình là con út trong một gia đình có 7 anh chị em.

Chàng SV quê Bác khá hiền và ít nói, cứ cười khi tôi hỏi thăm về công việc. Sáng 7 giừ đã vọt qua Q.6, đến 17 giờ mới về phòng trọ ở quận Phú Nhuận. Có ngày Sơn phải tăng ca tới 20, 21 giờ.

Sơn cho biết đã đi làm công việc này hơn 3 mùa hè. Hè làm thì vô năm đủ tiền đóng học phí một kỳ, học phí kỳ còn lại Sơn “chạy sô” thêm nghề khác.

Gặp cô bạn Hà Tĩnh Bùi Thị Hà (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) đang bán xôi trước cổng Khu chế xuất Linh Trung, tôi ngạc nhiên: “Ủa, hè sao không về nhà?”.

Hà cười nhỏ nhẹ: “Có năm nào về đâu”. Hà kể trước đây mỗi ngày nấu bán được 14-  15 kg nếp, gần đây bảo vệ đuổi dữ quá nên chỉ dám nấu 6 - 7 kg, bán tới 19 giờ 30 là hết veo, mỗi ngày lời cũng được 30.000 đồng.

Tôi định hỏi tiếp thì một tốp công nhân ào tới mua làm Hà gói không kịp. Có người đợi lâu quá, bỏ sang hàng khác. Chợt những người bán hàng rong nháo nhào chạy, tôi ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì thì Hà đã nhanh chóng bê “gia tài” của mình là thau xôi với chiếc ghế nhựa, vừa nhớn nhác tìm đường chạy vừa nói như hét: “Bảo vệ tới đó!”.

Khi đã "bình yên" trở lại, Hà đặt thau xôi xuống, kể: “Mình còn đi làm thêm ở nhà hàng nữa đó. Làm ngày Chủ nhật thôi, nhưng được 70.000 đồng. SV mà, không làm thêm thì… chết đói!”.

Vươn đến ngày mai

Những Thanh Hương, Văn Cường, Sĩ Tùng, Phương Nga… chỉ là một vài trong hàng ngàn SV từ khắp mọi miền đất nước “di cư” vào Sài Gòn rồi “tạm trú” luôn. Họ sẵn sàng làm tất cả công việc, kể cả những công việc nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác, bẻ sắt…

Có những giọt mồ hôi và cả những dòng nước mắt. Nhưng rồi tất cả khó khăn, bỡ ngỡ cũng vượt qua để họ có thể đủ sinh sống, góp chút công sức giúp cha mẹ bớt nhọc nhằn, vất vả hơn nơi quê nhà khốn khó.

Ngày hè mưu sinh ảnh 1
Dương Thị Thanh Hương - quê Bình Định, SV năm 4 ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ - là một trong rất ít nữ giám sát (supervisor) của Trường Anh ngữ quốc tế SITC (Q.Bình Thạnh). Mùa hè, Hương quản lý “đám” SV năng động (gần 50 người) làm tại đây.

Vai trò giám sát đòi hỏi Hương luôn luôn “vắt chất xám” nghĩ  ra những kế hoạch, những phương pháp làm việc hiệu quả hơn để nhóm đạt chỉ tiêu từ phòng tiếp thị. Bù lại, thu nhập của Hương cũng “kha khá”, không những tự trang trải, hằng tháng Hương còn đều đều gửi tiền về quê giúp hai em ăn học.

Nhiều bạn còn dành dụm tiền để hè này đi học thêm ngoại ngữ, tin học…, “để ra trường có cái bằng đi làm chớ. SV không nói nổi một câu tiếng Anh thì xấu hổ lắm”.

Tôi hỏi: “Mùa hè không về nhà có nhớ không?”. Hầu như bạn nào cũng cười. “Mới đầu thì cũng nhớ dữ lắm. Nhưng dần dần cũng phải quen” - Tâm sự của Diễm Hương cũng là tâm sự của nhiều bạn.

Nhưng nỗi niềm của người con xa xứ không thể giấu được sau những nụ cười, những đôi mắt đượm buồn, phảng phất những ưu tư  trăn trở. Xuân Nghị thổ lộ: “Ai bảo mình không nhớ nhà? Con trai mà, có nhớ thì cũng giữ trong lòng thôi. Mình thích sống ở thành phố này vì có nhiều cơ hội thăng tiến, có thể phát triển được khả năng kinh doanh và hiện tại mình đang có những mối quan hệ rất tốt. Nếu về quê sẽ phải làm lại từ đầu”.

Có những khu phòng trọ SV tôi đi qua ban ngày vắng hoe vì SV ngược xuôi tìm việc, song đêm về điện sáng trưng, rộn ràng. Cái không khí chộn rộn lúc chập tối ấy được một lát đã chìm vào bóng đêm yên lặng cùng giấc ngủ an lành sau một ngày bươn chải.

Minh Quân - SV năm 1 ĐH Luật - kể: “Nhiều đêm về mệt quá, chẳng tắm táp ăn uống gì hết, “lết” lên giường đánh một giấc. Sáng dậy cuống cuồng đi làm vì trễ giờ!”.

Nhìn những khuôn mặt già dặn, rám nắng, những bàn tay chai sần, những dáng đi vội vã, tôi cảm thấy trước mắt họ là những ngày mai hứa hẹn đón chờ…

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.