Ngay và luôn

Ngay và luôn
TP - Cha tôi là nông dân, mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn”- bây giờ có được bao nhiêu bạn trẻ dám nói về mình như nhân vật chính trong truyện ngắn: “Thương nhớ đồng quê” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp? Chưa ra khỏi lũy tre làng đã muốn đoạn tuyệt với gốc gác của mình, khi lên thành phố thì “hương đồng gió nội” đã bay đi hết rồi.

> Cái bang, hàng rong... 'đổ bộ' trường thi
> Buổi đầu tiên thi ĐH: Nhiều thí sinh vẫn quên giấy tờ

Như một câu thơ vui: “Ở nhà là Mít là Na; Khi ra thành phố em là Trà Mi”. Trong giới trẻ giờ đây đang hình thành xu hướng sống chạy theo những giá trị thời thượng, hào nhoáng bề ngoài. Kỳ thi đại học những năm gần đây, số lượng thí sinh thi vào những ngành mang cái mác rất kêu: “quản trị kinh doanh; ngoại thương, ngân hàng” vẫn lấn át so với những ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn như Hán nôm, Đông phương học.

Gắn liền với xu hướng này là tâm lý thích: “ngay và luôn”. Câu slogan: “Sống là không chờ đợi” khiến nhiều người phát hãi vì thứ văn hóa sống siêu tốc. Sống nhanh, sống gấp, sống không cần biết đến ngày mai, nhiều bạn trẻ đã nóng vội lao vào những ảo vọng nổi tiếng và giàu sang. Nhiều thanh niên bây giờ sống gấp mà thiếu một nhân sinh quan lành mạnh làm giá đỡ. Sống “đốt cháy giai đoạn”, quả còn xanh đã bắt chín ép.

“Sống là không chờ đợi” lại không đồng nghĩa với sống hết mình với đời. Khi nhiều người trẻ thích “ngay và luôn” lại là lúc họ thể hiện một cái tôi vô trách nhiệm, mờ nhạt, nửa vời.

“Ngay và luôn” chẳng phải với tinh thần: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Chỉ “ngay và luôn” trong hưởng thụ như phương châm “không nên hoãn sự sung sướng lại”. Những người “ngay và luôn” này có thể phóng nhanh trên đường nhưng lại chẳng dám mở một lối đi riêng. Khi không khẳng định được mình bằng tài năng, người ta sẵn sàng chạy theo những giá trị đã bị lệch chuẩn trong thời buổi mà một bộ ngực hở hang cũng có thể gây “nổi tiếng”.

Chỉ riêng Showbiz Việt đã xuất hiện nhiều sao trẻ ca những bài khiến người nghe “té ghế” nhưng lại rất chảnh, cho mình cái quyền được bùng sô, được hét giá, được hát nhép. “Sao” kiểu đó nhanh chóng rụng rơi, chỉ còn lại những ai thực sự tài năng và dám khác biệt.

Cứ sau mỗi kỳ thi đại học, chân dung thủ khoa được báo chí nêu gương hầu hết đều có xuất thân: “Cha tôi là nông dân, mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn”. Họ thầm lặng lao động, chẳng sống kiểu “ngay và luôn” nhưng lại vượt lên những người “ngay và luôn” ...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG